Mỹ: Chặn Trung Quốc – Cấm mua hàng Huawei

https://youtu.be/SWoALxhaMQ0
Link Video: https://youtu.be/SWoALxhaMQ0

Chính quyền Mỹ tiếp tục có thêm các biện pháp đẩy Hoa Vi (Huawei) và các tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Lệnh cấm các cơ quan liên bang Hoa Kỳ mua các trang thiết bị từ các công ty sử dụng các thiết bị viễn thông của Hoa Vi và 4 tập đoàn viễn thông lớn khác của Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ hôm 13/08/2020.

Báo Nhật Mainichi cho hay, theo quyết định này, các cơ quan thuộc chính quyền liên bang Mỹ không có quyền ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nào sử dụng một số dịch vụ viễn thông hoặc thiết bị giám sát an ninh, của 5 tập đoàn Trung Quốc, bao gồm Hoa Vi (Huawei), ZTE, Hytera (một trong các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sản xuất bộ đàm), cùng Hangzhou Hikvision và Đại Hoa (Zhejiang Dahua), hai tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ camera giám sát.

Các doanh nghiệp nào muốn tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với chính phủ Mỹ sẽ phải bảo đảm là không sử dụng các trang thiết bị bị cấm. Chính quyền Mỹ lo ngại các thiết bị của các tập đoàn Trung Quốc có thể được sử dụng vì mục tiêu gián điệp, và các hoạt động khác tổn hại tới an ninh quốc gia của Mỹ. Quy định vừa có hiệu lực nói trên nằm trong đạo luật National Defense Authorization Act (tạm dịch là Luật Ủy quyền Quốc phòng), được ban hành năm 2018. Theo đạo luật này, chính quyền Mỹ đã cấm việc mua trang thiết bị của Hoa Vi và bốn tập đoàn Trung Quốc nói trên kể từ tháng 8 năm ngoái.

Truyền thông Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến quy định cấm vừa có hiệu lực, bởi chính phủ Mỹ là khách hàng của hơn 800 doanh nghiệp Nhật. Các doanh nghiệp Nhật sẽ phải có các điều chỉnh, tránh sử dụng các thiết bị của Trung Quốc, nếu vẫn muốn làm ăn với Mỹ. Tổng số hàng các doanh nghiệp Nhật bán cho chính phủ Mỹ trị giá 1,5 tỉ euro, đa số liên quan đến các hợp đồng với bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

Hai tập đoàn Hoa Vi và Hikvision nằm trong số các công ty Trung Quốc bị Washington liệt vào danh sách đen, hồi tháng trước, do tiếp tay cho Bắc Kinh trấn áp người Duy Ngô Nhĩ tại vùng Tân Cương. Theo giới quan sát, các tập đoàn Hoa Vi, Đại Hoa và Hikvision đóng vai trò lớn trong việc thiết lập một hệ thống giám sát quy mô trên toàn Trung Quốc. Theo một dự báo của công ty tư vấn kinh tế Mỹ IHS Markit, năm 2021, trên toàn thế giới sẽ có hơn một tỉ camera giám sát hoạt động, một nửa trong số đó là ở Trung Quốc.

Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói về Huawei trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao, Washington, Hoa Kỳ, ngày 15/07/2020.

Mỹ liệt kê Viện Khổng tử là phái bộ nước ngoài của Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 13/8 liệt kê Viện Khổng tử Trung tâm Mỹ là một phái bộ ở nước ngoài của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và nhìn nhận Viện này theo đúng bản chất là một cơ sở thăng tiến chiến dịch gây ảnh hưởng tai hại và tuyên truyền toàn cầu của Bắc Kinh trong các trường học ở Mỹ từ mẫu giáo đến đại học, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo loan báo.

Thông cáo báo chí của Ngoại trưởng Pompeo đăng trên website Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng ngày nêu rõ chính quyền Trump muốn có sự đối xử công bằng và đối ứng từ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và đặt việc này lên hàng ưu tiên. Tuy nhiên, thông cáo nói, trong hơn 40 năm qua, Bắc Kinh được tiếp cận xã hội Mỹ một cách tự do và rộng mở trong khi từ chối cho phép người Mỹ và người nước ngoài tại Trung Quốc có sự tiếp cận đối ứng tương tự.

Thêm vào đó, vẫn theo thông cáo, Trung Quốc còn lợi dụng sự cởi mở của Mỹ để tiến hành các nỗ lực tuyên truyền quy mô và đầu tư kỹ lưỡng cùng các chiến dịch gây ảnh hưởng tại Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh các Viện Khổng tử được tài trợ bởi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và là một phần của bộ máy tuyên truyền và gây ảnh hưởng toàn cầu của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Thông cáo nói mục tiêu của các hành động này đơn giản là để đảm bảo rằng các trường Mỹ có thể đưa ra những sự lựa chọn về việc có nên cho phép tiếp tục các chương trình do Đảng cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn hay không, và nếu có thì theo kiểu nào.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết các đại học trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới đang xem xét giáo trình của các Viện Khổng tử và mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các hệ thống giáo dục của họ.

