Mỹ bắt tay EU trừng trị Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=rZk31op_WGE
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=rZk31op_WGE

Bắc Kinh luôn là chủ đề mà Mỹ và Liên minh Châu Âu EU chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều năm qua nhưng thời gian gần đây hai chủ thể khổng lồ này dường như đang cố gắng xích lại gần nhau để tìm cách vượt qua bất đồng trong bối cảnh mối đe dọa đến từ châu Á đang ngày một lớn dần. Ngoại trưởng Mỹ ngày 25/6/2020, cho biết có thể sẽ đến châu Âu trong những tuần tới để đối thoại về chủ đề này.

Theo hãng tin AFP, trong một diễn đàn trên mạng về quan hệ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, do quỹ German Marshall Fund của Hoa Kỳ tổ chức, lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo thông báo chấp thuận đề nghị của đồng nhiệm châu Âu Josep Borell, được nêu ra hồi tuần trước, về việc tổ chức « một đối thoại song phương về Trung Quốc ».   

Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ hy vọng sẽ sớm đến châu Âu để khởi sự cuộc đối thoại này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cơ chế mới này sẽ cho phép hai bên « thảo luận về các lo ngại trước những đe dọa Trung Quốc đối với phương Tây và đối với các giá trị dân chủ » mà Hoa Kỳ và Liên Âu cùng chia sẻ.  Ông Pompeo hy vọng là cuộc đối thoại này sẽ là một « chất xúc tác » cho phép thúc đẩy hợp tác, với kết quả là hai bên sẽ đưa ra các biện pháp chung.

Trong thời gian gần đây, Ngoại trưởng Mỹ liên tục kêu gọi các nước châu Âu cứng rắn hơn với Bắc Kinh, đứng hẳn về phía « tự do », thay vì chấp nhận « nền độc tài tàn bạo » do một chính quyền « côn đồ » áp đặt.

Giới quan sát nhận định trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cách tiếp cận thù địch với EU, thì ông Pompeo được coi là sẵn sàng hợp tác với châu Âu hơn trong việc tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Nhà Trắng Morgan Ortagus nói rằng ông Pompeo và các đối tác châu Âu đã thảo luận về tầm quan trọng “của việc giữ vững cam kết chung đối với các giá trị dân chủ để chống lại Nga và những nỗ lực [của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] nhằm phá hoại các xã hội dân chủ“.

Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Đề nghị tổ chức một cuộc đối thoại song phương với Hoa Kỳ để đối phó với sự lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc được Cao uỷ Đối ngoại của EU Josep Borrell đưa ra ngay sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Hai 15/6

Ông Josep Borrell nói với các phóng viên: “Tôi đề nghị khởi động một cuộc đối thoại song phương đặc biệt tập trung vào Trung Quốc và những thách thức mà hành động và tham vọng của nước này đặt ra với chúng ta – Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.”

Ông Borrell cho biết Mỹ và EU đã “trao đổi quan điểm về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên nhiều mặt trận“.

Ông Borrell nói: “Có một số vấn đề mà chúng tôi cùng phải đối mặt trong mối quan hệ với Trung Quốc, và ở đó sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi là rất quan trọng để cùng nhau giải quyết. Điều này chắc chắn bao gồm tình hình ở Hồng Kông… Điều vô cùng quan trọng là hợp tác với Hoa Kỳ để chia sẻ mối quan tâm và tìm nền tảng chung để bảo vệ các giá trị và lợi ích của chúng ta.”

Đề xuất của ông Borrell là một bất ngờ đối với một số nhà quan sát ngoại giao, vì bài đăng trên blog của ông vào Chủ Nhật dường như cho thấy rằng EU sẽ không hình thành một liên minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ về vấn đề Trung Quốc.

Ông viết trong blog: “Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là trục chính của chính trị toàn cầu, áp lực phải chọn phe nào đang gia tăng… Chúng ta là người châu Âu phải làm điều đó ‘theo cách của chúng ta, với tất cả những thách thức mà việc này mang lại.”

Ảnh: Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ, hôm 16/6

Bà Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết, EU “chắc chắn đã gửi tín hiệu đầy mâu thuẫn về việc họ có muốn hợp tác với Mỹ hay không để đối phó hiệu quả hơn với các thách thức của Trung Quốc, hay đi theo con đường riêng của họ“.

