Việt Nam – ASEAN và sự lựa chọn thế kỷ

https://www.youtube.com/watch?v=HrzCD4r8gco

Trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc qua cuộc chiến tranh thương mại, xung đột lợi ích trên Biển Đông và cả cuộc khẩu chiến về nguồn gốc và cách xử lý đại dịch, chính sách cân bằng trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc của ASEAN dường như đã trở nên lỗi thời, ASEAN đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn nhất mà tổ chức này luôn tránh phải đối mặt trong nhiều năm qua, đó là chọn một trong hai, hoặc Mỹ, hoặc Trung Quốc.

Báo mạng The Straits Times nêu nhận định của Giáo sư Khoong Yuen Foong, Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew School of Public Policy), trong cuộc hội thảo bàn tròn trực tuyến ngày 28/4 rằng dịch COVID-19 làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ Mỹ – Trung, vốn đã xấu đi do cuộc chiến thương mại và cạnh tranh chiến lược. Có thể hai bên sẽ gây sức ép buộc ASEAN phải chọn phe nào.

Cuộc khảo sát với các chuyên gia, học giả trong khu vực do Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore thực hiện cho thấy quan điểm về mức độ ảnh hưởng của hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á.

Trước hết về Trung Quốc, kết quả cuộc khảo sát công bố vào tháng 01/2020 cho thấy đông đảo giới tinh hoa Đông Nam Á đều nhìn nhận Trung Quốc là nước có ảnh hưởng lớn nhất về kinh tế trong khu vực, lớn hơn nhiều so với kết quả thăm dò dư luận năm 2019. Trung Quốc nhận được số phiếu bầu chọn lớn hơn gấp 10 lần so với bất kỳ nước nào khác.

Một số nhà kinh tế sẽ cảm thấy bối rối về điều này vì nó không tương thích với dữ liệu kinh tế khách quan. Chẳng hạn, số liệu thống kê chính thức của ASEAN năm 2018 cho thấy Trung Quốc còn đứng sau EU và Nhật Bản về dòng vốn đầu tư bên ngoài chảy vào khu vực Đông Nam Á. Tương tự, về sự hiện diện trong khu vực, các công ty Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ so với các công ty từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Ngay cả về thương mại, mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước ASEAN, nhưng nước này chỉ chiếm 18% tổng kim ngạch thương mại của khu vực.

Ảnh: Quang cảnh một phiên họp trực tuyến của ASEAN về dịch COVID-19 do Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, nước chủ tịch luân phiên chủ trì, ngày 14/04/2020   

Vậy tại sao cảm nhận mạnh mẽ về sự hiện diện của Trung Quốc có phần ‘khuếch đại’ so với những số liệu thực tế khá khiêm tốn về sự đầu tư Trung Quốc tại Đông Nam Á?   

Choi Shing Kwok là Giám đốc Viện Nghiên cứu Yusof Ishak giải thích:

Một lý do dẫn đến nhận thức thái quá như vậy về Trung Quốc có thể là vì Trung Quốc chi phối các lĩnh vực dễ xuất hiện trên mặt báo và dễ gây chú ý như các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và du lịch.

Các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn tác động đến nơi ở của người dân địa phương, ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đến các doanh nghiệp và đòi hỏi lượng lớn người lao động Trung Quốc trong giai đoạn thực hiện, khiến người dân địa phương khó có thể phớt lờ.

Dòng du khách Trung Quốc đổ về cũng gây chú ý đáng kể ở địa phương và có tác động nhanh chóng theo một cách nào đó đến các nước Đông Nam Á, thể hiện một cách đầy đủ qua việc số lượng du khách Trung Quốc sụt giảm do dịch COVID-19 đã gây nhiều thiệt hại cho khu vực.

Một lý do khác có thể giải thích tại sao ảnh hưởng của Trung Quốc lại được cảm nhận rõ ràng hơn là Chính phủ Trung Quốc can dự nhiều hơn vào dự án của các công ty Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chính trong hoạt động đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc và được truyền thông Trung Quốc quảng cáo rầm rộ nhằm gây dựng hình ảnh.

Tuy nhiên, phần lớn những người tham gia khảo sát công nhận tầm quan trọng về kinh tế của Trung Quốc cảm thấy lo lắng về điều đó.

Nhiều nước tiếp nhận viện trợ trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đặc trưng của Trung Quốc trong khu vực cũng không chắc liệu đây có phải là một thỏa thuận công bằng đối với họ hay không.

Học giả Choi Shing Kwok lý giải: Có lẽ điều này liên quan đến nhận thức về thái độ của Trung Quốc đối với các vấn đề lợi ích chung như hòa bình, sự thịnh vượng và quản trị toàn cầu.

