Vì sao ba tháng nữa Quốc hội lại bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=_gEYnh2BkVQ

Ba tháng nữa Quốc hội Việt Nam sẽ lại bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Vì sao Quốc hội lại bầu những chức danh mà tổ chức này đã bầu trước đó bằng hình thức bỏ phiếu kín?

Ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thông tin vừa nêu tại phiên họp thứ 55 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/4.

Trong khi trước đó, vào ngày 31/3/2021, tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tuyên thệ nhậm chức, sau khi được Quốc hội bầu chọn cùng ngày.

Sau đó, vào ngày 5/4/2021, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông báo ông Phạm Minh Chính là tân Thủ tướng với 436/473 phiếu bầu; ông Nguyễn Xuân Phúc – nguyên Thủ tướng Chính phủ trở thành tân Chủ tịch nước với 468/468 phiếu tán thành.

Đây cũng là lần đầu tiên một đương kim Thủ tướng chuyển sang làm Chủ tịch nước, một chức danh có phần nghi lễ nhiều hơn.

Ông Nguyễn Xuân Phúc trong cương vị Chủ tịch nước Việt Nam tham dự các phiên họp quốc tế trực tuyến và có phát biểu như tại phiên họp của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp quốc mà Việt Nam là nước chủ tịch luân phiên trong tháng tư, hay tại hội nghị về biến đổi khí hậu thế giới. Ông Phạm Minh Chính vừa sang Indonesia dự cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN khác bàn về vấn đề Myanmar. Ông Vương Đình Huệ về các địa phương trong nước với tư cách Chủ tịch Quốc hội

Ảnh: Tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức

Vì sao ba tháng nữa, Quốc hội Việt Nam lại phải bầu lại các chức danh lãnh đạo vừa nêu? Trả lời RFA từ Nha Trang hôm 27/4, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:

Chúng ta cũng đều biết cách đây ít hôm, Quốc hội cũng đã bầu bán xong xuôi hết rồi, kể cả Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và một số Bộ trưởng đã đưa ra rồi.

Giờ lại bảo ba tháng nữa bầu, tôi nghĩ chuyện đó buồn cười, nó giống như là màn kịch vụng về vậy thôi.

Nói cho cùng thì không chỉ Quốc hội đâu, kể cả Đại hội Đảng, trong điều lệ có điều khoản đảng viên giữ chức Tổng Bí thư thì không làm quá hai nhiệm kỳ, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng là nhiệm kỳ thứ ba rồi, mà điều lệ đảng có thay đổi đâu?

Quy định do chính người ta đặt ra, mà ai cũng biết đảng là tối cao, mà trên như thế thì dưới cũng như vậy.

Những người nào hiểu biết chính trị Việt Nam sẽ thấy rằng bây giờ nó lộn xộn lắm, họ muốn làm sao họ làm chứ họ chẳng kể gì cả, giống như cái tuồng hề chèo vậy thôi.”

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, vào ngày 20 tháng 7 năm 2021, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới dự kiến làm việc trong 11 ngày và bế mạc vào ngày 3/8.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục dành 6 ngày để xem xét, quyết định công tác nhân sự.

Cụ thể, Quốc hội sẽ quyết định số phó chủ tịch Quốc hội, số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu chủ tịch Quốc hội, chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán nhà nước…

Ngoài ra theo ông Cường, Quốc hội ngoài việc bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao… sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ…

Thông thường, theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội khoá mới sẽ tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước và Chính phủ vào phiên họp đầu tiên. Đây là điều mà Quốc hội Việt Nam vẫn thường làm từ trước cho đến cuối tháng ba, đầu tháng tư vừa qua khi Quốc hội khoá XIV sắp miễn nhiệm lại bầu các chức danh này.

Báo Công An Nhân Dân hôm 5/4 có bài xã luận cho rằng việc Quốc hội khoá XIV bầu các chức danh Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước là theo đúng Khoản 7, Điều 70, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, và Luật Tổ chức Quốc hội.

