Chuẩn bị “đuổi” Việt Nam – Trung Quốc thay đổi định nghĩa Biển Đông

https://youtu.be/d8alE0ICDPM
Link Video: https://youtu.be/d8alE0ICDPM

Sau khi thành lập hai quận đảo quản lý Hoàng Sa và Trường Sa hồi tháng 4 năm nay, bước đi tiếp theo mới đây của nước này về mặt hành chính tại Biển Đông là sửa đổi quy định hàng hải của Trung Quốc có từ năm 1974, định nghĩa lại vùng biển giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và gọi đó là Tây Sa.

Kể từ ngày 01/08/2020, một phiên bản sửa đổi quy định hàng hải của Trung Quốc có từ năm 1974, định nghĩa lại vùng biển giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh chiếm trọn từ tay Việt Nam cũng từ năm 1974, bắt đầu có hiệu lực.

Trung Quốc vừa công bố bản quy định mang tên chính thức là “Các quy tắc kỹ thuật để kiểm tra tàu biển trong các tuyến nội địa”.

Điểm đáng chú ý nhất trong bản quy định hàng hải này là việc Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ, gọi vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa là một vùng “duyên hải” hay “ven bờ” (tiếng Anh là coastal), thay vì “ngoài khơi” (tiếng Anh là offshore) như trước đây.

Trong văn bản mới này, Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là “Vùng hàng hải Hải Nam – Tây Sa“. Vùng hàng hải này được quy định là khu vực nằm giữa hai điểm cực đông và cực tây trên đảo Hải Nam và ba điểm ở cực đông, tây và nam quần đảo Hoàng Sa.

Việc ban hành quy định mới về hàng hải, xem các tuyến hàng hải giữa Hải Nam và Hoàng Sa là các tuyến nội địa của Trung Quốc là một bước phát triển mới của quyết định đầy tranh cãi công bố tháng Tư vừa qua, thành lập hai quận đảo riêng rẽ để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, ngày 18/4, Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa“. Trung Quốc ngang ngược nói rằng “quận Tây Sa” sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi “quận Nam Sa” quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa“, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.

Động thái mới của Trung Quốc được các chuyên gia nhận định là nhằm gia tăng kiểm soát Biển Đông.

Ảnh: Bản đồ khu vực Biển Đông

Trước hết, Trung Quốc đang âm mưu dùng luật của Trung Quốc để áp đặt trên các vùng tranh chấp.

Đáng chú ý là từ ngữ “nội địa” ở trong tên chính thức của bản quy định có hiệu lực từ 01/8 mới đây. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã mặc định “Khu vực hàng hải Hải Nam – Tây Sa” trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vùng nội địa của Trung Quốc.

Theo Trương Khiết (Zhang Jie), một chuyên gia về Biển Đông ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, động thái kể trên của Bắc Kinh có lẽ là nhằm tăng cường quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa bằng cách sử dụng các luật trong nước.

Đối với chuyên gia Trung Quốc này: “Cho dù điều đó không trực tiếp nhắm tới việc tăng cường quản lý, thế nhưng tác dụng trên thực tế cũng không khác gì”.

Collin Koh, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học công nghệ Nanyang Technological University (Singapore) cũng tán đồng quan điểm nêu trên.

Theo ông, động thái của Trung Quốc “không phải điều đáng ngạc nhiên, nhất là sau khi Bắc Kinh đã thông báo thành lập hai quận hành chính để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa”.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP), cộng đồng quốc tế đã cực lực chỉ trích Trung Quốc vào lúc nước này đẩy mạnh chiến lược sử dụng luật lệ trong nước để đòi chủ quyền trên các vùng tranh chấp và bành trướng trong khu vực.

Ví dụ, từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc đã thiết lập 7 tòa án hàng hải mới, một được đặt ở “thành phố Tam Sa”, về mặt hành chính là đơn vị trực thuộc tỉnh đảo Hải Nam.