Mỹ muốn bảo đảm là học sinh trong các trường Mỹ được tiếp cận ngôn ngữ-văn hoá Trung Hoa bên ngoài sự thao túng của Đảng cộng sản Trung Quốc, thông cáo của Ngoại trưởng Pompeo kết luận.

Công ty mẹ của TikTok “lộ mặt” với lá cờ cộng sản

ByteDance – công ty mẹ của TikTok luôn phủ nhận việc liên quan đến chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thế nhưng một tấm hình vừa được “khai quật” lại đã cho thấy các nhân viên ByteDance và đảng viên cộng sản Trung Quốc đang cầm lá cờ búa liềm tại trụ sở công ty ở Bắc Kinh.

Khi những đồn đoán tiếp tục gia tăng về số phận của TikTok, một bức ảnh xuất hiện cho thấy các giám đốc điều hành hàng đầu của công ty đang chụp ảnh chung với các đảng viên và một lá cờ cộng sản bên trong trụ sở của ByteDance ở Bắc Kinh.

Hôm thứ Tư (12/8), nhà hoạt động nhân quyền Jennifer Zeng đã đăng lên Twitter một bức ảnh về một sự kiện của ĐCSTQ được tổ chức bên trong trụ sở công ty của ByteDance ở quận Hải Điến ở Bắc Kinh, theo đó các nhân viên và đảng viên ĐCSTQ cầm lá cờ cộng sản. Bức ảnh được lấy từ một báo cáo về sự kiện của ĐCSTQ được tổ chức tại trụ sở công ty vào tháng 7 năm ngoái.

Feng Kaixu (Phong Khai Hổ), phó Bí thư thành ủy kiêm phó Tổng biên tập của ByteDance, cũng giới thiệu về công việc kinh doanh và “công tác xây dựng đảng” của công ty.

Shi Yue (Thạch Nhạc), bí thư chi bộ Đảng của Liên đoàn Hoa kiều quận Hải Điến, đã giới thiệu về liên đoàn và các công việc quảng bá của tổ chức này.

Còn ông Zuo Zhiqiang (Tả Chí Cường), bí thư chi bộ ĐCSTQ thuộc Sở Thông tin Truyền thông, nói về mục đích nghiên cứu của Sở.

Ông Zuo sau đó nhấn mạnh việc học tập và thực hiện kỷ nguyên mới chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhà hoạt động Jennifer Zheng nói với Taiwan News rằng đây đơn thuần là cuộc nói chuyện trong đảng để “bảo tồn quyền lực của ĐCSTQ và quảng bá mô hình của ĐCSTQ ra thế giới.”

Cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đều cáo buộc các công ty Trung Quốc như TikTok chuyển dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, nhưng TikTok đã phủ nhận điều này.

Vào tháng 10 năm 2019, để đáp lại lời kêu gọi điều tra từ các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, TikTok đã đưa ra một tuyên bố trong đó viết: “Chúng tôi chưa bao giờ bị chính phủ Trung Quốc yêu cầu xóa bất kỳ nội dung nào và chúng tôi sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu.”

Nhưng trên thực tế, TikTok hay Douyin, giống như công ty mẹ của nó là ByteDance bị trói buộc bởi Luật An ninh Quốc gia do ĐCSTQ ban hành vào năm 2015, cũng như Luật Tình báo Quốc gia và Luật An ninh mạng được thực thi vào năm 2017. Theo đó, các công ty phải phối hợp với các yêu cầu của ĐCSTQ khi cần và phát tán thông tin trên internet có lợi cho ĐCSTQ.

Theo báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), ByteDance đã có một ủy ban đảng từ năm 2017 và do thư ký ĐCSTQ kiêm Tổng biên tập công ty Zhang Fuping (Trương Phụ Bình) đứng đầu. Các thành viên của ủy ban tổ chức các cuộc họp thường xuyên, tại đó họ nghiên cứu các bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và “cam kết tiếp bước đảng trong đổi mới công nghệ.”

Ngoài ra, ngày 25/4/2019, ByteDance đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Cục Báo chí và Công chúng thuộc Bộ Công an tại Bắc Kinh. Thỏa thuận được quảng bá là “nhằm phát huy hết công nghệ chuyên nghiệp và lợi thế nền tảng của Toutiao và Tiktok trong phân tích dữ liệu lớn”, tăng cường kiến tạo và sản xuất “các tác phẩm truyền thông mới về an ninh công cộng,” tăng cường “ảnh hưởng mạng và sức mạnh trò chuyện trực tuyến,” và tăng cường “tuyên truyền, chỉ dẫn, ảnh hưởng và uy tín của công an,” v.v.