Ông Borrell đã không nói chi tiết về kết quả mong đợi của một cuộc đối thoại song phương với Mỹ, nhưng bà Glaser cho rằng “ít nhất, nó có thể cung cấp một kênh hữu ích để cập nhật tình hình lẫn nhau và thảo luận về sự khác biệt, và trong một số trường hợp, tạo ra một cách tiếp cận chung“.

Bà Glaser cũng cho rằng một cuộc thảo luận về cách đối phó với các thông tin bóp méo ngày càng tăng từ Trung Quốc có thể mang lại kết quả, trong khi việc tìm ra tiếng nói chung trong các lĩnh vực khác như thương mại và các vấn đề quanh các tổ chức đa phương có thể khó khăn hơn.

Bà Glaser cũng nhận định: “Giúp Đài Loan tăng cường tham gia với quốc tế có thể là một chủ đề thú vị để thảo luận và hợp tác, mặc dù việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ làm ảnh hưởng đến các nỗ lực giúp Đài Loan khôi phục vai trò quan sát viên của mình.”

Andrew Small, Thành viên cao cấp của Quỹ Marshall của Hoa Kỳ, gọi ý tưởng này của ông Borrell là “một bước hữu ích cho những ai muốn thấy một sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong việc điều hòa các chính sách của Trung Quốc giữa các nền dân chủ tự do“.

Ông Small nói: “Phiên bản tối ưu của một cuộc đối thoại về Trung Quốc sẽ là một phiên bản có sự tham gia đầy đủ của Ủy ban Châu Âu, bao gồm văn phòng thương mại, chính sách đối ngoại, chính sách công nghiệp và các vấn đề kỹ thuật số.”

Đề xuất của ông Borrell được đưa ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh thiếu cam kết trong mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thượng đỉnh đầu tiên giữa một lớp lãnh đạo Châu Âu mới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang lại rất ít kết quả, thậm chí không ra được một tuyên bố chung.

Tại cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Hai (22/6), Liên minh Châu Âu đã khẩn thiết đề nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn trong các cuộc đàm phán đang bế tắc để đạt được một thỏa thuận đầu tư và thương mại, một vấn đề ngày càng làm phiền lòng 27 thành viên EU. Nhưng lời đề nghị này dường như không được Trung Quốc đáp lại, khi nước này thắt chặt kiểm soát nền kinh tế trong nước và trở nên hiếu chiến hơn trong quan hệ với các cường quốc phương Tây.

Sự nhạy cảm của Trung Quốc về nguồn gốc của virus corona, các động thái của họ với Hồng Kông và chính sách ngoại giao hiếu chiến là các chủ đề chính của cuộc họp thượng đỉnh. Việc họp qua video cũng làm giảm khả năng đàm phán hoặc truyền tải các thông điệp thầm lặng.

Do đó, cuộc họp thượng định, vốn đã bị hoãn lại từ cuối tháng Ba, không có khả năng tạo ra một bước đột phá để đưa ra được một hiệp ước đầu tư. Lớp lãnh đạo mới của châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Charles Michel, dù không kỳ vọng nhiều nhưng vẫn thực sự thất vọng về kết quả cuộc họp.

Mặc dù có nhiều bất đồng nhưng Mỹ và Châu Âu đang cùng nhau phải đối mặt với ‘hiểm họa’ Trung Quốc. Căng thẳng Mỹ – Trung Quốc vốn đã nghiêm trọng trong nhiều hồ sơ, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, lại càng trở nên trầm trọng hơn với đại dịch COVID-19.

Tổng thống Mỹ quy trách nhiệm cho Bắc Kinh đã để dịch bệnh bùng phát toàn cầu. Gần đây, việc Bắc Kinh ra luật về an ninh quốc gia cho Hồng Kông, bị Washington lên án như là một quyết định báo tử « quy chế tự trị » của cựu thuộc địa Anh Quốc, mà theo thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Luân Đôn, Hồng Kông sẽ được hưởng cho đến năm 2047.

