Thực thi EVFTA – Châu Âu yêu cầu VN tôn trọng nhân quyền

https://youtu.be/mRt23EY8R_s
Link Video: https://youtu.be/mRt23EY8R_s

Vài ngày trước khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020, lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đề cập đến vấn đề nhân quyền và quyền của người lao động ở Việt Nam. Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/7.

Bà viết trên Twitter: “Vừa có buổi điện đàm rất tốt với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Thỏa thuận thương mại của chúng ta sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8. Đó là tin tuyệt vời cho nền kinh tế của chúng ta – cần mọi cơ hội để khôi phục sức mạnh của nó. Đây cũng là cơ hội để người dân Việt Nam chứng kiến sự thay đổi tích cực và được hưởng các quyền con người mạnh mẽ hơn”.

Trong một thông cáo báo chí của Uỷ ban châu Âu (EC) hôm 31/7, bà Leyen nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng thỏa thuận này cũng sẽ trở thành cơ hội để người dân Việt Nam được hưởng một nền kinh tế thịnh vượng hơn và chứng kiến một sự thay đổi tích cực và nhân quyền mạnh mẽ hơn đối với công nhân và công dân ở nước họ.”

Ủy viên Thương mại của EU, ông Phil Hogan tuyên bố Việt Nam hiện nằm trong nhóm gồm 77 quốc gia có quan hệ thương mại với EU theo các điều kiện ưu đãi song phương.

Ông nhận định rằng Hiệp định này cho thấy các chính sách thương mại cũng tạo ra một động lực để phát triển về mặt xã hội. Ông nói: “Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện quyền của người lao động thông qua các cuộc đàm phán thương mại, và tôi bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục những cải cách cần thiết”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, một nhà hoạt động nhân quyền cho Việt Nam ở Đan Mạch, nói với VOA rằng việc yêu cầu giám sát vi phạm nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong việc thực thi EVFTA.

Trong Hiệp định EVFTA, EU nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, phát triển bền vững, và xem trọng quyền của công nhân và quyền lập hội”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, một nhà hoạt động cho nhân quyền Việt Nam ở Brussel, Bỉ, viết trên Twitter hôm 3/8: “Phát triển bền vững, tự do biểu đạt, và thượng tôn pháp luật. Nếu không có những điều này, Hiệp định EVFTA chỉ làm giàu cho các công ty đa quốc gia và nhóm thân hữu đạo đức giả của họ ở Uỷ ban Thương mại châu Âu (EU Trade), đảng Nhân dân châu Âu (EPP), và nhóm liên minh Tiến bộ Xã hội – Dân chủ”.

Ảnh: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Chủ tịch EC Ursula Von Der Leyen ngày 29-07-2020.

Tòa tuyên hơn 40 năm tù giam đối với 8 thành viên nhóm Hiến Pháp.

Tòa án nhân dân TPHCM vào tối ngày 31 tháng 7 năm 2020 đã tuyên phạt 8 người trong nhóm Hiến Pháp tổng cộng 40 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc tội danh “phá rối an ninh” theo khoản 1, Điều 118 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể mức án đối với từng người là: bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – 8 năm tù giam và Hoàng Thị Thu Vang – 7 năm tù giam.

Các ông Đỗ Thế Hóa, Lê Quý Lộc và Ngô Văn Dũng mỗi người bị tuyên 5 năm tù giam.

Ông Trần Thanh Phương có mức án 5 năm 6 tháng tù, ông Hồ Đình Cương là 4 năm 6 tháng tù giam, riêng bà Đoàn Thị Hồng mặc dù có con nhỏ dưới 3 tuổi vẫn bị tuyên 2 năm 6 tháng tù giam.

Mỗi người đều sẽ bị quản chế tại nhà từ 2-3 năm sau khi trả xong án.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho 2 ông Trần Thanh Phương và Hồ Đình Cương, vào tối 31 tháng 7 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:

Nói chung vụ xử thì nó cũng bình thường thôi, chỉ có điều là cái quan điểm của cơ quan bảo vệ pháp luật nó khắt khe quá.

Trong hồ sơ thể hiện những người này thật ra đang chuẩn bị thực hiện quyền biểu tình của mình thôi, nhưng lại khép họ vào cái tội nặng hơn rất là nhiều là ‘phá rối an ninh’.

Rằng là cái nhóm này dự định gây khó khăn, cản trở cho các công việc thường nhật của các cơ quan nhà nước, tổ chức v.v… và có thể tiến tới mục tiêu xa hơn là chiếm giữ các cơ quan này rồi tạo những hành vi bạo động bạo loạn gây rối, gây mất an ninh.”

Ảnh: Các thành viên của nhóm Hiến Pháp tại phiên tòa ngày 31-7

Theo vị luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, ông cho rằng những người này chỉ chuẩn bị biểu tình một cách chi tiết hơn những người khác thôi và những roi điện tự chế là do người khác đem tới sát ngày biểu tình và dự định chỉ dùng để tự vệ khi bị côn đồ tấn công.

