Trung Quốc gây sức ép để châu Âu loại bỏ chỉ trích viêm phổi Vũ Hán

https://www.youtube.com/watch?v=28e1seK747M

Reuters dẫn 4 nguồn tin và tài liệu ngoại giao cho biết Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn Liên minh châu Âu (EU) công bố báo cáo nói rằng Bắc Kinh lan truyền thông tin sai lệch về sự bùng phát của virus corona.

Báo cáo cuối cùng đã được công bố vào ngày 24/4 và một số chỉ trích liên quan đến Chính phủ Trung Quốc đã được sắp xếp lại hoặc bỏ ra khỏi bản báo cáo.

4 nguồn tin ngoại giao nói với Hãng Reuters rằng ban đầu báo cáo trên dự kiến công bố vào ngày 21/4, nhưng đã bị hoãn lại sau khi các quan chức Trung Quốc biết về báo cáo thông qua thông tin phát hiện trên tờ Politico.

Sau đó, một quan chức cấp cao Trung Quốc đã liên hệ với các quan chức châu Âu tại Bắc Kinh trong cùng ngày. Nội dung của cuộc liên lạc này là “nếu báo cáo đúng như những gì được mô tả và được công bố ngày hôm nay thì sẽ rất tệ cho quan hệ hợp tác giữa các bên“, theo một thư tín ngoại giao được Reuters nhìn thấy.

Thư tín trích lời quan chức cấp cao Yang Xiaoguang (Dương Tiểu Quang) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc công bố báo cáo sẽ khiến Bắc Kinh “rất tức giận“, đồng thời cáo buộc các quan chức EU đang cố làm hài lòng “ai đó” mà các nhà ngoại giao EU nghĩ rằng Bắc Kinh muốn ám chỉ Washington.

Kết quả là báo cáo đã bị hoãn lại như một điều tất yếu, theo 4 nguồn tin của Reuters.

Ngoài ra, Reuters cho biết bản báo cáo nội bộ ban đầu với bản cuối cùng được công bố có nhiều điểm khác biệt.

Ảnh chụp màn hình bản tóm tắt báo cáo công bố ngày 24/4, đăng trên trang euvsdisinfo.eu của EU

Các bản thảo trước đó nêu rõ các nỗ lực của Trung Quốc nhằm che giấu thông tin về nguồn gốc của coronavirus, mà một trong các cách đó là tung tin rằng Hoa Kỳ đã lan truyền bệnh dịch này ra toàn thế giới. Nó cũng nói về việc Trung Quốc chỉ trích Pháp và tung tin giả về chính khách Pháp như thế nào. Nga cũng được nhắc đến trong báo cáo về tin giả này.

Cụ thể, trên trang đầu tiên của báo cáo nội bộ được chia sẻ với các chính phủ EU ngày 20/4, bộ phận chính sách đối ngoại của EU cho biết: “Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch thông tin sai lệch toàn cầu để chuyển hướng việc đổ lỗi cho sự bùng phát của đại dịch và cải thiện hình ảnh của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế“.

Bản tóm tắt báo cáo công bố ngày 24/4, đăng trên trang euvsdisinfo.eu của EU, ghi nhận “bằng chứng quan trọng về các hoạt động bí mật của Trung Quốc trên mạng xã hội” nhưng phần tài liệu tham khảo bị nhét trong 6 đoạn cuối của bản tóm tắt.

Cũng trong bản tóm tắt này, chính quyền Trung Quốc không còn bị gọi đích danh mà thay bằng cụm từ “các nguồn” do “một số chính quyền hỗ trợ, trong đó có Nga, và ít nghiêm trọng hơn là Trung Quốc“.

Phần báo cáo trên là bản cập nhật mới nhất được thực hiện bởi nhóm chống tin giả thuộc đơn vị ngoại giao của EU: Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS). Nhóm này ban đầu được thành lập để giám sát Nga nhưng được mở rộng để làm điều tương tự với Trung Quốc từ năm ngoái.

Gần đây, nhóm này hỗ trợ cuộc chiến chống chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc về công tác hỗ trợ trang thiết bị y tế cho những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì COVID-19, như Tây Ban Nha và Ý.

Ảnh chụp đoạn nói về Trung Quốc trong báo cáo công bố hôm 1/4 của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS)

Brussels đã phản ứng bằng việc chỉ ra rằng Pháp và Đức gộp lại cung cấp nhiều khẩu trang cho Ý hơn so với Trung Quốc.

Trong bản cập nhật gần đây nhất, được công bố hôm 1/4, nhóm chống tin giả của EU khẳng định quan chức chính phủ và truyền thông Trung Quốc thúc đẩy những giả thuyết chưa được chứng minh về nguồn gốc của COVID-19.

EEAS đã bác thông tin họ chùn bước vì sức ép của Bắc Kinh. Người phát ngôn cơ quan đối ngoại của Ủy ban Châu âu Virginie Battu-Henriksson tuyên bố: “Chúng tôi chưa bao giờ cúi đầu trước bất cứ sức ép ngoại giao nào đến từ nước ngoài.”

Trong khi đó, một phát ngôn viên EU chỉ lấp lửng: “Chúng tôi không bao giờ bình luận về nội dung hay nội dung bị cáo buộc của các liên lạc ngoại giao nội bộ và các liên lạc với các đối tác của chúng tôi từ những quốc gia khác“.

Một quan chức EU khác nói với Reuters rằng báo cáo đã được công bố như thường lệ và phủ nhận đã có xáo trộn trong báo cáo.