Đài Loan tăng chi quốc phòng, mua hỏa tiễn Mỹ chống Trung Quốc đổ bộ

Chi tiêu quốc phòng của Đài Loan sẽ tăng 10,2% vào năm tới, theo tính toán của Reuters, do lo ngại trước áp lực của Bắc Kinh. Đại diện Đài Loan hôm qua 12/08/2020 cho biết đang đàm phán với Hoa Kỳ để mua mìn chống tàu ngầm và hỏa tiễn hành trình nhằm đối phó nếu quân Trung Quốc đổ bộ chiếm đảo.

Theo Reuters, văn phòng tổng thống Thái Anh Văn đề nghị dành ngân sách quốc phòng 15,42 tỉ đô la từ tháng Giêng năm tới. Từ khi tái đắc cử, nữ tổng thống luôn coi việc tăng cường quân đội và tăng chi tiêu quân sự là ưu tiên hàng đầu.

Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi Khim) thuộc đảng Dân Tiến, được coi như đại sứ không chính thức của Đài Loan tại Hoa Kỳ, khi nói chuyện với Viện Hudson (nghiên cứu, tư vấn) ở Washington hôm qua nhận định, Đài Loan đang đối mặt với vấn đề sống còn, trước sự đe dọa ngày càng cao của quân đội Trung Quốc.

Bà cho biết Đài Bắc đang đàm phán với Washington để mua mìn chống tàu ngầm nhằm đối phó với quân Trung Quốc đổ bộ, và hỏa tiễn hành trình để phối hợp với loại hỏa tiễn siêu thanh chống hạm Hùng Phong (Hsiung Feng) do Đài Loan sản xuất, bảo vệ vùng duyên hải.

Theo bà Tiêu Mỹ Cầm, tuy lực lượng đôi bên cách biệt một trời một vực, nhưng Trung Quốc nếu xâm lăng Đài Loan sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Báo chí Trung Quốc tố cáo phi cơ do thám Mỹ gây nguy hiểm cho hàng không

Ảnh: máy bay do thám E-8C của Mỹ đã xuất hiện gần bờ biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 17/7, theo thông tin trên Twitter từ Sáng kiến ​​điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), một nhóm nghiên cứu ở Đại học Bắc Kinh

Hoàn Cầu Thời Báo cũng dẫn lời một số chuyên gia, nhấn mạnh là nếu hiện tượng này là có thật, thì đây sẽ là một động thái « rất nguy hiểm », khiến các chuyến bay dân sự gặp nguy hiểm, nếu bùng nổ đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ.

Báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn một nguồn tin gần gũi với Quân Đội Trung Quốc, cho biết máy bay trinh sát E-8C của Mỹ đã được cơ quan kiểm soát không lưu nhận dạng như một máy bay thương mại, bay ở độ cao hơn 9.000 mét, tại khu vực Biển Đông. Tiếp theo đó, chiếc phi cơ này, được xác nhận là máy bay quân sự, khi bay gần thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.

Theo chuyên gia Trung Quốc Wang Yanan, tổng biên tập một tạp chí về hàng không, tạp chí Aerospace Knowledge, nếu một máy bay quân sự giả dạng dân sự để đánh lừa hệ thống giám sát bị phát hiện, thì lực lượng phòng không của nước sở tại có thể sẽ buộc phải nổ súng. Hoàn Cầu Thời Báo cảnh báo là việc máy bay trinh sát Mỹ giả dạng phi cơ dân sự tại khu vực Biển Đông, nơi hoạt động của rất nhiều tuyến bay thương mại gây khó khăn cho hệ thống phòng thủ của Trung Quốc, có thể dẫn đến các phán đoán sai lầm, gây nguy hiểm cho các máy bay dân sự.

Cảnh báo nói trên của tờ báo theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn của Trung Quốc được đưa đúng vào lúc Bắc Kinh tiến hành hàng loạt cuộc tập trận từ eo biển Đài Loan đến khu vực Biển Đông. Theo ghi nhận của kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 11/08/2020, Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa tập trận bắn đạn thật ngay gần đảo Guam của Mỹ ở miền Tây Thái Bình Dương, sát Philippines.

Hôm 11/08, cũng báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết chính quyền Trung Quốc bằng nhiều kênh khác nhau bắn tiếng với Washington là đã ra lệnh cho các lực lượng Không Quân và Hải Quân « không bao giờ được là bên khai hỏa đầu tiên », trong một vụ đụng độ.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Trung Quốc cùng lúc “gây chiến” với Châu Âu, Mỹ, Đài Loan – Tập hụt hơi

>>> “Tình bạn” giữa Trump và Tập tan vỡ sau đại dịch Covid-19

>>> Đánh “gãy lưng” Tập – Trump ra lệnh cấm Tencent

https://www.youtube.com/watch?v=o8rDe_IJ0es
TQ cùng lúc “chiến” với Âu, Mỹ, Đài Loan – Tập hụt hơi

 

Kasse animation 7.8.2023