Mỹ, Trung Quốc ngấp nghé Chiến tranh Lạnh mới có thể tàn phá kinh tế toàn cầu

https://www.youtube.com/watch?v=yYlqQsk9sgM

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn đã tiến sát mép vực trước khi có đại dịch Covid-19, nhưng rồi đại dịch đã đẩy mối quan hệ đó rơi xuống.

Những chuyển động giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng trong đợt dịch virus corona đến nỗi các chuyên gia về Trung Quốc giờ đây cho rằng hai cường quốc vừa bước vào những ngày đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, có thể làm kéo dài đại dịch, làm trầm trọng thêm sự tàn phá về kinh tế có liên quan đến virus, và làm suy yếu khả năng của thế giới trong việc ngăn chặn các nguy cơ thông thường.

Về cơ bản, chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của Chiến tranh Lạnh“, ông Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hội châu Á, nói. “Chúng ta đang trượt dốc tới một tình trạng ngày càng đối nghịch với Trung Quốc“, vẫn theo ông Schell.

Ông nói thêm: “Hậu quả của mối quan hệ Mỹ-Trung bị đổ vỡ sẽ rất nghiêm trọng đối với thế giới và nền kinh tế toàn cầu, bởi vì khả năng của Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau chính là yếu tố then chốt duy trì kiến trúc toàn cầu hóa và thương mại toàn cầu. Khi mất đi yếu tố đó, sẽ có sự xáo trộn rất lớn“.

Trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, hai quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh mâu thuẫn về ý thức hệ, đó là điểm chính của cuộc đối đầu kéo dài 4 thập kỷ giữa hai siêu cường.

Nhiều người lo ngại rằng tình trạng thù địch ngày nay giữa Washington và Bắc Kinh có thể dẫn đến một sự chia rẽ toàn cầu tương tự.

Đối với toàn bộ hệ thống quốc tế, một cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ có tác động tàn phá. Ví dụ, nó sẽ đặt tất cả các vấn đề toàn cầu – từ biến đổi khí hậu cho đến đại dịch hay khủng bố – vào tính toán của mỗi bên là họ sẽ tăng hay giảm sức mạnh tương đối của họ, làm cho việc hợp tác của các bên thậm chí còn khó khăn hơn“, bà Elizabeth Economy, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.

Theo bà, Chiến tranh Lạnh “cũng sẽ buộc các quốc gia phải chọn đứng về một bên nào đó, và khi làm như vậy, họ phải đánh đổi rất khó khăn và có nguy cơ tiết lộ một số điều chẳng hay ho về chính họ: như là cách họ ưu tiên các giá trị chính trị, an ninh quân sự và sinh kế kinh tế của họ“.

Cuộc Chiến tranh Lạnh mới tiềm tàng có gốc rễ từ nhiều năm qua, trước cả khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ.

Thật khó để xác định chính xác lúc nào quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu chuyển từ “thân mật nhưng cảnh giác” sang thù địch ngày càng gia tăng ở cả hai bên, nhưng có một dấu mốc là khi Bắc Kinh khởi động những nỗ lực nhằm bảo đảm việc họ kiểm soát Biển Đông, một tuyến hàng hải có tầm quan trọng chiến lược toàn cầu.

Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Từ khoảng năm 2015, chính phủ Trung Quốc bắt đầu khẳng định mạnh mẽ những tuyên bố chủ quyền bằng cách biến các rạn san hô và bãi cạn trên biển thành những đảo nhân tạo. Việc Trung Quốc quân sự hóa ở đó đã gây ra những phản ứng giận dữ từ Việt Nam, Philippines và một số nước láng giềng khác cũng tuyên bố chủ quyền về một vài phần của Biển Đông. Chính phủ Hoa Kỳ cũng nhiều lần lên tiếng phản ứng.

Một tác nhân khác là vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền về Đài Loan là một điểm căng thẳng trong quan hệ với Mỹ trong hơn 70 năm qua. Nhưng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, ông ta đã cố ép các đồng minh ngoại giao của Đài Loan cắt đứt quan hệ. Mặt khác, ông Tập cũng đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Những động thái này làm cho vấn đề trở thành một mối lo ngại mới.

