Nguyễn Phú Trọng đơn độc – hình ảnh ‘người cộng sản cuối cùng’

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=tlcpSt0SaA0

Nếu có một dự đoán về nhân sự cho Đại Hội 13 của Đảng CSVN, căn cứ theo thông tin rò rỉ trong những ngày qua, thì rất nhiều khả năng GS Nguyễn Phú Trọng sẽ chấp nhận chính mình là trường hợp đặc biệt và ở lại ít ra thêm nửa nhiệm kỳ trong cương vị Tổng Bí Thư (TBT).

Bàn về vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng – Luật sư, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm từ San Jose, California đưa ra bài viết mang tựa đề “Đại hội 13: Ông Nguyễn Phú Trọng và hình ảnh ‘người cộng sản cuối cùng’” – với nội dung như sau:

Đại hội lần trước, ông Trọng cũng nói là sẽ ở lại nửa nhiệm kỳ nhằm chấn chỉnh Đảng, nhưng cuối cùng Ông không những đã ở suốt nhiệm kỳ cho đến hôm nay, mà còn tiếp nhận thêm chức vụ Chủ tịch nước.

Kỳ này, tôi nhận thấy ông Nguyễn Phú Trọng lại càng nóng ruột và cương quyết tiếp tục cương vị TBT, dù việc đó có thể gây ra tai tiếng về tham vọng quyền lực bất chấp vấn đề sức khỏe.

ự nôn nóng và cương quyết ở lại của ông tuy thế phát xuất từ một nhận định và đánh giá tình trạng rất bấp bênh và nguy khốn mà con tàu Đảng Cộng sản đang trải qua.

Ý chí quyền lực nầy của ông thể hiện một niềm tin thật tâm vào chính nghĩa và sứ mệnh liên tục cho Đảng.

Ông nhìn chính mình như là người cứu thế cho Giáo hội Đảng khi cả gia sản lịch sử của Đảng và cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bị không ít đảng viên bỏ rơi và về mặt lịch sử thì đã trên đường tan hủy.

Khi nhìn vào tập thể nhân sự Đảng trong Bộ Chính Trị hiện nay, GS Trọng không thấy ai có vóc dáng và tư tưởng lãnh đạo – nhất là niềm tin vững chắc vào Đảng và chủ nghĩa Mác-Lê. Mấy năm trước, khi ông Trọng dự định “trao ấn tín” cho ông Đinh Thế Huynh, nhưng Ông đã thất vọng – vì ông Huynh không phải là mẫu người Cộng sản mà ông muốn có.

Ông Trọng sau đó đã nhìn đến ông Trần Quốc Vượng và mang nhiều kỳ vọng.

Nhưng rồi, với ông Vượng, Ông có thể lại cũng thấy có điều gì không ổn.

Nhìn lại dàn lãnh đạo hiện nay, từ ông Nguyễn Xuân Phúc đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân, hẳn ông Trọng cũng thất vọng. Vấn đề không phải là họ như thế nào, mà ở cái nhìn của Tổng Bí Thư.

Chắc ông Trọng đang tự hỏi, người Cộng sản chân chính, với tài năng, nhân cách và vóc dáng xứng đáng lãnh đạo Đảng, nay đang ở đâu?

Ông Trọng sẽ tiếp tục còn thất vọng và trăn trở bức xúc về ván bài nhân sự cho Đại Hội XIII nầy.

Vì sao? Vì thực tế thời đại, con người và phong hóa chính trị hiện nay, người Cộng sản chân chính đã ra đi hết rồi.

Ảnh 1: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước hôm 23-10-2018

Rất có thể ông Trọng là người Cộng sản Việt Nam cuối cùng trong niềm tin thành thật, với những ảo tưởng xã hội chủ nghĩa Mác-Lê cứng nhắc, niềm tin đó đã từng đạt đỉnh cao dưới thời lãnh đạo của ông Lê Duẩn khi chiến tranh vừa chấm dứt và bộc lộ bất cập, buộc phải đổi thay và cũng đã bắt đầu tàn lụi.

Ông Trọng là người lãnh đạo trung kiên duy nhất còn lại vốn tin tưởng cao độ vào giáo điều chủ nghĩa Mác-Lê cũng như vai trò của Đảng cho tương lai Việt Nam.

Tôi thực sự tin ông đã thành thật nghĩ rằng Đảng sẽ tồn tại mãi mãi, như ông có lần nói, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2015), khi trả lời phỏng vấn của TTXVN, chia sẻ về những thành quả đã đạt được, cũng như những việc còn băn khoăn, trăn trở, cần phải làm tốt hơn để đất nước phát triển nhanh, bền vững – theo lời ông – để “Đảng ta mãi trường tồn cùng dân tộc.”

