Trung Quốc “nổi đóa” khi quan hệ Mỹ – Đài thêm khăng khít

https://youtu.be/B_jtrHoic58
Link Video: https://youtu.be/B_jtrHoic58

Trung Quốc hôm 06/08 đe dọa sẽ có biện pháp đối phó với chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar vào ngày 09/08. Quan hệ Mỹ – Đài ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của Trung Quốc khi mới đây Đài Loan đang đàm phán mua máy bay không người lái tối tân của Mỹ.

Chuyến thăm do Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ dẫn đầu là phái cao cấp nhất của Mỹ thăm Đài Loan kể từ năm 1979, thời điểm Washington cắt đứt bang giao với Đài Bắc và chỉ công nhận chính phủ ở Bắc Kinh là đại diện duy nhất của Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo thường nhật, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói bất kỳ nỗ lực nào nhằm bác bỏ hoặc thách thức nguyên tắc “một Trung Quốc”, trong đó tuyên bố rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, đều sẽ kết thúc trong thất bại.

Đề cập đến chuyến thăm của Bộ trưởng Azar, ông Vương nói: “Trung Quốc sẽ có những biện pháp đối phó mạnh mẽ để đáp trả hành vi của Hoa Kỳ.”

Mặc dù không nêu chi tiết, nhưng Trung Quốc vào tháng trước cho biết sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với công ty Lockheed Martin của Mỹ vì liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Về phía mình, Đài Loan gạt đi những chỉ trích của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh không có quyền bình luận.

Trước đây, Hoa Kỳ vẫn rất thận trọng trong hồ sơ Đài Loan. Năm 1979, Washington đã cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Bắc theo ý Bắc Kinh. Nhưng kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã xích gần lại Đài Bắc hơn, trong khi quan hệ với Bắc Kinh ngày càng xấu đi. Hiện nay, chính quyền Trump tăng cường ưu tiên cho việc hỗ trợ đảo quốc dân chủ này và thúc đẩy việc bán vũ khí.

Ảnh: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân

Ngày 05/08/2020, Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), trên thực tế là cơ quan đại diện của Mỹ tại Đài Loan, xác nhận Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm đảo này.

Đây sẽ là chuyến viến thăm Đài Loan đầu tiên của một thành viên chính phủ Hoa Kỳ từ 6 năm qua, đồng thời Viện Mỹ tại Đài Loan nhấn mạnh là kể từ năm 1979, chưa bao giờ có một bộ trưởng cấp cao như thế đến thăm Đài Loan.

Ông Trump là một tổng thống Hoa Kỳ có chính sách thân thiện với Đài Loan. Sau khi đắc cử, ông Trump đã là tổng thống Mỹ đầu tiên nói chuyện trực tiếp với một tổng thống Đài Loan, khi bà Thái Anh Văn gọi điện để chúc mừng ông. Từ đó đến nay, chính quyền Donald Trump đã bán nhiều thiết bị quân sự hiện đại cho Đài Bắc.

Lần cuối cùng một thành viên chính phủ Mỹ đến Đài Loan là vào năm 2014, đó là chuyến viếng thăm của lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Trước đó, vào năm 2000, Bộ trưởng Giao Thông của Tổng thống Bill Clinton cũng đã đến thăm Đài Loan.

Trong thông cáo báo chí phát hành hôm thứ tư (05/08), Viện Mỹ tại Đài Loan tuyên bố rằng mục đích chuyến thăm của ông Azar vào thời điểm này là để “củng cố quan hệ đối tác Mỹ – Đài Loan và thúc đẩy hợp tác Mỹ – Đài Loan trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 toàn cầu”. Tuyên bố của AIT sau đó cũng đánh giá cao “thành công đáng ghi nhận” của Đài Loan trong công tác ứng phó với virus corona Vũ Hán, thể hiện vai trò quan trọng của Đài Loan là “xã hội tự do và dân chủ rõ ràng” trong cộng đồng quốc tế.

Đài Loan đã nhận được sự khen ngợi của cộng đồng quốc tế về các cách thức họ kiểm soát đại dịch virus corona Vũ Hán, trong đó có kiểm soát phong tỏa biên giới chặt chẽ và thực hiện đeo khẩu trang trên diện rộng.

