Bắc Kinh “nguy ngập” – Vũ Hán thứ hai?

https://www.youtube.com/watch?v=xPtTF1iaH-s
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=xPtTF1iaH-s

Chỉ hai tuần sau khi “Lưỡng hội” khép lại, Bắc Kinh chính thức thông báo dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại khu vực quận Tây Thành vào ngày 11/6. Đây là trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên sau hai tháng không có một ca nhiễm nội địa nào.

Bệnh nhân giới tính nam, 53 tuổi không có lịch sử du lịch trong 2 tuần trở lại đây hay tiếp xúc với bất kỳ nguồn lây nhiễm nào được xác nhận trước đó, hiện nguyên nhân lây nhiễm vẫn là bí ẩn.

Bệnh nhân có triệu chứng ớn lạnh và mệt mỏi, nhưng không ho, đau họng hay tức ngực. Ngày 10/6, qua kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện địa phương, kết quả xét nghiệm axit nucleic dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán. Bệnh nhân đeo khẩu trang suốt quãng đường đi xe đến bệnh viện để khám và điều trị cách ly. Hiện bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Địa Đàn để điều trị. Hai người tiếp xúc gần trong gia đình cũng đã được triệu tập để cách ly và theo dõi y tế.

Chính quyền Trung Quốc đã tiến hành theo dõi các đối tượng trở về Bắc Kinh từ các khu vực có lây nhiễm trong tháng qua, kiểm tra các đối tượng đến từ các vùng có mức độ nguy hiểm trung bình và cao trong cả nước, kiểm tra tình hình xung quanh các khu cộng đồng, quán hàng, khách sạn… từng có các ca nhiễm trước đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Ngày 12/6, quận Phong Đài (Fengtai), phía nam thủ đô Bắc Kinh ra thông báo có tổng cộng 6 ca nhiễm mới, tất cả đều liên quan đến chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa (Xinfadi) đặt tại quận này.

Ảnh: Lực lượng bảo vệ trước chợ bán sỉ Tân Phát Địa ngày 13/6

Trong số 6 người này có 2 người là cán bộ Trung tâm nghiên cứu Tổng hợp Thịt và Thực phẩm, từng đến khu chợ này gần đây và các chợ đầu mối khác ở Bắc Kinh để lấy mẫu kiểm tra thực phẩm. 2 người này không phải là người ở nơi khác đến, không có lịch sử tiếp xúc với cư dân vùng Vũ Hán, Hồ Bắc. Hiện chưa rõ 2 người đàn ông này đã bị nhiễm COVID-19 như thế nào. Cộng đồng và đơn vị công tác của 2 bệnh nhân này đã được tiến hành cách ly.

Trong số 4 người còn lại, có 3 người là nhân viên của chợ Tân Phát Địa ở và làm việc ngay trong chợ, người còn lại là khách đến chợ mua hàng.

Ngay sau đó, các nhà chức trách địa phương đã đóng cửa chợ Tân Phát Địa từ 3 giờ sáng thứ Bảy 13/6 (giờ địa phương).

Sang đến ngày 13/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận có thêm 57 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong đó có rất nhiều ca có nguồn gốc tại Bắc Kinh. Đây là số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày cao nhất kể từ ngày 13/4 đến nay.

Theo Reuters, trong buổi họp báo hôm thứ Bảy (13/6) Phó bí thư quận ủy quận Phong Đài, ông Sơ Quân Uy cho biết dịch nhầy họng của 45 người trong tổng số 517 người tại chợ bán buôn Tân Phát Địa đã cho kết quả dương tính với virus corona Vũ Hán, mặc dù không có ai trong số 45 người này biểu hiện triệu chứng COVID-19. Ông cũng thông báo quận Phong Đài đã bị đặt trong “tình trạng thiết quân luật” và thành lập “trung tâm chỉ huy dã chiến” để xử lý tình hình.

Chính quyền cũng nhấn mạnh là ở chợ Tân Phát Địa, có những tấm thớt dùng để cắt cá hồi nhập khẩu bị nhiễm virus.

11 khu dân cư xung quanh khu chợ Tân Phát Địa tại quận Phong Đài đã bị phong tỏa.