Một trong những điểm gây căng thẳng nhất giữa Washington và Bắc Kinh là chính sách có tính dấu ấn của chính quyền Tổng thống Trump – cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Từ lâu trước khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump đã nói ông tin rằng Trung Quốc trục lợi kinh tế từ nước Mỹ, gây ra tình trạng thâm hụt thương mại lớn giữa hai nước.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng tỷ đô la vào giữa năm 2018 để gây áp lực lên Bắc Kinh, buộc họ thay đổi cách thức kinh doanh với Mỹ.

Ngoài ra, còn có một yếu tố khác dẫn đến Chiến tranh Lạnh, đó là Hoa Kỳ chống lại việc Trung Quốc phổ biến công nghệ 5G của họ trên khắp thế giới

Trung Quốc và đặc biệt là công ty viễn thông khổng lồ Huawei đã đi đầu trong công nghệ 5G. Nhưng trong năm qua, Mỹ công khai lên tiếng bày tỏ hết sức lo ngại về việc sử dụng công nghệ Huawei trong các mạng viễn thông của các nước đồng minh. Hồi tháng 2, chính phủ Hoa Kỳ buộc tội Huawei “kiếm tiền bất hợp pháp”, làm gia tăng căng thẳng với hãng này và chính phủ Trung Quốc

Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hội Châu Á, cho rằng ngay cả khi đại dịch và cuộc bầu cử năm 2020 kết thúc, không thấy có kế hoạch rõ ràng nào về cách thức làm giảm căng thẳng hoặc đưa quan hệ Mỹ-Trung trở về trạng thái ổn định.

Đó là điều đáng lo ngại – người ta không thể thấy tình trạng này sẽ được kiểm soát như thế nào, ít nhất là không có nhiều bằng chứng cho thấy có những người có ý muốn hay vạch ra lộ trình để cố gắng làm chậm quá trình này“, ông Schell nói.

Chúng ta dường như chỉ có đang rơi tự do thôi“, ông nói.

Tình trạng Washington và Bắc Kinh công kích nhau nặng lời gần như hàng ngày gửi tín hiệu báo động đến các chuyên gia về an ninh quốc gia, họ lo rằng đang có mầm mống của một cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa hai siêu cường vào thời điểm đang có khủng hoảng toàn cầu.

Ảnh: Tổng chưởng lý Missouri Eric Schmitt là người đầu tiên kiện Trung Quốc vào tháng 4, cáo buộc nước này tổ chức một “chiến dịch gian dối” liên quan đến virus corona. Hơn một chục tổng chưởng lý các tiểu bang ở Mỹ kêu gọi Quốc hội mở cuộc điều trần về “sự gian dối” của Trung Quốc trong thời gian vius corona bùng phát. 18 quan chức tư pháp hàng đầu của các tiểu bang cuối tuần qua gửi thư lên các nhà lãnh đạo Quốc hội yêu cầu xem xét chiến thuật thông tin sai lạc của chính phủ Trung Quốc khi virus đầu tiên bùng phát tại Vũ Hán vào cuối năm 2019.   

Đây là một sự chuyển động nguy hiểm đối với thế giới“, bà Rachel Esplin Odell, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu nhà nước có trách nhiệm Quincy, nói. Viện của bà cổ súy cho sự kiềm chế trong chính sách quân sự của Hoa Kỳ.

Cả hai chính phủ [Mỹ và Trung Quốc] đều đang cố khai thác thất bại của phía bên kia để phục vụ lợi ích đối nội“, bà nói, và cho rằng họ đang lấy lửa dập lửa giữa lúc thế giới đang bị hỏa hoạn.

Bà Odell và các chuyên gia khác cho rằng hậu quả có thể rất to lớn – kéo dài đại dịch, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán thương mại nhạy cảm và mở ra những rạn nứt địa chính trị mới.

Ông Jacob Stokes, một nhà phân tích kỳ cựu về chính sách của Trung Quốc, nói: “Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà bạn hy vọng sẽ có sự hợp tác của toàn thế giới – đặc biệt là giữa các cường quốc hàng đầu – bởi vì nếu không có sự hợp tác đó, mặt tiêu cực sẽ rất lớn“. Ông Stokes làm việc tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, một viện phi đảng phái.

Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng tăng cao sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự, mặc dù Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành một “hoạt động vì tự do hàng hải” gần đây ở Biển Đông, trong khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh hải của họ.

Nhưng quan hệ Mỹ-Trung hiện ở mức “xấu nhất” trong gần 50 năm qua, ông Stokes, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Joe Biden, nói.

Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Washington hôm 15-1-2020

Một trong những thiệt hại đầu tiên có thể xảy ra là thỏa thuận thương mại được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He ký kết tại Nhà Trắng hồi tháng 1 – là thỏa thuận “giai đoạn 1″ mà các quan chức Nhà Trắng từng nói rằng sau này sẽ có một hiệp định lớn hơn về những vấn đề còn khó khăn hơn.

Không rõ liệu Trung Quốc có sẵn sàng hoặc có thể thực hiện các cam kết của mình trong giai đoạn 1 hay không, trong đó có lời hứa sẽ mua thêm 200 tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới – từ nông sản cho đến ô tô và dụng cụ y tế.

Ông Stokes nói rằng ngay cả trong thời kỳ kinh tế bình thường, thực hiện cam kết cũng đã khó rồi. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc hiện đang sụt giảm vì đại dịch, chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tìm cách đàm phán lại bản thỏa thuận.

Liệu có thể có giai đoạn 2 không khi mà giai đoạn 1 chẳng đi đến đâu?” ông Stokes nói, “Đó là một thách thức lớn“.

Hôm 4/5, Bộ trưởng Tài chính của Tổng thống Trump, Steven Mnuchin, nói ông hy vọng Chủ tịch Tập sẽ thực hiện đầy đủ thỏa thuận ký hồi tháng 1 bất chấp căng thẳng gia tăng và khủng hoảng kinh tế.

Nếu họ [tức Trung Quốc] không làm như vậy, sẽ có những hậu quả rất đáng kể trong mối quan hệ và trong nền kinh tế toàn cầu về mặt các bên sẽ thay đổi cách làm ăn với Trung Quốc“, ông Mnuchin nói trong một cuộc phỏng vấn.

Nhưng ngay cả khi ông Mnuchin hy vọng sẽ duy trì được bản thỏa thuận thương mại, ông Trump vẫn đưa ra ý tưởng áp thuế mới đối với Trung Quốc và cố gắng đòi bồi thường cho thiệt hại kinh tế và nhân mạng vì đại dịch.

Họ đã phạm một sai lầm khủng khiếp và họ không muốn thừa nhận điều đó“, tổng thống Mỹ nói hôm 3/5 trong một buổi gặp ảo với công chúng trên kênh Fox News. “Họ đã cố che giấu nó. Họ đã dập thông tin về nó, giống như một đám cháy“, nhưng họ đã thất bại, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ cho biết ông đang tìm cách để buộc Trung Quốc trả tiền, nhưng ông không đưa ra chi tiết cụ thể.

Chúng tôi chưa xác định số tiền cuối cùng là bao nhiêu“, ông Trump nói tuần trước khi được hỏi về các khoản bồi thường có thể đòi. “Số tiền sẽ rất đáng kể“, ông nói.

Nếu ông Trump nhất quyết thực hiện lời đe dọa về thuế quan mới hoặc các hoạt động trả đũa kinh tế khác, điều đó có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế, bà Odell nói.

Nó sẽ có tác động làm ớn lạnh nền kinh tế và thị trường toàn cầu“, bà nói.

Căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – bị đại dịch Cúm Vũ Hán làm cho trở nên tồi tệ hơn – làm khởi phát cuộc Chiến tranh lạnh mới, cựu nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng Clete Willems nói hôm 5/5.

Thực tế là căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gia tăng đáng kể tại thời điểm này”, ông Willems, cựu phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói với CNBC.

Tôi biết mọi người cảm thấy bất an với thuật ngữ này, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải trung thực và gọi đúng tên của sự việc, và đây là sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh lạnh mới, và nếu chúng ta không cẩn thận, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều”, ông nói thêm.

Thực tế là … người ta ngày càng thất vọng với các chính sách kinh tế của Trung Quốc và Trung Quốc cũng phải trả lời rất nhiều câu hỏi liên quan đến virus corona”, ông nói. Ông Willems rời chức vụ của mình trong Nhà Trắng hồi năm ngoái.