Xin phép thử phân tích tư duy của vị lãnh đạo cao niên. Bên trong người ông Trọng mang hai lớp tâm thức. Một lớp là niềm tin vào ý thức hệ Mác-Lê như là một vị giáo hoàng La Mã tin vào tín lý Giáo hội Đảng.

Họ tin rằng chỉ có họ mới giữ được cơ đồ. Ngày hôm nay, ông Trọng nhìn vào cơ đồ của Đảng chắc ông đang phải than, “Sau Ta sẽ là Hồng thủy.”

Mà Hồng thủy chính trị cho Đảng sẽ chắc chắn đến. Đây không còn là một tiên đoán – mà là một dự báo.

Ông Trọng đang biết điều này. Tinh thần Cách mạng trên làn sóng yêu nước nguyên sơ và trong sáng từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn nay không còn.

Chí khí Đảng viên, và với họ, cái văn hóa kỷ luật, hy sinh bản thân, niềm tin sùng tín vào lý tưởng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc nay đang không còn, hoặc đã khác.

Cho dù ông Trọng có bắt đảng viên phải tôn vinh hương linh ông Hồ Chí Minh bao nhiêu, ông cũng không có khả năng khai sáng lửa thiêng của nền chính trị hoàn toàn mới.

Nhất là khi ai cũng thấy ý thức quốc dân Việt đang dần sáng tỏ ra như ánh Mặt Trời.

Sẽ không còn ai là đảng viên Cộng sản chân chính kiểu xưa nữa – vì con người là sản phẩm của thời đại, đây là điều mà ông Trọng nên nhận thức ra.

Ảnh 2: các lãnh đạo đảng và nhà nước tham gia Hội nghị TƯ 14 mới đây

Người mà ông đang đi tìm hôm nay là chính ông. Chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng đang đi tìm một Nguyễn Phú Trọng và càng loay hoay tìm người kế vị, ông chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình.

Khi mặt trời ý thức thời đại càng lên cao, càng tỏa sáng, thì chiếc bóng GS Trọng sẽ càng ngắn lại và đậm nét hơn.

Chiếc bóng từ con người ông – người Cộng sản Việt Nam cuối cùng – đang che khuất hết tầng lớp lãnh đạo hiện nay.

Từ nhân cách thành tâm với chủ nghĩa, cho đến đầu tóc trắng bạc phau, cái vóc dáng nhân hậu nhưng cương quyết với cặp kính trắng trên khuôn mặt thông thái của một vị giáo sư triết học, giọng Bắc Hà Nội chuẩn, ông Trọng xứng đáng là một vị lãnh đạo “vạn tuế” cho Đảng.

Chúng ta hãy cầu mong ông Trọng nhận ra Nguy cơ này để chính ông sẽ can đảm và sáng suốt đi tìm một con lộ khác – hợp thời, hợp nhân tâm và mong mỏi của nhân dân – cho cơ đồ tổ quốc Việt Nam.

Được như thế thì thì cảnh báo Hồng thuỷ sẽ không tới. Nhưng nếu ông vẫn khư khư, còn cứ nghĩ rằng chỉ có ông là duy nhất mới cứu được quốc gia thì hãy nhớ đến điều mà nhân gian hay nói, “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.”

Tôi nghĩ cái “ước mơ trường tồn cùng dân tộc” cho Đảng không phải là điều mà nhân dân ta mong mỏi.

Xin ông Trọng hãy đừng suy nghĩ “Chính ta là quốc gia” – mà trái lại, không ai là là Quốc gia cả. Quốc gia và vận nước sẽ đi theo lòng dân với những quy luật khắt khe của chúng.

Ảnh 3: ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhân lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng CSVN hồi đầu năm 2020

Đại hội 13 sắp tới sẽ là một cơ hội lớn cho Đảng và cá nhân ông Trọng dám tiến hành một cách mạng thể chế, đem vận hội nước nhà vào bước ngoặc mới nhằm sang trang lịch sử cho dân tộc Việt Nam.

Được như thế, nó sẽ là gia sản lớn cho lý tưởng và cuộc đời ông Trọng và của Đảng Cộng sản Việt Nam oai hùng.

Nhận định quanh phương án ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ khai mạc cuối tuần này, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Victoria ở Wellington, New Zealand, đưa ra bình luận rằng:

Nếu ông Trọng tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư, thì đó là một điều bất thường, bởi từ sau khi kết thúc chiến tranh, điều lệ Đảng quy định cá nhân không được giữ chức vụ này quá 2 lần.