Ảnh :5 chợ bán buôn khác trên toàn thành phố cũng đã bị đóng cửa hoặc đóng cửa một phần

Ít nhất 3 trường tiểu học và 6 trường mẫu giáo đã đóng cửa. Các khu dân cư xung quanh cũng đã tạm thời rào chắn kiểm soát người ra vào. Bầu không khí đang rất căng thẳng.

Dự kiến có khoản 7 khách sạn xung quanh Chợ Tân Phát Địa sẽ được trưng dụng làm khu cách ly. Tối ngày 12/6, một số người bán hàng rong trong khu vực cũng bị gom vào cách ly trong các khách sạn.

Việc di chuyển qua các tỉnh lân cận đều bị cấm. Một công dân Bắc Kinh khác cho biết, có dấu hiệu nhiều người Bắc Kinh bắt đầu chạy trốn, nhưng không biết liệu họ có đang bị nhiễm bệnh hay không. Thủ đô của Trung Quốc đang đối mặt với nỗi lo cơn ác mộng tại Vũ Hán hồi tháng 1 sẽ tái diễn tại thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc đang có nguy cơ bắt đầu một làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

Ngày 13/6, một lượng lớn cảnh sát vũ trang và công an được huy động chốt giữ lối ra vào chợ Tân Phát Địa.

Cùng ngày, các tình nguyện viên cộng đồng ở nhiều quận của Bắc Kinh đã đến gõ cửa nhà người dân để hỏi liệu họ gần đây có tới chợ này hay không.

Bắc Kinh cũng đình chỉ ngay lập tức các sự kiện thể thao và và ngăn du khách từ nhiều khu vực khác của Trung Quốc tới thành phố.

Thông tin của chính quyền cộng sản Trung Quốc về đợt tái bùng phát dịch bệnh này tiếp tục không nhận được sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế.

Một điểm cần lưu tâm là trụ sở văn phòng của các quan chức hàng đầu chính quyền Trung Quốc, Trung Nam Hải nằm ở quận Tây Thành, nơi ở của bệnh nhân đầu tiên nhiễm COVID-19 sau gần 2 tháng Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Các nhà quan sát đã nhận ra một điểm đặc biệt là ca lây nhiễm được thông báo vào ngày 11/6, chỉ trong nửa tháng sau khi “lưỡng hội” Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc vào ngày 28/5. Trước đó, tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương đang trong tình trạng khẩn cấp, ba tỉnh Đông Bắc lần lượt thất thủ, tại Vũ Hán đã tiến hành một cuộc kiểm tra toàn dân quy mô lớn. Vào thời điểm đó, ngày 18/5, Hội nghị phòng chống dịch bệnh Bắc Kinh đã tiết lộ quận Tây Thành có 5 phòng khám với tổng cộng 33 bệnh nhân đang lên cơn sốt. Tuy nhiên quan chức đưa thông tin cho biết, các nhóm chuyên gia có liên quan đã quyết định bác bỏ các ca trên là viêm phổi Vũ Hán.

Có nguồn tin cho rằng thủ đô Bắc Kinh đã có tình trạng sốt tập thể từ ngày 18/5, có thể đã bị che đậy. Chính quyền có thể vì “lưỡng hội” mà giấu dịch. Hơn nữa, người ta cũng đặt câu hỏi: mấy ngàn đại biểu từ khắp nơi tập hợp lại ở Bắc Kinh liệu có hay không mang theo virus đến? Đại lễ đường nhân dân, nơi hai phiên họp được tổ chức, lại nằm ở quận Tây Thành, nơi được thông báo có ca bệnh.

Để khỏa lấp những nghi ngờ của cộng đồng, Trung Quốc đã dùng cá hồi nhập khẩu để đánh lạc hướng dư luận.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa Trương Ngọc Tỉ (Zhang Yuxi) trả lời phỏng vấn hôm 12/6 cho biết cơ quan chức năng đã xét nghiệm thấy trong thớt cắt cá hồi nhập khẩu có virus corona chủng mới, cá hồi nhập khẩu này có nguồn hàng từ Chợ hải sản Jingshen hay còn gọi là Chợ hải sản nước sâu Bắc Kinh. Sau đó, các siêu thị lớn ở Bắc Kinh trong đêm đã gỡ bỏ tất cả cá hồi trên kệ.