Ông Yong Wang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng những lời đao to búa lớn không ngừng của chính quyền ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về dịch Covid-19 có nguy cơ gây ra cuộc “Chiến tranh lạnh” mới. Nó cũng có thể làm xấu đi hình ảnh của Mỹ trong công chúng Trung Quốc, ông nói.

Trước đây, người ta thường coi hệ thống chính trị của Hoa Kỳ là đáng tin cậy. Giờ thì điều đó đã bắt đầu thay đổi“, ông Yong Wang nói.

Như nhiều chuyên gia chính trị và quan chức chính phủ Trung Quốc, ông Wang tin rằng các cáo buộc của ông Trump đối với Trung Quốc là một phần của mưu đồ nhằm làm đánh lạc hướng những chỉ trích trong nước Mỹ về việc ông Trump xử lý đại dịch.

Trong những tuần gần đây, ông Trump đối diện với kết quả thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ dành cho ông bị giảm, trong khi đó, ông Biden đang vượt lên một chút ở một số “bang chiến địa”.

Ngay cả ở thời điểm hiện tại, các quan chức và chuyên gia y tế của Hoa Kỳ vẫn đặt câu hỏi liệu có thể tin nổi hay không số liệu về tỷ lệ lây nhiễm và số người chết của Trung Quốc. Bắc Kinh gần đây đã hạn chế việc tiếp cận với cuộc nghiên cứu của Trung Quốc về virus corona chủng mới, và điều đó càng làm tăng thêm mối lo ngại.

Mong muốn buộc Trung Quốc phải trả giá là điều có thể hiểu được, ông Dan Blumenthal, giám đốc về nghiên cứu châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, một tổ chức cố vấn đặt ở thủ đô Washington. Nhưng ông Blumenthal, một cựu quan chức Lầu Năm Góc trong chính quyền của ông George W. Bush, nói rằng ông Trump phải có những bước đi cẩn thận vì Mỹ còn phụ thuộc vào Trung Quốc về một số mặt hàng y tế.

Ông ấy không nên khẩu chiến với ông Tập, lý do là có liên quan đến xuất khẩu thiết bị y tế Trung Quốc và những thứ quan trọng khác mà chúng ta [Mỹ] cần“, ông nói. Về lâu dài, các chính trị gia Mỹ và công chúng sẽ “muốn ít phụ thuộc hơn” vào Trung Quốc và sẽ ủng hộ các nỗ lực tách hai nền kinh tế ra. Nhưng một nỗ lực như vậy có thể mất nhiều năm, và sẽ phải trả giá, ông nói.

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ phải nói rất thẳng thắn với công chúng rằng trong một thời gian, các sản phẩm này sẽ có giá cao hơn“, ông Blumenthal nói.

Ông Wang, chuyên gia của Đại học Bắc Kinh, nói rằng nếu Hoa Kỳ dấn tới thực hiện lời đe dọa đòi Trung Quốc đền bù thiệt hại liên quan đến virus corona, hoặc “chia tách” hai nền kinh tế, có lẽ điều đó sẽ gây ra phản tác dụng.

Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu cho thấy đây sẽ là nền kinh tế đầu tiên phục hồi sau khủng hoảng, đưa Bắc Kinh ở vào thế mạnh hơn để trả đũa nếu quan hệ xấu đi thêm nữa, theo ông Wang.

Ông Wang cũng nói rằng nếu Hoa Kỳ cố xa lánh Trung Quốc về mặt ngoại giao, thì Bắc Kinh sẽ chuyển sang hình thành các liên minh sâu sắc hơn ở châu Âu, châu Á và trên toàn thế giới.

Cần phải nói rõ: Trung Quốc không muốn điều này xảy ra. Trung Quốc muốn hợp tác“, ông nói. “Nhưng Trung Quốc sẽ sẵn sàng phản công kinh tế nếu những nhân vật có quan điểm diều hâu về Trung Quốc trong chính quyền ông Trump tiếp tục đi trên con đường nguy hiểm này“, ông Wang nói.

Trung Kiên – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=aAt2J9sAN7A
TQ: đổ vỡ uy tín – các nước ngoảnh mặt
Kasse animation 7.8.2023