Qua năm 2013, Bắc Kinh sáp nhập một số cơ quan hàng hải vào lực lượng Hải cảnh mới, và đến năm 2017, Tòa án tối cao Trung Quốc tự tuyên bố mở rộng quyền hạn ra mọi vùng thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc, kể cả các vùng biển.

Có thể nói, hành động này của Trung Quốc thực chất là nhằm củng cố thêm quyền khống chế Biển Đông.

Chuyên gia Collin Koh nhận định việc Trung Quốc thay đổi từ ngữ để chỉ vùng biển nằm giữa Hải Nam và Hoàng Sa đã được tiến hành từ đầu năm nay, nhưng nay mới có hiệu lực. Mục tiêu “chắc chắn là nhằm củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh” trên vùng biển này.

Trên Twitter, một nhà quan sát Biển Đông khác cho rằng động thái của Trung Quốc không đơn thuần là nhằm đẩy mạnh giao thông liên lạc và du lịch giữa Hải Nam và Hoàng Sa, mà còn mang ý nghĩa rộng hơn là kể từ nay, tàu biển Trung Quốc có thể thoải mái đi đến Hoàng Sa vì vùng biển đó chỉ là vùng “ven bờ”. Đây chính là thủ đoạn để gia tăng quyền khống chế Biển Đông.

Nhà quan sát Đặng Duân cũng cho rằng: Với quy định mới, các tàu bè trước đây chỉ được phép hoạt động ở “khu vực cận hải” tức “ven bờ” nay sẽ được phép đi đến Hoàng Sa (trước đây là “viễn hải” tức “ngoài khơi”). Điều này sẽ gia tăng đáng kể đội tàu đủ tiêu chuẩn qua lại khu vực.

Việc phân loại như thế này ban đầu tưởng chừng chỉ có mục đích nội bộ, nhằm thúc đẩy giao thông cũng như du lịch giữa đảo Hải Nam và Hoàng Sa.

Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng khi lưu thông ở khu vực này trở nên nhộn nhịp, Trung Quốc sẽ áp dụng các hình thức kiểm soát, quản lý, điều tiết phi pháp nhằm phục vụ âm mưu thường trực và sâu xa hơn là biến Biển Đông thành “ao nhà“.

Đây là một hành vi phi pháp mới của Trung Quốc cần phải được lên án.

Ảnh: Tàu chở trực thăng HMAS Parramatta của Hải quân Úc tập trận với tàu đổ bộ Mỹ USS America, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Barry và tàu USS Bunker Hill, tại Biển Đông, ngày 18/04/2020

Đối với giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông thuộc Học Viện Quốc phòng Úc (Đại Học New South Wales), hành động của Trung Quốc biến Hoàng Sa thành một huyện của Trung Quốc là một hành vi bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Trong bài phân tích ngày 19/04, giáo sư Thayer nêu bật việc Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Hoàng Sa thông qua vũ lực vào tháng 01/1974 và luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua chinh phục.

Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực áp đặt chủ quyền trong thực tế đối với các thực thể tranh chấp tại Biển Đông thông qua việc thúc đẩy tổ chức cho du khách Trung Quốc đến tham quan nhằm phát triển kinh tế địa phương, dân sự hóa sự hiện diện…

Động thái quyết đoán mới của Trung Quốc được ghi nhận vào lúc Bắc Kinh đang gặp sự phản đối ngày càng mạnh của quốc tế chống lại các yêu sách chủ quyền quá đáng của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Vào tháng 7 vừa qua, Hoa Kỳ và Úc đã ra tuyên bố, khẳng định rằng các yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông đều phi pháp vì không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Những tháng gần đây, thế giới cũng chứng kiến một “cuộc chiến công hàm về Biển Đông” nhằm bác bỏ yêu sách lãnh thổ tham lam và phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển mang tầm chiến lược trong khu vực và quốc tế này.

Ảnh chụp công hàm bác bỏ các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc, tuyên bố “đường 9 đoạn” vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982 mà Phái đoàn Malaysia lên Liên Hợp Quốc gửi hôm 29/07

Các tháng trước, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Hoa Kỳ và Úc cũng đã gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc.