Tuy nhiên có thông tin cho rằng nhiều quan chức EU tỏ ra bất bình với việc này và ít nhất một chuyên gia phân tích đã viết thư cho cấp trên nói rằng họ đang “tự kiểm duyệt để chiều lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Phái đoàn Trung Quốc tại EU vẫn chưa bình luận gì về thông tin trên, trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa trả lời các câu hỏi về việc báo cáo đã bị thay đổi của Hãng Reuters.

Tuy nhiên, trong một chương trình trực tuyến với tổ chức tư vấn chính sách Những người bạn của châu Âu, Đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Ming nói: “Thông tin sai lệch là kẻ thù của tất cả chúng ta và chúng nên cùng nhau đối phó”.

Thông tin sai lệch về dịch COVID-19 đang trở thành một vấn đề nóng giữa Mỹ và Trung Quốc. Giới chức hai bên cáo buộc nhau che giấu thông tin về đại dịch. Mâu thuẫn đó đôi khi khiến châu Âu kẹt ở giữa.

Với hơn một tỉ euro thương mại song phương hàng ngày, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ là thị trường lớn nhất cho hàng hóa và dịch vụ của EU.

Hãng tin Reuters cho rằng hành động này của Brussels là đang cố gắng để không làm quá căng thẳng mối quan hệ quốc tế vốn đã bị xáo trộn vì đại dịch COVID-19.

Một nguồn tin khác thì cho rằng các nhà ngoại giao EU lo rằng phần báo cáo này có thể làm căng thẳng quan hệ EU-Trung Quốc, khiến việc tiếp nhận thiết bị y tế chống COVID-19 trở nên khó khăn hơn.

Báo South China Morning Post nhìn nhận loạt sự kiện này thể hiện rõ nỗi lo của Trung Quốc về sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế đối với công tác ứng phó đại dịch của họ song cũng cho thấy khả năng của Bắc Kinh trong việc gây sức ép lên các chính phủ nước ngoài – kể cả những tổ chức chính trị quyền lực như EU – vì họ là nhà xuất khẩu chính của các sản phẩm chiến lược.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc được cho là đang có kế hoạch thực hiện cam kết thương mại với Mỹ được ký kết vào hồi tháng 1.

Dẫn ba nguồn tin biết về kế hoạch của chính phủ, hãng tin Reuters cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị mua hơn 30 triệu tấn nông sản cho kho dự trữ quốc gia nhằm đề phòng gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Đây cũng là động thái Trung Quốc làm để thực hiện cam kết với Mỹ.

Cụ thể, Trung Quốc dự kiến mua 10 triệu tấn đậu nành, 20 triệu tấn ngô và 1 triệu tấn bông cho kho dự trữ quốc gia. Trung Quốc sẽ nhập phần lớn các loại nông sản này từ Mỹ để thực hiện cam kết theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã ký kết vào hồi tháng 1 với Washington.

Trung Quốc cũng mua thêm 1 triệu tấn đường, 2 triệu tấn dầu đậu nành cho kho dự trữ, song không rõ sẽ nhập từ nước nào.

Thông điệp chính từ Bắc Kinh là muốn đảm bảo cuộc sống của người dân. Đây là khoảng thời gian thích hợp để tăng cường kho dự trữ quốc gia, đặc biệt là khi giá các mặt hàng đang thấp”, một nguồn tin giấu danh tính tiết lộ. Giá đậu nành và ngô của Trung Quốc hiện cao gấp đôi giá những mặt hàng này ở Mỹ.

Tuy nhiên, các nguồn tin trên cho biết không rõ thời điểm nào diễn ra hoạt động thương mại trên vì còn phụ thuộc vào biến động thị trường.

Tuy nhiên, đây được coi là việc ‘thả con săn sắt, bắt con cá rô’ của Trung Quốc vì việc mua nông sản Mỹ để tăng cường kho dự trữ quốc gia giữa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dự kiến sẽ đem về thắng lợi gấp ba cho Trung Quốc.

Cùng một lúc, Trung Quốc giành thắng lợi gấp ba.

Thứ nhất là các mặt hàng dự trữ có thể được giải phóng trong trường hợp cần giữ giá.

Thứ hai là điều này giúp Bắc Kinh thực hiện thỏa thuận thương mại với Washington.

Và thứ ba là giá mua vào có lợi cho Trung Quốc.

Các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn bệnh dịch lây lan đã khiến các nền kinh tế trì trệ và đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có nông nghiệp.

Dịch bệnh đã làm cho ngành nông nghiệp và thực phẩm Mỹ chịu tác động lớn. Người nông dân gặp khó khăn trong tìm nhân công thời vụ để thu hoạch. Bên cạnh đó, thay đổi thói quen ăn uống của người tiêu dùng khi ngày càng nhiều người dân Mỹ ăn ở nhà, còn các trường học, nhà hàng đóng cửa đã buộc giá cây trồng và vật nuôi giảm.

Những dẫn chứng trên một lần nữa chỉ ra rằng Trung Quốc sẵn sàng gây sức ép với các bên liên quan để che giấu sự thật về việc nước này loan tin đồn thất thiệt và lợi dụng đại dịch COVID-19 để thu lợi về mình.

Và thế giới luôn cần cảnh giác với Trung Quốc, bất kể một hành động nào ‘tốt hơn mức bình thường’ của nước này cũng là phục vụ cho những lợi ích của chính quyền cộng sản để duy trì thể chế độc tài và tiếp tục thao túng các nước mà trong đó có cả Việt Nam.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=-SXUMg6AvQQ
Trận “đấu“ Trump – Tập và WHO “nóng bỏng”
Kasse animation 7.8.2023