Ảnh: Ông Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng hôm 5/4

Anh Quang, một Kỹ sư, một nhà quan sát chính trị, hiện sinh sống ở miền Trung Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 27/4 cho biết ý kiến của mình:

Thực ra, cũng không có gì khó hiểu vì việc bầu lại các vị trí như: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, thay đổi một số Bộ trưởng và các chức danh khác của Quốc hội khóa XIV đều đúng Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, nhưng trên các Luật đó là Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thực hiện điều 4 của Hiến pháp 2013, đó là ‘Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối’!

Cũng nên thấy rằng, những người được ngồi vào các vị trí nói trên đều là ĐBQH đương nhiệm của khóa XIV, chứ không phải họ không phải là ĐBQH khóa này!

Nhưng vì sao chỉ còn 3 tháng nữa là bầu Quốc hội khóa XV mà ĐCSVN không đợi bầu cử xong rồi hãy sắp xếp lại nhân sự cấp cao? Theo tôi thì có mấy nguyên nhân…”

Nguyên nhân thứ nhất theo anh Quang, các vị trí cấp cao nói trên đều là những người được ĐCSVN giới thiệu ứng cử làm ĐBQH khóa XV.

Dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN thì số người mà Đảng giới thiệu ứng cử làm ĐBQH chắc chắn sẽ trúng cử 100%, và như thế thì trong kỳ họp đầu tiên của QH khóa mới, những người này vẫn sẽ được Quốc hội (trên 90% là đảng viên) bầu vào vị trí như cách đây vài tháng.

Ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa cho tân chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Tất nhiên, họ lại vẫn làm các thủ tục theo quy trình bầu các chức danh lãnh đạo như Luật quy định. Anh Quang cho biết nguyên nhân thứ hai:

Nói như trên là nhìn bề ngoài, nhưng thực chất bên trong có một ẩn ý khác, đó là: Sau khi tổ chức Đại hội ĐCSVN lần thứ 13 thì có nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao không còn là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa này nữa.

Như thế thì đương nhiên những người này không thể giữ các trọng trách trong bộ máy Nhà nước sau khi kết thúc Đại hội Đảng và họ cần phải sắp xếp lại.

Mặt khác, điều này mới quan trọng: Đó là Đảng cộng sản họ sợ căn bệnh của các quan chức hiện nay là ‘Hoàng hôn nhiệm kỳ’, tức là những quan chức cấp cao vì lợi ích cá nhân của mình, sẽ tranh thủ chuyến tàu vét bằng cách ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ mới, ký một cách vội vàng các dự án có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội đang trong quá trình cân nhắc, thẩm định và có thể dẫn đến tổn thất tài sản quốc gia .”

Anh Quang nêu ví dụ trường hợp điển hình là ông Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong vòng 2 tháng cuối nhiệm kỳ đã ký đến khoảng 60% các dự án của cả nhiệm kỳ của ông ấy, thấy rõ nhất là ông Trịnh Đình Dũng đã ký dự án sân golf Đak Đoa – tỉnh Gia Lai với quy mô 174 hecta, trong đó có 156 hecta rừng thông 45 tuổi trước khi ông ấy nghỉ có 1 ngày!

Còn Nhà báo Võ Văn Tạo thì cho rằng, cấu tạo bộ máy Nhà nước Việt Nam trong nhiều năm gần đây có những lộn xộn mà nhiều người không hiểu được. Bản thân ông Tạo cho biết mình là người theo dõi mà cũng thấy kỳ cục và quái đản. Ông nói tiếp:

Ai cũng biết ĐCSVN độc quyền cai trị đất nước, nên mọi công việc đều do Đảng quyết định, còn các cơ quan do Đảng bày ra như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận… có một số cơ quan thực sự làm việc, nhưng vẫn chịu sự lãnh đạo của Đảng… như Chính phủ, bộ ngành thì có làm việc, còn một số cơ quan khác là hình thức để đối ngoại mị dân. Ai ở lâu trong chế độ này đều hiểu, không có gì ngạc nhiên.”