Và gần đây nhất là, Malaysia ngày 29/07/2020 đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với nội dung bác bỏ “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tự nhận là họ có trên Biển Đông dựa theo bản đồ “đường chín đoạn” do chính họ vẽ ra.

Trong công hàm, với lời lẽ cứng rắn khác thường, Malaysia đã khẳng định bác bỏ “toàn bộ nội dung” của một công hàm khác mà Trung Quốc đã gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 12/12/2019, trong đó Bắc Kinh cho rằng Kuala Lumpur không có quyền đề nghị kéo dài thềm lục địa của Malaysia ở khu vực phía bắc nước này.

Công hàm ngày 29/07 của chính quyền Kuala Lumpur nhấn mạnh rằng đề nghị của Malaysia hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Văn kiện của Malaysia gửi lên Liên Hiệp Quốc nói rõ : “Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán, liên quan tới khu vực hàng hải trên Biển Đông nằm trong ‘đường chín đoạn’.”

Đối với Malaysia, các yêu sách của Trung Quốc đã “đi ngược lại UNCLOS và không có tác động pháp lý vì đã vượt quá phạm vi địa lý và ranh giới thực chất mà Trung Quốc được hưởng theo công ước”.

Trả lời SCMP, một chuyên gia về lập trường Biển Đông của Kuala Lumpur cho rằng dù công hàm ngày 29/07 của Malaysia có lời lẽ cứng rắn bất ngờ, nhưng nội dung văn kiện này vẫn phản ánh quan điểm từ trước đến nay của Malaysia là bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Như vậy, thời gian gần đây, các yêu sách quá đáng của Trung Quốc liên tục bị tố cáo và bác bỏ trước Liên Hiệp Quốc không chỉ bởi các nước có tranh chấp liên quan trực tiếp mà cả những nước có không có chủ quyền trên Biển Đông nhưng có lợi ích tại vùng biển quốc tế này.

Tuy nhiên, mặc cho cộng đồng quốc tế lên án, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy chủ quyền phi pháp tại Biển Đông với thái độ hung hăng, ngang ngược.

Trung Quốc thời gian qua đã triển khai hàng loạt các hoạt động gây hấn trên Biển Đông như điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi bám theo tàu khoan của Malaysia, cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam…

Mới đây nhất, 30/07/2020, nước này thông báo đã cho tiến hành những cuộc tập trận trên không “với cường độ cao” ở Biển Đông. Động thái của Bắc Kinh được cho là một tín hiệu rõ ràng gửi đến Mỹ trước việc Mỹ đã từng điều hai tàu sân bay đến khu vực để phô trương uy lực.

Trong cuộc họp báo định kỳ hàng tháng trực tuyến, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết không lực của Hải Quân Trung Quốc “mới đây” đã thao diễn “với cường độ cao” cùng với các loại oanh tạc cơ H-6G, H-6J cũng như phi cơ khác ở Biển Đông.

Phát ngôn viên này nói rõ là máy bay Trung Quốc tham gia tập trận đã “cất cánh và hạ cánh ban ngày cũng như ban đêm, tiến hành những cuộc oanh kích tầm xa hoặc tấn công vào những mục tiêu trên biển” và các bài tập đã “đạt được mục đích chờ đợi”. Tuy nhiên, địa điểm cụ thể tập trận không được thông báo.

Bên cạnh đó, trên mặt ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vào trung tuần tháng 7, cũng nói thẳng quan điểm của Hoa Kỳ, xem yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, trong lúc cho đến trước đây Mỹ vẫn giữ thái độ trung lập.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> 504 người Trung Quốc trốn vào Việt Nam – Hà Nội “siết” chặt biên giới

>>> Tháng 7 – khởi đầu cho chuỗi ngày đen tối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc

>>> Người Trung Quốc tràn vào Đà Nẵng – Vũ Hán của Việt Nam xuất hiện

https://www.youtube.com/watch?v=-GjcgRZ7Pdk
TQ “Ra đòn kịch độc” – VN và thế giới điêu đứng

 

Kasse animation 7.8.2023