Trước chuyến thăm mang tính lịch sử này, Bộ trưởng Azar phát đi tuyên bố cho hay: “Đài Loan đã đang là hình mẫu của sự minh bạch và hợp tác về y tế toàn cầu trong đại dịch COVID-19 và từ lâu trước đó”. Ông cũng nói thêm rằng ông mong chờ được chuyển lời về “sự ủng hộ của ông Trump đối với vai trò lãnh đạo y tế toàn cầu của Đài Loan và nhấn mạnh đến niềm tin chung của chúng ta rằng các xã hội tự do và dân chủ là hình mẫu tốt đẹp nhất cho việc bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe. Chuyến thăm này là cơ hội để củng cố sự hợp tác về kinh tế và y tế cộng đồng của chúng tôi với Đài Loan, đặc biệt khi Mỹ và các quốc gia khác đang làm việc để củng cố và đa dạng hóa các nguồn lực của chúng ta đối với các sản phẩm y tế trọng yếu”.

Ảnh: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tiếp ông William Brent Christensen, Giám đốc Viện Mỹ, trụ sở ở Đài Bắc ngày 12/01/2020

Phía Đài Bắc cũng đã xác nhận thông tin nói trên và cho biết trong chuyến đi này, Bộ trưởng Alex Azar sẽ gặp tổng Thống Thái Anh Văn ( Tsai Ing Wen ), nhân vật mà Bắc Kinh cáo buộc là đang muốn chính thức tuyên bố Đài Loan độc lập.

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã phát đi tuyên bố trong đó nói rằng ngoài Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ông Azar và phái đoàn Mỹ sẽ gặp Ngoại trưởng Joseph Wu và Bộ trưởng Y tế Chen Shih-chung. Ông Azar cũng sẽ thăm Trung tâm Chỉ huy Bệnh dịch Đài Loan (CECC) và nói chuyện với các chuyên gia y tế và sức khỏe để “củng cố quan hệ hợp tác giữa Đài Loan và Mỹ trong công tác phòng dịch và chăm sóc sức khỏe”.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết ông Azar là “người bạn tri kỷ và dài hạn của Đài Loan”. Bộ này chỉ ra rằng sau khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Y tế và Dân sinh Mỹ, ông Azar đã ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan tham gia vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các hoạt động liên quan, cũng như tiếp tục làm việc để hậu thuẫn cho Đài Loan tham gia vào Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) – cơ quan điều hành của WHO và các lĩnh vực quốc tế liên quan bằng “những hành động cụ thể”.

Bộ Ngoại giao Đài Loan sau đó nói thêm rằng ông Azar đã công khai xác nhận tầm quan trọng của “hình mẫu Đài Loan” trong cuộc chiến toàn cầu chống lại virus corona. Bộ này bày tỏ “lời cảm ơn chân thành” đối với sự ủng hộ của ông Azar dành cho Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định: “Điều này minh chứng rằng những nỗ lực chung của Đài Loan và Mỹ trong những năm gần đây, nền tảng tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên là vững chắc và thông tin qua lại là thông suốt. Nó cũng cho thấy sự ủng hộ kiên định của Mỹ đối với Đài Loan và mối quan hệ gần gũi, hữu nghị giữa Đài Loan và Mỹ.”

Ảnh: Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar

Trong một diễn biến liên quan, Hoa Kỳ đang đàm phán bán ít nhất bốn máy bay không người tối tân cỡ lớn cho Đài Loan lần đầu tiên.

Các máy bay không người lái giám sát SeaGuardian có tầm hoạt động 6.000 hải lý (11.100 km), lớn hơn nhiều so với phạm vi 160 dặm của hạm đội không người lái hiện nay của Đài Loan.

Hãng tin Reuters cho biết mặc dù việc bán các máy bay không người lái đã được Bộ Ngoại giao ngầm ủy quyền, nhưng không rõ liệu các giới chức Hoa Kỳ có chấp thuận xuất khẩu máy bay không người lái có gắn vũ khí hay không.

