Vụ bắt giữ đầu tiên sau chuyến thăm ‘đề cập đến nhân quyền’ của phó tổng thống Mỹ

Link Video: https://youtu.be/BD82Uo0IQSY

Chính quyền Việt Nam hôm 30/8 bắt giữ Facebooker Bùi Văn Thuận, người có nhiều các đăng tải chỉ trích lãnh đạo Đảng trên mạng xã hội, với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”, chỉ vài ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới thăm và đề cập đến vấn đề nhân quyền với những người đứng đầu chính phủ ở Hà Nội.

Ông Thuận, người có trang Facebook “Cha già Dân tộc” với đăng tải mới nhất nêu ra sự đối chọi trong các phát ngôn của các lãnh đạo Việt Nam – trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – về cách chống dịch COVID-19, bị công an bắt tại nhà riêng ở huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, sáng ngày 30/8.

Bà Trịnh Nhung, vợ ông Thuận, xác nhận với VOA trong khi truyền thông nhà nước Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì về vụ bắt giữ này.

Theo bà Nhung cho biết, gia đình bà bị bất ngờ khi các công an “giả dạng là nhân viên y tế đến để yêu cầu khai báo y tế” vào lúc 8:30 sáng sau đó khám xét nhà và đọc lệnh bắt giữ ông Thuận.

Quyết định của Công an Tỉnh Thanh Hoá mà VOA được xem nói rằng ông Thuận bị khởi tố vì tội “Tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của Bộ luật Hình sự, một điều luật thường được dùng để bắt giữ các tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

Ông Thuận, một giáo viên dạy hoá trước khi trở thành một blogger có tiếng ở Việt Nam, từng được báo Los Angeles Time phỏng vấn vì bị Facebook chặn tài khoản cũng như xoá các bài viết chỉ trích chính quyền, gồm loạt đăng tải về vụ tranh chấp đất đai ở làng Đồng Tâm.

Trong một đăng tải về vụ việc gây nhiều tranh cãi này hồi tháng 1 năm ngoái, ông Thuận gọi các lãnh đạo nhà nước là “những kẻ cướp đất” và viết rằng “Những tội ác của các ông sẽ hằn sâu trong tâm trí tôi,” theo LA Times.

Một trong những đăng tải gần đây nhất của ông Thuận đưa ra những phản ánh của người dân về việc “thiếu ăn, thiếu đói” trong lúc TPHCM phong toả vì đại dịch và cho rằng “99% người dân Sài Gòn đang dài cổ chờ bộ đội, cán bộ đi chợ hộ.”

Bà Nhung cho biết chồng bà biết rằng sẽ có ngày bị bắt và gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho việc này.

Ảnh: với giọng văn hài hước, trên FB cá nhân ông Bùi Văn Thuận tự mô tả về mình là: “Cha già Dân tộc- Ranh nhân Văn hóa Quốc tế. Chuyên gia tường thuật, phân tích chọi chó hàng đầu Việt Nam.

Anh ấy biết rõ là sẽ gặp nguy hiểm vì đã lên tiếng đấu tranh thì không thể nào yên ổn được,” bà Nhung nói và cho biết tôn trọng những việc làm của chồng mình.

Nhưng (vì) lương tâm không cho phép mình im lặng, sợ hãi hay mình bỏ cuộc nên anh ấy mới làm công việc đó.”

Đây là vụ bắt giữ đầu tiên được biết tới ở Việt Nam sau khi Phó Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm Hà Nội hôm 26/8.

Trong buổi họp báo cuối cùng, bà Harris cho biết bà đã nêu vấn đề vi phạm nhân quyền và hạn chế hoạt động chính trị của chính phủ Việt Nam khi gặp các lãnh đạo ở Hà Nội. Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ và nhiều tổ chức nhân quyền thúc giục bà Harris kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm khi thăm Hà Nội.

Cùng thời gian chuyến thăm này, hai công dân Mỹ gốc Việt được Việt Nam trả tự do, được cho là do sức ép ngoại giao từ Washington.

Các cuộc trao đổi như thả tù nhân chính trị hoặc lương tâm thường được Việt Nam thực hiện trước hoặc trong các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của Mỹ tới Hà Nội. Các nhà hoạt động được thả thường được đưa sang Mỹ hoặc các nước châu Âu để tị nạn, bao gồm blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiện đang tị nạn tại Texas.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn nói rằng không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở đây và nhà cầm quyền chỉ bắt giữ những ai vi phạm luật pháp.

Ảnh: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Theo nhà hoạt động Phạm Minh Vũ, một người bạn của ông Thuận, Facebooker này trước khi bị bắt nói rằng ông sẽ “không nhận tội, không xin ân xá để hưởng khoan hồng hay trao đổi với nhà cầm quyền.”

Ông cũng cho biết rằng ông “không thuộc bất kỳ hội nhóm, phe phái hay tổ chức nào” và “không có nhu cầu đi tị nạn chính trị hay ra nước ngoài bằng việc trao đổi tù nhân lương tâm.”

Theo ông Phạm Minh Vũ, “việc bắt giữ nhà giáo Bùi Văn Thuận là một hành động đàn áp những tiếng nói tri thức.”

Bà Nhung nói công an không cho biết chồng bà sẽ được đưa đi đâu và sẽ bị giam giữ trong bao lâu.

Điều 117 BLHS Việt Nam quy định mức án tù lên đến 20 năm cho những người bị kết án tội “tuyên truyền chống phá nhà nước.”

Quyết định khởi tố của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Tỉnh Thanh Hóa ký ngày 29/8 được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh này phê chuẩn trong ngày 30/8.

Cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên vào tối ngày 30/8 cho RFA biết về thông tin ông Bùi Văn Thuận bị bắt như sau:

Ông Thuận theo tôi biết là một người có những bình luận về chính trị, thời sự hội VN khá sắc bén được nhiều người ưa thích trên mạng xã hội. Trên bản tin ngắn tôi đưa, tôi có nhắc chỉ sau bốn ngày bà (Phó Tổng thống Hoa Kỳ) Harris rời VN đã diễn ra vụ bắt bớ. Tôi nhận định sau vụ bắt này sẽ còn có những vụ bắt bớ những tiếng nói chỉ trích khác.

Ngoài ông Bùi Văn Thuận bị bắt, tại Vũng Tàu, có Thầy Thích Vĩnh Phước (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – giáo hội không được chính quyền Việt Nam thừa nhận) bị mời đi làm việc sáng nay vì bị nói có những bài viết liên quan dịch COVID-19

Ảnh: ông Bùi Văn Thuận, đứng ở bìa trái đang cầm biểu ngữ trong một cuộc biểu tình chống FORMOSA ở Hà nội hồi năm 2016

Ông Bùi Văn Thuận, sinh năm 1981, bị cáo buộc vi phạm Điều 117-Bộ Luật Hình sự năm 2015: “Tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Điều luật này đã bị các tổ chức theo dõi nhân quyền cho là mơ hồ, tùy tiện mà Nhà nước Việt Nam sử dụng nhằm dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến, đàn áp quyền tự do biểu đạt.

Thống kê cho thấy từ đầu năm 2021 đến nay, công an Việt Nam đã đã kết án 17 người sử dụng Facebook và bắt giữ ít nhất chín người chỉ vì dùng quyền công dân phát biểu những điều bị coi là “độc hại” đối với chế độ độc tài đảng trị.

Ông Bùi Văn Thuận vốn là một giáo viên dạy môn hóa học ở trường trung học. Vì viết Facebook chỉ trích đường lối độc tài đảng trị của CSVN nên bị mất việc làm. Ông từ tỉnh Hòa Bình về Hà Nội sống với việc dạy kèm học sinh, sống qua ngày nhưng bị công an ép đuổi nhà liên tục nên phải trở về quê.

Vì ông vẫn viết phản biện, chỉ trích chế độ nên đã bị bắt thẩm vấn, đe dọa nhiều lần, và phải di chuyển chỗ tạm trú cũng nhiều lần. Nơi cư trú sau cùng của ông thấy ghi trên tờ “Quyết định khởi tố bị can” là phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Phản biện sau cùng của ông trên trang Facebook cá nhân là vào ngày 29 Tháng Tám khi ông nêu ra những phát ngôn trái ngược nhau của Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng “chống dịch như chống giặc” với Thủ Tướng Phạm Minh Chính “xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối” và Bộ Trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang “đây là trận chiến, không thắng không về.”

Ảnh: Quyết định khởi tố bị can và phê chuẩn của VKSND Thanh hóa về việc bắt giam ông Bùi Văn Thuận

Ông Thuận đặt câu hỏi: “Ủa vậy là bác Trọng nói sai, hay chống không được ta buông súng đầu hàng rồi cuối cùng là buộc phải sống chung với giặc. Nếu không thắng được dịch-giặc, bộ đội sao có thể về đây đại tướng? Chả lẽ vất vưởng mãi trong đó?”

Trước lời phản biện trên, ông theo dõi và chỉ trích cách chống dịch COVID-19 trên dưới đá nhau, kém hiệu quả, làm khổ người dân, của nhà cầm quyền CSVN từ trung ương xuống tới các địa phương. Có thể những điều này khiến ông bị bắt.

Bình luận về việc TpHCM đưa lực lượng quân đội đến đi chợ và cấm Shipper hoạt động sau đó lại thông báo cho Shipper hoạt động lại, ông Bùi Văn Thuận viết trên Facebook rằng:

Thằng cha già đã có tút “Làm toán giúp đảng” rồi mà. Một thành phố 12 triệu dân, khoảng 4 triệu bếp ăn gia đình, mỗi tuần đi chợ 1 lần. Mỗi ngày có khoảng 500.000 nhà cần đi chợ. Quân đội, dân phòng, công an sao có thể ship, sao có thể nhận đơn hàng, sao có thể làm kế toán, kho bãi, phương tiện và cả nghìn thứ khác phát sinh, đi kèm?

Theo các con số báo cáo và báo chí đưa tin: Quân đội, chính quyền chỉ có thể đi chợ hộ khoảng 20% số nhu cầu. 80% còn lại họ sẽ sống kiểu gì, mua nhu yếu phẩm, thuốc men kiểu gì? Không bung toang, không phá sản mới lạ.

Chỉ những con bò hoặc đứa thiểu năng cai trị mới không biết rằng: Một thành phố 14 triệu dân như Sài Gòn, ít nhất cần 50% nhân lực trong đó phải hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ. Tính kiểu gì cũng còn 5-7 triệu người hoạt động trong chuỗi dịch vụ, nông nghiệp. Chỉ cần loại bỏ đi 2 triệu nhân lực (kèm năng lực, phương tiện của họ) trong chuỗi này là thành phố sẽ bung, toang, sẽ thiếu thốn và chết đói.

Vậy mà đám ngu cứ duy ý chí và tin tưởng một cách vừa đần độn vừa mù quáng. Đằng này, chúng đòi để quân đội và chính quyền lo hết, có mà lo vào mắt, lo vào lòng đất.”

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang không biết mình có những quyền lực gì?

>>> Đi chợ hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh: Quân đội ‘chào thua’, shipper trở lại

>>> Lần thứ 3 VTV tấn công Thoibao.de, bao giờ VTV mới thôi dùng trò bẩn?

Vạch mặt chiêu trò “ném đá giấu tay” của báo Nhân Dân nhắm vào Thoibao.de


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023