Khi trả lời câu hỏi này, chỉ có 16% số người tham gia khảo sát tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ hành động vì lợi ích chung, trong khi đó hơn 60% hầu như không tin tưởng. Số người không tin tưởng đã tăng lên trong năm qua; trong cuộc khảo sát năm 2019, tỷ lệ này chỉ là 50%. Hơn một nửa số người nghi ngờ Trung Quốc cho rằng nước này có thể lợi dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để chống lại chủ quyền và lợi ích của đất nước họ. 19% đơn giản cho rằng Trung Quốc không phải là một cường quốc đáng tin cậy.

Nghiên cứu kỹ lưỡng hơn những câu trả lời ở cấp quốc gia cho thấy số người có thái độ bi quan chiếm đa số ở tất cả các nước ngoại trừ Brunei và Lào.

Không bất ngờ khi số lượng người có thái độ bi quan nhiều nhất là ở các nước có một số sự cố căng thẳng trên biển với các tàu của Trung Quốc trong những năm gần đây, cụ thể là Philippines, Việt Nam và Indonesia.

Biển Đông chính là chủ đề bất đồng lớn nhất giữa Trung Quốc và ASEAN.

Charles Dunst, cộng tác viên của LSE IDEAS, nhà tư tưởng chính sách đối ngoại của Trường Kinh tế Luân Đôn và Hunter Marston, nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc nhận định: Không có vấn đề nào phủ bóng lên mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN hơn việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% Biển Đông.

Hai nhà nghiên cứu đã điểm lại một số sự kiện thể hiện sự bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN trong vấn đề chủ quyền Biển Đông: Trong một cuộc họp năm 2016, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trao cho các nhà ngoại giao ASEAN một văn bản “bày tỏ sự đồng thuận” đề cập tới các vấn đề gây bất đồng như tranh chấp lãnh thổ trên biển và yêu cầu họ ký tên mà không tham vấn trước. Động thái này rõ ràng đã khiến một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Philippines, Việt Nam và Malaysia, tức giận. Một trong những nhà ngoại giao tham dự cuộc họp đã nói: “Trung Quốc đã đi quá xa và gây phản tác dụng. Có một cách hay hơn để diễn đạt những điều này thay vì đưa ra thông điệp ‘Chúng tôi đúng và bạn đã sai’”. Thái độ hung hăng của Trung Quốc trong lĩnh vực này tiếp tục gây ra phản ứng dữ dội.

Năm 2019, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc có hành động đe dọa và ép buộc, thậm chí còn đặt câu hỏi liệu Hà Nội và Bắc Kinh có thể đàm phán về những tuyên bố trong lĩnh vực này một cách có thiện chí hay không.

Học giả James M. Dorsey thì lại nhận định: “Điều gây lo ngại không phải là tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà chính là khả năng đánh giá chiến lược của Bắc Kinh và cách hành xử của Trung Quốc khi họ trở nên mạnh hơn về quân sự và kinh tế”.

Về phía Mỹ, tư tưởng thân Mỹ và thiện cảm đối với Mỹ vẫn tồn tại ở khu vực Đông Nam Á trong khi đó sự hoài nghi của khu vực này đối với Trung Quốc ngày càng lớn nên Mỹ rõ ràng vẫn giữ được lợi thế trong cuộc đua lôi kéo Đông Nam Á.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực trở nên mờ nhạt.

Tổng thống Donald Trump vắng mặt tại cả hai hội nghị thượng đỉnh của ASEAN vào năm 2018 và năm 2019 đồng thời đã cử đại diện cấp thấp nhất của nước này tính từ năm 2011 tới dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2019 đã làm dấy lên mối hoài nghi trong ASEAN rằng khu vực này đã không còn được Mỹ quan tâm.

Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Mỹ với tất cả 10 nước thành viên ASEAN dự kiến diễn ra vào ngày 14/3 ở Las Vegas, Nevada được coi là sự an ủi, bù đắp cho sự lơ là của Tổng thống Trump với ASEAN mới đây đã bị hoãn lại vì đại dịch COVID-19.

Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN – Mỹ sẽ có ý nghĩa quan trọng với ASEAN trong việc tìm thế cân bằng với Trung Quốc đã bị bỏ lỡ một cách đáng tiếc.

Việc vì sao hội nghị này bị hoãn vẫn là câu hỏi, nhưng lý do lo ngại về dịch được nêu “là một lời giải thích hợp lý nhưng không thuyết phục“.

Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc thuộc Đại học New South Wales) cho biết: “Chưa rõ việc Hoa Kỳ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh theo quyết định riêng của họ, hay để đáp lại yêu cầu từ một hoặc nhiều thành viên ASEAN.”

Giáo sư Thayer cũng lưu ý đến một diễn tiến khác là trước khi Hoa Kỳ thông báo hoãn hội nghị, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố không tham dự. Kin Phea, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, được tờ Phnom Penh Post trích dẫn lưu ý rằng, một số nhà lãnh đạo ASEAN có thể cũng sẽ không tham dự gồm Philippines, Myanmar và Malaysia. Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Malaysia chắc chắn sẽ khiến Thủ tướng Mahathir không thể tới Las Vegas.

Giáo sư Thayer nhận định: “Điều này dẫn đến kết luận rằng, hội nghị đặc biệt này đã bị Hoa Kỳ hoãn vì một số quốc gia ASEAN không hào hứng tham dự, và chưa đồng thuận về một chương trình nghị sự cụ thể nào.”

Mặt tích cực lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ – ASEAN thời điểm này có lẽ là việc Mỹ vẫn quan tâm đến việc đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương và tiếp tục ủng hộ các đối tác của mình theo đuổi một cộng đồng hàng hải ổn định thể hiện rõ nhất là sự hiện diện liên tục của quân đội Hoa Kỳ trên Biển Đông trong thời gian gần đây.

Ảnh 6: Tàu tấn công đổ bộ USS America được điều tới biển Đông vào tháng 4 vừa qua

Tuy nhiên để lấy lại sự ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc đã triệt để tận dụng ‘khoảng trống quyền lực’ để gia tăng ảnh hưởng chính trị và kinh tế tại đây với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) thu hút tất cả 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết tham gia thì Mỹ cần đẩy mạnh, cải cách và xác định lại chiến lược của mình.

Charles Dunst và Hunter Marston cho rằng Điều khôn ngoan mà Chính quyền Trump cần làm là thi hành một chiến lược thu hút các đối tác Đông Nam Á theo các điều kiện riêng của từng nước. Trong khi Mỹ chưa thể vạch ra một kế hoạch hấp dẫn hơn Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc đối với các nhà lãnh đạo khu vực thì Washington cần đưa ra một tầm nhìn kinh tế đa phương khả thi cho khu vực này chẳng hạn như phối hợp với các đồng minh như Nhật Bản và Úc đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực; viện trợ kinh tế cho các nước đang phát triển như Campuchia và Myanmar theo những cách giúp tăng cường các lợi ích của Mỹ mà không làm gia tăng chủ nghĩa độc đoán (mối lo ngại của hầu hết các nước Đông Nam Á); tiếp tục viện trợ cho các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế và giáo dục, vốn không bị những kẻ chuyên quyền kiểm soát trực tiếp và sẽ tác động tích cực nhất đến người dân, đồng thời phối hợp với các đối tác khu vực phát triển cơ sở hạ tầng dựa trên các tiêu chuẩn về sự minh bạch và môi trường, điều mà Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc không thể làm được.

Đặc biệt, Washington cần đầu tư nhiều công sức hơn vào hoạt động ngoại giao, đặc biệt là trong các cuộc tiếp xúc trực tiếp với các đối tác khu vực.

Đúng như Giáo sư Khoong nhận định trong bối cảnh hiện nay các nước ASEAN khó giữ được vị trí trung dung giữa hai đại cường.

ASEAN có thể buộc phải đi đến một lựa chọn.

Một bên là đối tác thương mại hàng đầu, trong đó có dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường mà như cuối năm 2019, Thủ tướng Malaysia khi đó là Mahathir đã thú nhận: “Chúng tôi không đủ khả năng xây những tuyến đường sắt tốn kém này. Dù có thích hay không thì chúng tôi vẫn phải tìm đến Trung Quốc”. Bên kia là đối tác chiến lược giúp kìm hãm tham vọng bành trướng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Việt Nam với hơn 1000 km đường biên giới chung với Trung Quốc, cũng là nước bị nhà cầm quyền Bắc Kinh thông tính lãnh thổ bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  Đã đến lúc nhà cầm quyền tại Hà Nội cần chấm dứt chính sách “đu dây” để có một quyết định dứt khoát và đúng đắn, theo nguyện vọng của người dân cả nước, đó là Dân chủ và Tự do cùng một thể chế chính trị đa đảng, một nhà nước pháp quyền đem lại công bằng cho mọi người dân Việt Nam.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=mXOQrxx2bJE
VN theo Mỹ hay bám Tàu?
Kasse animation 7.8.2023