Bắc Kinh thì liên tục tố cáo Washington gây căng thẳng trong mối quan hệ đôi bên.

Truyền thông Trung Quốc ngày 21/6 vừa qua trích dẫn báo cáo của Viện Nghiên Cứu Nam Hải của Trung Quốc năm 2020 về sự hiện diện quân sự Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào thời điểm căng thẳng và các hoạt động thù nghịch mà Trung Quốc cho là nhắm vào nước này có xu hướng gia tăng. Bản báo cáo đe dọa rằng gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến chiến tranh nếu Washington tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh.

Báo cáo của Trung Quốc cho rằng kể từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng năm 2017, Donald Trump đã khởi động một « cuộc tranh đua giữa các siêu cường », gần như là Chiến Tranh Lạnh.

Trang tin Pakistan Eurasiantimes lưu ý, đây cũng là lần đầu tiên trong một tài liệu chiến lược về an ninh quốc gia, Trung Quốc nói đến chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương nhắm thẳng đến sự thống trị của Mỹ trên toàn cầu.

Theo báo cáo này, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ có đến 375.000 nhân sự hiện diện trong các đơn vị hải quân, quân đội và thủy quân lục chiến. Hơn nữa, với hơn 85.000 quân được triển khai trước đó và một số lượng lớn vũ khí tiên tiến, quân đội Hoa Kỳ đã duy trì một thế thống trị tại châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều năm qua.

Báo cáo được Hoàn Cầu Thời Báo nhắc đến còn tố cáo Mỹ tiến hành một loạt các hoạt động nhằm kiềm hãm Trung Quốc nhất là trong các hồ sơ dịch COVID-19, Hồng Kông, Đài Loan, công nghệ cao và quốc phòng. Báo cáo này cho rằng nhiều tàu chiến Mỹ thường xuyên xâm nhập vùng lãnh hải Trung Quốc, tiến hành các chiến dịch quân sự ở Biển Đông và đi xuyên eo biển Đài Loan. Và một trong những hành động được cho là khiêu khích nhất là việc Mỹ cho điều 3 chiếc hàng không mẫu hạm trong khu vực.

Cuối cùng, báo cáo kết luận, do những mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với nhiều nước trong khu vực và an ninh quốc gia, tranh chấp và mối quan hệ Trung – Mỹ trở nên trầm trọng có nguy cơ làm gia tăng xác suất xảy ra chiến tranh hay một cuộc xung đột.

Trong khi đó, Trung Quốc và Châu Âu cũng có rất nhiều bất đồng trong các vấn đề từ trợ cấp chính phủ và chuyển giao công nghệ tới biến đổi khí hậu và cơ hội bình đẳng cho các công ty châu Âu đặc biệt là các hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc như việc đàn áp người Uighur (Duy Ngô Nhĩ).

Hồng Kông hiện cũng là điểm đối đầu gay gắt nhất giữa Liên Âu với Trung Quốc. Trong dịp Thượng đỉnh giữa Liên minh Châu Âu và Trung Quốc lần thứ 22, ngày 22/6/2020, Liên minh Châu Âu để ngỏ khả năng là các hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới, cho phép chính quyền trung ương can thiệp trực tiếp vào Hồng Kông.

Trước đó, ngày 20/6, Nghị viện Châu Âu ra một nghị quyết yêu cầu Liên Âu và các quốc gia thành viên kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế, có trụ sở tại La Haye, nếu Bắc Kinh áp đặt luật an ninh với Hồng Kông.

Ngoại trưởng các cường quốc khối G7 cũng ra một thông cáo chung với Liên Âu yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ việc áp dụng luật an ninh với Hồng Kông, bị tố cáo là xâm phạm nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ », do chính Trung Quốc chủ trương. 

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Con đường Tơ lụa: Giấc mơ của Trung Hoa, Ác mộng của Ấn Độ

>>> Nguy cơ “Vùng nhận dạng phòng không” – thuốc nổ cho căng thẳng Mỹ – Trung

>>> Châu Âu “tung đòn” đối phó với Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=LnmQBj7gCWc
Đã đến lúc cần loại TQ ra khỏi các định chế quốc tế

 

Kasse animation 7.8.2023