Thỏa thuận phải được các thành viên Quốc hội thông qua. Dự kiến, các nghị sĩ sẽ nhận được thông báo chính thức ngay vào tháng tới. Và Quốc hội cũng có thể lựa chọn ngăn chặn thỏa thuận cuối cùng.

Đây sẽ là đợt bán máy bay không người lái đầu tiên sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiến hành kế hoạch bán nhiều máy bay không người lái hơn cho nhiều quốc gia hơn bằng cách diễn giải lại thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc tế được gọi là Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR).

Các nguồn tin cho biết Đài Loan đã gửi yêu cầu mua máy bay không người lái vào đầu năm nay.

Tuần trước, Hoa Kỳ gửi cho Đài Loan dữ liệu về giá cả và mức độ sẵn sàng cho thỏa thuận, một bước quan trọng thể hiện sự chấp thuận chính thức trong việc thúc đẩy thương vụ. Tuy nhiên, nó không có tính ràng buộc và có thể đảo ngược.

Một thỏa thuận cho 4 máy bay không người lái, trạm mặt đất, phụ tùng, công tác đào tạo và hỗ trợ có giá khoảng 600 triệu đô la, dựa trên số liệu bán trước đó, và cũng có thể có thêm các lựa chọn đơn vị bổ sung trong tương lai.

Đài Loan đang tăng cường phòng thủ trước những động thái ngày càng có tính đe dọa của Bắc Kinh, chẳng hạn như các cuộc tập trận không quân và hải quân thường xuyên của Trung Quốc xung quanh Đài Loan gần đây.

Quân đội Đài Loan được đào tạo bài bản và được trang bị tốt với các thiết bị do Mỹ sản xuất, nhưng Trung Quốc lại có ưu thế về số lượng lớn và đang bổ sung các thiết bị tiên tiến của riêng mình.

Đây là một động thái mới khẳng định sự ủng hộ Đài Loan của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Lầu Năm Góc từng tuyên bố việc bán vũ khí cho Đài Loan vẫn tiếp tục và chính quyền Trump cũng vẫn cho tàu chiến Hải quân đi qua eo biển Đài Loan với tần suất ổn định.

Đài Loan dưới sự lãnh đạo của bà Thái Anh Văn luôn theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc.

Mới đây, hôm 06/08/2020, Đài Loan đã điều 200 thủy quân lục chiến để tăng cường lực lượng tuần duyên trên đảo Đông Sa (Pratas), nhằm đối phó với một cuộc tập trận đổ bộ của Trung Quốc.

Quần đảo Đông Sa gồm một hòn đảo, hai rạn san hô và hai bãi cạn, nằm cách thành phố cảng Cao Hùng của Đài Loan 445 km, và cách lục địa Trung Quốc khoảng 300 km. Khu vực này có hệ sinh thái biển phong phú, được coi là công viên quốc gia nhưng không có thường dân, chỉ có lực lượng tuần duyên tương đương với số thủy quân lục chiến vừa được điều động.

Một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết đơn vị thủy quân lục chiến này đã có mặt tại địa bàn từ hơn một tuần trước để yểm trợ cho lực lượng tuần duyên hiện diện trên đảo và sẽ chỉ ở lại một thời gian ngắn.

Hồi tháng 05, hãng tin Nhật Kyodo loan báo quân đội Trung Quốc dự kiến tiến hành một cuộc tập trận rất lớn trong tháng này tại đảo Hải Nam, trong đó có cả tập dượt chiếm các đảo đang do Đài Loan kiểm soát.

Cuộc tập trận đổ bộ lên bãi biển do Chiến khu Nam Bộ phụ trách sẽ quy mô chưa từng thấy, với nhiều lính thủy, tàu đổ bộ, thủy phi cơ và trực thăng tham gia.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc trong tầm ngắm của tên lửa Mỹ

>>> Trung Quốc “Ra đòn kịch độc” – Việt Nam và thế giới điêu đứng

>>> Dân chủ Hồng Kông: Mỹ bảo vệ – Trung Quốc lùng bắt

https://www.youtube.com/watch?v=0-u035oA8qQ
TQ hung hăng – VN và thế giới gặp họa

 

Kasse animation 7.8.2023