Phiên xử được tuyên bố là công khai thế nhưng những người thân của các nhà hoạt động này hoàn toàn không được tham dự.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TPHCM quy kết cho rằng, đây là nhóm những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, thường xuyên tiếp xúc với các thông tin trên có nội dung xấu trên mạng xã hội.

Những người này bị cho là đã chia sẻ các video trên Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia vào các cuộc biểu tình chống luật Đặc khu và An ninh mạng hồi tháng 6-2018.

Cả 8 người đều bị cơ quan an ninh bắt giữ trước và sau ngày 2-9-2018 khi kêu gọi thêm các cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối 2 dự luật này.

Về vụ kết án tù giam 8 người của nhóm Hiến pháp, trang Facebook của của Phái đoàn EU tại Việt Nam đưa ra thông điệp như sau:

Việc kết án 8 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền của Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 31/7 vừa qua đã làm gia tăng số lượng các nhà bảo vệ nhân quyền và blogger bị các toà án Việt Nam kết án trong năm 2020. Những cá nhân này đã đấu tranh cho việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền được đảm bảo trong Hiến pháp, cũng như trong Tuyên bố Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. Việc kết án những cá nhân này rõ ràng là sự vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký và EU mong đợi một sự tôn trọng.

Tự do biểu đạt và bày tỏ ý kiến trên mạng và trong xã hội là những trụ cột của nền dân chủ và đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo tính minh bạch, công bằng xã hội, phát triển bền vững và bao trùm cũng như sự ổn định và thịnh vượng.

EU cam kết mạnh mẽ việc bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới. Chúng tôi tiếp tục làm việc với chính quyền và các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.”

Ảnh: Gia đình và người ủng hộ Facebooker Ngô Văn Dũng yêu cầu trả tự do cho ông ở ngoài phiên tòa

Vào cuối tháng 6/2020, một nhóm trí thức Việt Nam đã lập ra Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam, với phương châm “đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động” trước cơ hội Việt Nam thực thi EVFTA.

Ngay sau đó, hôm 10/7, báo Quốc phòng Thủ đô cho rằng việc thành lập Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam “là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý.” Trang báo của Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nói: “Đó là tổ chức đối lập với hệ thống chính trị ở nước ta, cần phải cảnh giác và loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội.”

Dù vướng những khó khăn trước mắt về thủ tục pháp lý và tính chính danh của một hội đoàn chưa được nhà nước công nhận, sự ra đời của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt cho hàng triệu người lao động Việt trước cánh cửa hội nhập quốc tế.

Từ Hà Nội, ông Benn Đặng, Tổng thư bý của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU), cho VOA biết ý nghĩa và mục đích của việc ra đời tổ chức này.

Chúng tôi là một tổ chức phi chính trị, bất vụ lợi. Chúng tôi được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, muốn theo đuổi sứ mệnh bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam vừa tham gia hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).”

Sự kiện này đánh dấu một bước mở, tức là xã hội Việt Nam đang ngày càng mở hơn, dần theo kịp các giá trị phổ quát của các nước phương Tây,” ông Benn Đặng nhận định.

Trong thông cáo thành lập Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam đăng hôm 21/6, tổ chức này viết: “Thực tế cho thấy, chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

“Sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng,” thông cáo của VIU viết.

Ảnh: Thông điệp đăng trên Facebook của Phái đoàn EU tại Việt Nam về vụ kết án tù giam 8 người của nhóm Hiến pháp

Thông cáo cho biết thêm: “Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong CPTPP và EVFTA.”

VOA đã liên lạc VGCL để tìm hiểu xem phản ứng của họ như thế nào về việc VIU thành lập, nhưng chưa có phản hồi.

Trước đòi hỏi của các hiệp định tự do mậu dịch, Việt Nam đã buộc phải sửa đổi Luật Lao động. Cụ thể, ngày 20/11/2019, Quốc Hội Việt Nam thông Luật Lao động sửa đổi, trong đó cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tức là không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL), công đoàn chính thức duy nhất hiện nay. Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Ngay sau đó, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng “Quốc hội Việt Nam đã ban hành một đạo luật lịch sử, cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tại cấp cơ sở.” Chính phủ Hoa Kỳ nhận định rằng việc cho phép thành lập công đoàn độc lập là “một bước tiến quan trọng nhằm đưa khuôn khổ pháp luật tại Việt Nam tiệm cận gần hơn tiêu chuẩn lao động quốc tế.”

Tuy Luật Lao động đã cho phép nhưng Luật Công đoàn chưa được chỉnh sửa, và vì vậy cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản dưới luật nào đưa ra hướng dẫn việc thành lập một công đoàn độc lập cơ sở. VIU kỳ vọng sẽ được sớm đăng ký thành lập và được công nhận tại Việt Nam.

Ông Benn Đặng nói:

Tôi kỳ vọng VIU sẽ được đăng ký và hoạt động chính thức tại Việt Nam. Nhưng có lẽ câu chuyện này không xảy ra trong ngày một, ngày hai mà cần thời gian và sự cho phép của chính quyền Việt Nam.”

Ông Benn Đặng cũng lo ngại việc ra mắt của VIU sẽ “dễ gây ra sự hiểu lầm cho chính quyền” dù VIU luôn khẳng định là một tổ chức phi chính trị và bất vụ lợi.