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, từ lâu rồi người dân, cán bộ cũng thừa biết Quốc hội không có quyền lực gì mấy, cho nên người dân cũng không quan tâm lắm ông nào bà nào đứng đầu Quốc hội, kể cả Thủ tướng… Ông Tạo nói tiếp:

Trong nhiều thập niên qua chỉ có vài người có vai trò nhất định, như thời kỳ ông Võ Văn Kiệt.

Chứ còn những người khác thì cứ mờ mờ, nhạt nhạt… cứ căn cứ vào nghị quyết Đảng nói ba điều bốn chuyện, không đâu vào đâu, vô bổ….

Hầu như các vị ấy không có năng lực, không có chuyên môn, cũng không có tâm huyết gì? Tâm tư của người dân bây giờ nản, phó mặt, kệ… các ông các bà muốn làm gì thì làm.

Còn việc đi bầu cử, nếu dân không đi thì bị công an địa phương gây khó khăn, nghi ngờ, ghi vào sổ đen… Người dân miễn cưỡng đi bầu chứ người ta biết lá phiếu của họ cũng chẳng tác dụng gì.”

Cũng trong ngày 27/4, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức họp báo công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khoá XV. Theo đó, có 868 người ứng cử để bầu 500 ĐBQH khoá XV, trong đó chín người tự ứng cử và có 74 người ngoài đảng ứng cử.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đã bị loại sau một cuộc họp cử tri kín ngày 12/4.

Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 27/4 nhận định:

Việc Quốc hội bầu thật ra là lừa thế giới và lừa dân thôi, Đại hội Đảng sắp đặt hết, có điều bây giờ họ huỵch toẹt ra.

 Hồi xưa họ đóng kịch, đợi bầu cử khóa mới, sau đó Quốc hội khóa mới bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước. Bây giờ họ làm luôn, lừa huỵch toẹt ra luôn.

Quốc hội chẳng qua là Đại hội Đảng mở rộng, chứ Quốc hội khóa mới hay cũ cũng do Đảng quyết định hết.

Năm nay còn có việc một số người ứng cử ĐBQH tự do, không do Đảng sắp đặt, thì có một số người bị bắt như ông Lê Trọng Hùng và một người nữa, một người ở Ninh Thuận thì bị công an mời, một hình thức tạm giam. Tất cả thể hiện màn diễn lâu nay cũng chẳng hơn gì, nó huỵch toẹt ra luôn.”

Công an tỉnh Bình Thuận hôm 10/4 đã trả tự do cho ông Đồng Chuông Tử – nhà thơ người Chăm, tên thật Nguyễn Quốc Huy sau khoảng 4 ngày giam giữ để thẩm vấn.

Ông là người có tuyên bố tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 trên Facebook cá nhân để đại diện cho người Chăm trước nghị trường.

Hôm 29/3, Công an Hà nội đã chính thức công bố trên cổng thông tin điện tử về việc đã bắt giữ ông Lê Trọng Hùng từ ngày 27/3, với cáo buộc là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Lê Trọng Hùng bị bắt ngay sau khi ông này có đơn đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ mình trong quá trình ông vận động tranh cử đại biểu Quốc Hội. Ông Hùng là một trong hơn 70 người tự ứng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Trước đó vào ngày 10/3, Facebooker Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, cũng bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt tạm giam với cáo buộc bị cho là đăng, phát livestream thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền Việt Nam. Ông Khánh bị bắt sau khi ông tuyên bố tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Sáu Phong và Tư Sang ai quyền lực hơn? Ai đã giúp Hai Nhật lộng hành Sài Gòn?

>>> Phan Văn Giang đem biển Đông đổi lấy tình hữu nghị?

>>> Việt Nam: Bao nhiêu người bị xử tội ‘lợi dụng tự do dân chủ’ từ đầu năm 2021?

Phùng Xuân Nhạ đã làm Tổng Trọng thua đậm Phạm Minh Chính?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023