Việt Nam và Hoa Kỳ trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập phát biểu tại kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản

Không coi Việt Nam ra gì

Trong buổi lễ kỉ niệm sinh nhật 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn ngày 1 tháng 7, có một màn hình lớn trình chiếu các sự kiện nổi bật trong lịch sử đảng này. Bản biên niên sự kiện này đã được đăng trước đó ít ngày trên Tân Hoa Xã, trong đó Trung Cộng bổ sung các sự kiện mới liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, chiến tranh chống Việt Nam năm 1979, một hiện tượng mà các bản biên niên trong lần kỉ niệm 90 năm thành lập đảng (2011) vốn không đề cập đến (xem ở đây và ở đây).

Về cuộc tấn công Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc viết “19-20 tháng 1: Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được lệnh thực hiện phản công tự vệ trước cuộc tấn công vũ trang của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam, bảo vệ thành công lãnh thổ quần đảo Tây Sa.” Về cuộc tấn công biên giới Việt Nam năm 1979, họ viết “thực hiện cuộc phản công tự vệ đối với Việt Nam.” Đối với cuộc thảm sát lính công binh Việt Nam ở đá Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988, họ viết “thực hiện cuộc phản công tự vệ ở quần đảo Nam Sa”. Trung Quốc cũng liệt kê sự kiện thành lập thành phố Tam Sa năm 2012 để quản lý các đảo trên Biển Đông.

Điều thú vị là nhà nước và báo chí Việt Nam không lên tiếng phản hồi về cách làm “biên niên sự kiện” liệt kê những thành tích trong 100 năm qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc như vậy.

Ngày 6 tháng 7, trong “Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới”, một sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 100 năm sinh nhật Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã “chúc mừng nồng nhiệt” những thành tích của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kể công đánh Pháp và đánh Mỹ, cảm ơn Trung Quốc viện trợ. Tổng Bí thư Việt Nam không nhắc đến cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979, cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988, những sự kiện mà Trung Quốc nhắc đến như là thành tích trong 100 năm tồn tại của Đảng Cộng sản.

Điều đáng ngạc nhiên trong buổi lễ này là người đọc lễ văn khai mạc lại là lãnh đạo một đảng phái “dân chủ” ở Trung Quốc chứ không phải Tập Cận Bình.

Phát biểu khai mạc lễ kỉ niệm là Wanxiang 万鄂湘 (Vạn Ngạc Tương), Chủ tịch của “Ủy ban Cách mạng Quốc dân Đảng Trung Quốc”「中國国民党革命委员会, một trong tám đảng phái chính trị “dân chủ” ở Trung Quốc. Wan đã mở đầu bài diễn văn bằng công thức chúc tụng quen thuộc:

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tất cả các đảng dân chủ, Liên đoàn Công thương và những người không thuộc đảng phái nào xin gửi lời chào trân trọng và lời chúc mừng chân thành nhất tới Đảng Cộng sản Trung Quốc vĩ đại, người lãnh đạo cốt cán của sự nghiệp kiến thiết và canh tân của cách mạng Trung Quốc.”

Mao Trạch Đông xây dựng lý thuyết “nền dân chủ mới” từ 1939, trên cơ sở đó đưa ra khái niệm “Trung Quốc mới” vào năm 1949, sau khi cầm quyền. Mao Trạch Đông xây dựng hình ảnh “dân chủ” một nước “Trung Quốc mới” , bằng cách tạo ra và duy trì tám đảng phái “dân chủ“, Liên đoàn công thương nghiệp Trung Quốc 中国工商業連合会 và các nhân sĩ không đảng phái, rồi lấy đại biểu từ các thực thể chính trị này để tổ chức “Hội nghị Hiệp thương Chính trị toàn quốc” 全国政治協商会議 và “Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc” 全国人民代表大会, tức “Quốc hội“.

Tất nhiên, tất cả các thực thể chính trị này, bao gồm cả tám đảng phái “dân chủ” và “độc lập” với đảng Cộng sản, đều không được đóng vai trò là đảng đối lập mà là đảng tham gia chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.

Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng bắt chước điều tương tự, cho phép hai đảng là đảng Dân chủ và đảng Xã hội tồn tại trong kiểm soát, ngoài ra còn thành lập Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam để quản lý chung các tổ chức xã hội.

Wanxiang, người thay mặt các “đảng phái dân chủ” đọc diễn văn chúc mừng sinh nhật Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn xuất thân là quan chức ngành công an tỉnh Hồ Bắc. Tương tự như vậy, ở Việt Nam, các tổ chức xã hội chân rết đều là người của Đảng.

Vào ngày 25 tháng 6 năm 2021, trước khi tổ chức đại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, Trung Quốc công bố “Sách trắng về Hệ thống Đảng mới của Trung Quốc” 『中国新型政党制度』nhằm biểu diễn hình thức các đảng dân chủ ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, hình thức “đa đảng” này bị dẹp bỏ từ 1988.

Việc Tập Cận Bình cho lãnh đạo một trong tám đảng phái dân chủ ở Trung Quốc đọc lời khai mạc lễ mừng sinh nhật nhằm thể hiện cùng một lúc hai thông điệp đối lập nhưng “thống nhất” với nhau, vừa thể hiện hình ảnh “đa đảng, dân chủ” sánh ngang với “phương Tây” vừa thể hiện quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản: Các đảng phái khác chầu xung quanh Đảng Cộng sản.

Tương ứng với sự kiện “Quốc Dân đảng” (“Ủy ban Cách mạng Quốc dân Đảng Trung Quốc”) đọc lời chúc mừng để khai mạc buổi lễ, là sự kiện diễn ra một tuần sau đó, như đã nói ở trên, các chính đảng trên thế giới chúc mừng Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là cách ăn mừng sinh nhật theo kiểu tổ chức các sự kiện giống như nguyên tắc chơi cờ vây, tức bố trí các sự kiện [quân cờ] ở những vị trí nhìn bề ngoài có vẻ không liên quan nhưng thực chất lại thống nhất với nhau trên một bàn cờ lớn. Bằng cách đó, Trung Quốc thỏa mãn nhu cầu biểu đạt bản thân như là trung tâm của thế giới trong “thời đại mới.”

Bằng việc tham gia hội nghị thượng đỉnh Trung Cộng và “500 anh em”, không phản đối hành vi liệt kê các cuộc xâm lược Việt Nam năm 1974, 1979, 1988 như là thành tích trong lịch sử 100 năm của Trung Cộng, chỉ cảm ơn Trung Cộng giúp đỡ đánh Pháp và Mỹ, Việt cộng Tổng Bí thư (như cách gọi trong tiếng Trung Quốc) đã bị Trung Cộng chơi xỏ mà không biết.

Gắn thanh thiếu niên với Đảng

Số người tham gia tiệc sinh nhật này lên đến 70.000 người, lấp đầy Quảng trường Thiên An Môn. Trong đó, chiếm phần lớn là Đội thiếu niên tiền phong (6-14 tuổi), Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc (14-28 tuổi). Họ hát những bài hát như “Chúng tôi là những người kế tục chủ nghĩa cộng sản“. Trong hoạt cảnh của buổi lễ, thanh thiếu niên liên tục hô vang những lời kinh ca tụng đảng.

Theo số liệu thống kê đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tân Hoa Xã công bố vào ngày 30 tháng 6, trước lễ kỉ niệm, thì Đảng viên dưới 35 tuổi chiếm khoảng 25%.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2020 đến ngày 5 tháng 6 năm 2021, số đảng viên mới kết nạp là 4,739 triệu người. Trong đó, cả năm 2020 kết nạp 2,427 triệu người, còn nửa đầu năm 2021, tính đến ngày 5/6/2021, đã kết nạp 2,312 triệu người, tức là bằng cả năm 2020. Điều đó có nghĩa số đảng viên có khả năng sẽ còn tăng mạnh trong năm 2021. Trong số đảng viên mới đó, 80,7% dưới 35 tuổi. Ngoài ra, con số thống kê cũng cho thấy Tập Cận Bình đang cố gắng tăng cường đảng viên trong sinh viên đại học: số “sinh viên đảng viên” chiếm đến 40%.

Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi hình ảnh “tuổi trẻ kế thừa” trở nên nổi bật trong buổi lễ.

Đấu với tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Pompeo

Bản in diễn văn của các lãnh tụ cộng sản thường có chú thích “vỗ tay” hoặc “vỗ tay kéo dài”, ghi lại phản ứng của người nghe đối với diễn giả. Thường thì những người được chọn vào hội trường ngồi nghe lãnh tụ nói đều là những người đã quen vỗ tay đồng loạt đúng lúc mà không cần tập dượt trước. Tuy nhiên, ở bài diễn văn của Tập Cận Bình (xem YouTube), những lần công chúng vỗ tay, làm cho Tập phải dừng lại chờ đợi, rõ ràng là một kĩ thuật chuẩn bị trước, có khả năng được luyện tập, để giúp vị chủ tịch nhấn trọng tâm của bài.

Bài diễn văn của Tập Cận Bình nhấn mạnh “Trung Quốc tôn trọng công lý và không sợ bị hiếp đáp, và người dân Trung Quốc có lòng tự tôn và tự tin dân tộc mạnh mẽ. Nhân dân Trung Quốc chưa bao giờ bắt nạt, áp bức hoặc đối xử với người dân các nước khác như nô lệ. Chúng ta không làm điều đó trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Đồng thời…

Đến đây thì công chúng vỗ tay. Tập Cận Bình dừng lại, và khi tiếp tục, ông lặp lại hai chữ “Đồng thời…” một lần nữa.

“… Đồng thời, nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực ngoại bang nào ức hiếp, đàn áp chúng ta và đối xử với chúng ta như nô lệ… Kẻ nào còn ôm mộng tưởng hoang đường đó sẽ bị bức trường thành thép xây bằng máu và thịt của người Trung Quốc nghiền nát.

Những từ ngữ này liên văn bản với lời mở đầu bài quốc ca của Trung Cộng, “Hãy đứng lên! Những người không muốn làm nô lệ! Hãy xây dựng Vạn Lý Trường Thành mới bằng máu và thịt của chúng ta!“.

Cách tổ chức buổi lễ, nội dung bài nói chuyện, việc đạo diễn cách phản ứng của công chúng và cách tương tác của Tập Cận Bình khi phát biểu, đã truyền đi thông điệp đối với Mỹ: Thanh niên Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc cảm thấy bị Hoa Kỳ uy hiếp, đoàn kết xung quanh Trung Cộng để “tự vệ”. Tập Cận Bình nói tiếp:

Mọi âm mưu của nước ngoài nhằm chia rẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công. Hơn 95 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không phép điều đó. Hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc sẽ không cho phép điều đó!”

Đây là lời phản bác lại lời mà cựu Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi tách rời Đảng Cộng sản khỏi “nhân dân Trung Quốc”. Cách Trung Cộng tổ chức buổi lễ và cấu trúc bài phát biểu của Tập Cận Bình cho thấy họ biết cách làm cho lời kêu gọi của ông Pompeo trở thành phi thực tế.

Đó là chưa kể, trong lời kêu gọi đó, ông Pompeo còn liệt kê Việt Nam chung với Australia khi nêu ý tưởng xây dựng một “liên minh của các nền dân chủ” (“a new alliance of democracies”). Ông Pompeo đã làm như Việt Nam là một nước thuộc thế giới dân chủ và có gì đó khác biệt với Trung Quốc về ý thức hệ và chế độ chính trị.

Rõ ràng, Hoa Kỳ cần xem xét tới thực tế là Đảng Cộng sản Trung Quốc biết cách dùng chính sức ép Hoa Kỳ đè lên Trung Quốc để củng cố vị thế quyền lực của mình. Hội nghị giữa Trung Cộng và “500 chính đảng” sau đó cũng là một thông điệp gửi đến lời kêu gọi “cô lập Trung Cộng” của chính giới Hoa Kỳ.

Hoàng Trường Sa

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/vietnam-and-the-us-mentioned-in-100-th-anniversary-ceremony-of-chinese-communist-party-07132021081539.html

Kasse animation 7.8.2023