Việc lo ngại của VIU là hoàn toàn có căn cứ vì các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch gần đây lên án rằng chính quyền Việt Nam thường sử dụng các điều khoản của Bộ Luật hình sự để bắt giam và trấn áp các hội đoàn độc lập chỉ vì các nhóm này lên tiếng chỉ trích chính quyền. Trường hợp các thành viên của Phong trào Lao động Việt bị bắt trước đây và Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập bị bắt cuối năm ngoái và những tháng gần đây có thể lý giải cho việc lo ngại của VIU.

Ông Claudio Francavilla, một chuyên gia có trụ sở tại Brussels thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, chỉ ra rằng Bộ luật hình sự của Việt Nam “sẽ tiếp tục hạn chế quyền tự do lập hội ngay cả khi các tổ chức công nhân độc lập được phép thành lập.”

Ảnh: trang web của nghiệp đoàn độc lập Việt Nam

Ông nói: “Các điều khoản của Bộ luật hình sự hình sự hóa các tiếng nói chỉ trích ôn hòa. “Qúy vị có thể thành lập một công đoàn để thực hiện một số hoạt động, nhưng quý vị cũng có thể vào tù vì lên tiếng chỉ trích một điều luật nào đó,” ông nói.

Trong thông cáo thành lập hôm 21/6, VIU cho biết cố vấn của tổ chức này là bà Nguyễn Nguyên Bình, trung tá quân đội, thuộc Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt nam trong cuộc chiến tranh tháng 2/1979 chống Trung Quốc xâm lược. Bà Nguyễn Nguyên Bình là con của cố lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Ngoài ra, thông cáo còn cho biết ông Bùi Thiện Tri hiện là Chủ tịch của VIU.

Với khẩu hiệu Đoàn kết – Tương trợ – Phát triển, trang thông tin của VIU – tuy mới được hình thành, nhưng đăng tải hàng loạt các tin tức cập nhật về các vấn đề lao động trong nước, tư vấn luật lao động, quan điểm – bình luận. Trang Facebook của VIU cũng được nhiều người theo dõi và bình luận.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, một y sĩ Việt Nam đang xin tị nạn ở Thái Lan, nói với VOA rằng bà ủng hộ việc thành lập VIU:

Tôi ủng hộ VIU, họ đấu tranh cho người lao động, dân oan, đấu tranh để học sinh được miễn học phí từ mẫu giáo đến lớp 12, đấu tranh để người dân được miễn phí về y tế…”

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng cũng lo ngại về việc chính quyền bắt bớ, sách nhiễu các thành viên của các hội nhóm độc lập ở trong nước.

Từ Đan Mạch, bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, một nhà hoạt động cho quyền lợi của người lao động Việt Nam, nêu ý kiến rằng bà ủng hộ việc thành lập công đoàn độc lập, nhất là khi Việt Nam thực thi Hiệp định EVFTA.

Trong Hiệp định EVFTA, EU nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, phát triển bền vững, và xem trọng quyền của công nhân và quyền lập hội.”

Từ Hải Phòng, nhà hoạt động Nguyễn Xuân Nghĩa, viết trên Facebook vào đầu tháng 7, nêu nhận định về sự đời của VIU: “Một tổ chức nghiệp đoàn đúng nghĩa của người làm công ăn lương, có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho người làm công ăn lương ra đời vào lúc này, mà nhà nước toàn trị phải thừa nhận, (dù không muốn) có hành lang pháp lý cho hoạt động là đúng thời điểm.”

Chắc chắn chính quyền độc tài toàn trị không “hài lòng” khi một tổ chức xã hội dân sự như Nghiệp đoàn Độc lập ra đời. Ngoài ra, khả năng cao là nhà cầm quyền còn có một nỗi lo sợ mơ hồ khác. Bởi vậy họ sẽ tìm cách khống chế, phá hoại để vô hiệu hóa.”

Nhà hoạt động Nguyễn Xuân Nghĩa viết tiếp: “Hy vọng các nhà khởi xướng Nghiệp đoàn Độc lập có cách vượt qua. Hy vọng với khoảng 45 triệu người làm công ăn lương trên cả nước, Nghiệp đoàn Độc lập có môi trường hoạt động và phát triển theo tiêu chí đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người làm công ăn lương.”

Ảnh: Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là ba là thành viên Phong Trào Lao Động Việt từ năm 2008, sau khi bị nhà cầm quyền kết án tù giam vào năm 2010, cả ba đã được trả tự do nhưng đều đang ở Thái lan xin tỵ nạn chính trị

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Mỹ muốn lĩnh vực công nghệ không có mặt của Trung Quốc

>>> Trung Quốc “Ra đòn kịch độc” – Việt Nam và thế giới điêu đứng

>>> “Tự hào” quá sớm – Viên phổi Vũ Hán lại bùng phát ở Việt Nam

https://www.youtube.com/watch?v=-GjcgRZ7Pdk
TQ “Ra đòn kịch độc” – VN và thế giới điêu đứng

 

Kasse animation 7.8.2023