Có truyền thông Đại Lục cho biết, từng gọi điện cho văn phòng của Chợ hải sản Jingshen, nhưng không nhận được nhiều thông tin liên quan. Tuy nhiên, trên mạng internet lan truyền một thông tin nghi ngờ được cho là từ vòng tròn bạn bè của Wechat chính thức của Chợ hải sản Jingshen, nói rằng phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng quản trị chợ Tân Phát Địa là đang đẩy trách nhiệm sang Chợ hải sản nước sâu Bắc Kinh.

Theo vòng tròn bạn bè của chợ hải sản Jingshen, cá hồi ở đây đều là nhập khẩu qua kênh chính thức, không phải buôn lậu, hơn nữa cá hồi ở chợ này đều đã qua kiểm tra axit nucleic, kết quả đều không có bất cứ vấn đề gì.

Trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo, cũng có cư dân mạng nghi ngờ cá hồi liệu có khả năng lây nhiễm virus hay không. Được biết, mặc dù những nghiên cứu về mối quan hệ giữa loài cá và virus corona chủng mới vẫn còn tương đối ít, nhưng đã có kết quả nghiên cứu cho thấy loài cá có khả năng lây nhiễm virus tương đối thấp.

Đội ngũ nghiên cứu đến từ Đại học College London (UCL) vào ngày 01/5 đã công bố luận văn. Theo đó, sau khi phân tích các tương đồng protein ACE2 và tương đồng protein TMPRSS2 của 215 động vật có xương sống, họ đã kết luận rằng ngoài động vật có vú, virus gây đại dịch COVID-19 rất khó lây nhiễm cho cá, chim và bò sát.

Tháng Tư năm nay, một luận văn xuất bản trên Tạp chí Khoa học Thủy sản châu Á cũng có được kết luận tương tự. Luận văn này chỉ ra, virus corona chủng mới thuộc họ coronaviridae, chi β-coronavirus và virus β-coronavirus chỉ lây nhiễm cho động vật có vú. Hơn nữa, virus này chủ yếu hoạt động ở đường hô hấp trên và dưới, các tác động bệnh lý của nó chủ yếu tập trung ở phổi. Cũng tức là đối với loài cá không có phổi thì không dễ lây nhiễm chủng virus này.

Chuyên gia virus học của Đại học Hồng Kông, giáo sư y học Kim Đông Nhạn nói với truyền thông Đại Lục rằng, hải sản không có quá nhiều khả năng trở thành một nguồn lây nhiễm, tình huống virus trên loài cá lây truyền cho người là chưa từng xảy ra. Còn hiện tại không có chứng cứ cho thấy virus có thể sao chép trên cá, cũng tức là khả năng bản thân cá hồi trở thành tải thể của virus là cực kỳ nhỏ.

Chuyên gia virus này nhấn mạnh, cuối năm ngoái trên thớt, găng tay ở chợ hải sản Hoa Nam đều xét nghiệm ra các mẫu virus, nhưng nguồn lây nhiễm cụ thể vẫn chưa rõ. Nếu nói thớt làm cá hồi có virus gây COVID-19, vậy thì thớt này liệu có phải đã từng dùng để làm các loại thịt khác? Liệu người sử dụng thớt có mang virus sau đó lây nhiễm lên thớt? Ông Kim Đông Nhạn cho rằng từ những thông tin hiện nay mà nói, virus bùng phát tại chợ Tân Phát Địa, có khả năng là người lây truyền sang người, chỉ là vẫn chưa tìm được nguồn lây từ đâu.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> COVID có thể đã xuất hiện tại Trung Quốc từ lâu trước khi được báo cáo

>>> Tướng Trung Quốc ‘đánh Mỹ’ nói về Đài Loan và Hong Kong

>>> Mỹ – Đài Loan – Hồng Kông “tổng tấn công” Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=BCtlBHnN-Wo
“Mối nguy” đã xuất hiện tại TQ từ lâu trước khi được báo cáo

 

Kasse animation 7.8.2023