Lần gần nhất Đại hội có hiện tượng “bất thường” như thế là vào Đại hội 7 (1996), khi BCHTW không thể thống nhất vị trí lãnh đạo, và phải hơn 1 năm sau mới bầu ông Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng bí thư ở một kỳ hội nghị trung ương. Nếu ông Trọng tiếp tục nắm quyền, điều đó có nghĩa Bộ Chính trị nói riêng và BCHTW nói chung chưa thống nhất – hay chưa tin tưởng – đội ngũ lãnh đạo kế cận để chuyển giao như đã xảy ra ở ĐH7.

Ông Trọng, với uy tín chính trị của mình, dễ dàng ổn định tình hình để tìm kiếm người thay thế phù hợp, vừa tránh xáo trộn trong bộ máy, lại vừa đảm bảo di sản của mình không bị gạt sang một bên.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của phương án này là tính ổn định của thể chế – dù có thể ông Trọng có tâm ý tốt, không ai có thể đảm bảo các lãnh đạo về sau không cố gắng dẹp bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Đảng, sửa điều lệ, hay vin vào “trường hợp đặc biệt” để tham quyền cố vị.

Đây là vấn đề “hoàng đế tồi” mà bất kỳ thể chế chuyên quyền nào cũng gặp phải. Phá bỏ thể chế thì dễ, nhưng xây lại thì rất khó.

Ảnh 4: cuộc trưng cầu dân ý sửa Hiến pháp mới đây ở Nga đã tạo điều kiện cho Tổng thống Nga Pu tin có thể nắm quyền suốt đời

Nếu xét về số lượng đảng viên bị kỷ luật – từ cấp cơ sở cho đến ủy viên Bộ Chính trị – có thể thấy Đảng dưới nhiệm kỳ 2 của ông Trọng thực sự tạo được ấn tượng trong công tác làm sạch nội bộ.

Tất nhiên, việc chống tham nhũng có đi liền với thanh trừng các đối thủ chính trị hay không là vấn đề để ngỏ mà chúng ta chưa biết được câu trả lời xác đáng.

Mặt khác, những nỗ lực “đốt lò” của ông Trọng xuất phát từ trên xuống, bằng cách tập trung nhiều hơn quyền lực cho các cơ quan thanh tra, giám sát như Ủy ban Kiểm tra TW hay Thanh tra Chính phủ. Hệ lụy của việc tập trung quyền lực này sẽ rất lớn, nếu không có ai “giám sát người giám sát“.

Tình thế lưỡng nan này có thể giải quyết bằng việc tạo điều kiện cho quá trình giám sát từ dưới lên – sự tham gia của người dân và các tổ chức dân sự. Nhưng trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, chưa có nhiều biến chuyển cho thay đổi này: Luật về Hội sau hơn 20 năm thảo luận vẫn chưa được đưa ra Quốc hội, trong khi môi trường báo chí – truyền thông đang có xu hướng bị siết chặt.

Xét trên lý thuyết, toàn bộ các ủy viên Bộ chính trị hiện tại, không chịu hình thức kỷ luật nào, đều được coi là ứng viên cho vị trí Tổng bí thư. Tuy nhiên, khi xét kỹ từng ứng viên, hầu như ai cũng có những điểm “chưa hoàn hảo” về hồ sơ như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra trước đây.

Nếu ông Trọng muốn tiếp tục ở lại, thì đây rõ ràng là điểm mà ông ấy tận dụng để thuyết phục Bộ Chính trị và BCHTW.

Tuy nhiên, cần hiểu là dù đang là lãnh đạo có quyền lực nhất của Việt Nam kể từ sau Lê Duẩn, ông Trọng vẫn phải thuyết phục BCHTW và sau đó là Đại hội Đảng chấp nhận phương án của mình.

Đây không phải là điều dễ dàng. Khi Bộ Chính trị dưới sự điều hành của ông Trọng muốn kỷ luật “đồng chí X” vào năm 2012, BCHTW đã phủ quyết.

Đó là rủi ro không cho nhỏ phương án ông Trọng tiếp tục giữ chức TBT nhiệm kỳ thứ 3.

Ảnh 5: ông Tất Thành Cang vừa mới bị bắt trong khi ông Đinh La Thăng đã bị ba bản án tù chồng lên nhau vì tham nhũng

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam ‘không có án oan sai’ như lời ông Nguyễn Hoà Bình?

>>> Nhật Cường buôn lậu đến 3.000 tỷ, Nguyễn Đức Chung ăn bao nhiêu?

>>> Việt Nam: Xây tượng đài cũng “đội vốn”

Nguyễn Phú Trọng tái cử, nhân quyền Việt Nam lâm nguy


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023