Hiệp định Hợp tác An ninh và Quốc phòng EU – Việt Nam (FPA) bắt đầu có hiệu lực


 

Hồi năm ngoái ngày 17/10/2019 tại Bruxelles, bộ trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh Liên Hiệp Châu Âu, đã ký Hiệp định về Thiết lập Khuôn khổ Tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA), được gọi tắt là Hiệp định Hợp tác An ninh và Quốc phòng.

Hôm nay ngày 4/5, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam thông báo: “Vào ngày 1 tháng 5 2020, Hiệp định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam về việc Thiết lập Khuôn khổ Tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA) đã chính thức có hiệu lực“.

Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng cho biết: “Việt Nam là thành viên đầu tiên trong ASEAN và là quốc gia thứ 4 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (sau New Zealand, Úc và Hàn Quốc) ký hiệp định này với châu Âu“.

Được biết, hiệp định FPA cho phép một quốc gia đối tác đóng góp cho các hoạt động và nhiệm vụ theo chính sách an ninh và quốc phòng chung của EU, một chiến lược phối hợp các chính sách quốc phòng và tình báo của EU.

Mặc dù không đề cập đến Trung Quốc, nhưng Thông báo của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hiệp định này khẳng định cam kết chung của EU và Việt Nam đóng góp vào hòa bình và an ninh không chỉ ở khu vực láng giềng mà còn ở trên thế giới, cũng như đóng góp vào việc bảo vệ trật tự đa phương dựa trên luật pháp“. 

Theo Báo điện tử Chính phủ Việt Nam, trong cuộc gặp với bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch sau lễ ký kết hiệp định hồi tháng 10 năm ngoái, bà Federica Mogherini đã bày tỏ mối quan ngại của Liên Hiệp Châu Âu về tình hình phức tạp ở Biển Đông hiện nay. Bà cũng kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.  

Không chỉ riêng Việt Nam, hiệp định này cũng có tầm quan trọng về an ninh và quốc phòng trong khu vực. Năm nay, Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN (luân phiên hàng năm). Thông báo của EU viết:
Hiệp định này chứng tỏ sự tham gia ngày càng lớn mạnh của EU tại khu vực châu Á và tầm quan trọng ngày càng lớn của các quốc gia ASEAN trên trường quốc tế và tiếp theo đó là vai trò trung tâm ngày càng cao của ASEAN“.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de

Nguồn:https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=3007607519282388&id=340835129292987&fs=0&focus_composer=0

Kasse animation 7.8.2023