Thời cơ đã chín muồi để Việt Nam kiện Trung Quốc?

Trước những tuyên bố chủ quyền phi pháp cùng những hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, dư luận tại Việt Nam đã nhiều lần đặt ra vấn đề Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Việc Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền Biển Đông ngày 12/7/2016 càng làm chủ đề Việt Nam có nên kiện Trung Quốc hay không trở nên nóng bỏng trong những năm gần đây. Đặc biệt, việc Việt Nam mới đây gửi công hàm lên Liêp Hiệp Quốc để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được giới chuyên gia đánh giá là báo hiệu bước đầu cho một tiến trình pháp lý trong tương lai.

Hiện nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau về chủ đề này. Giáo sư Tạ Văn Tài, người đã có nhiều năm công tác trong ngành Luật tại trường đại học danh tiếng Harvard của Mỹ nhận định rằng thời điểm này chưa hẳn đã “chín muồi” để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc.

Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng cần phân định vấn đề ra thành hai vụ kiện khác nhau. Thứ nhất là về vấn đề vùng nước, thềm lục địa. Thứ hai là về các đảo, đá, chủ quyền lãnh thổ.

Giáo sư Phạm Văn Tài nói nếu giả sử Việt Nam muốn kiện Trung Quốc về vấn đề xâm phạm vùng nước, thềm lục địa thì thời điểm này chưa đủ “chín muồi” để thực hiện ngay hành động pháp lý chống lại Trung Quốc vì những hành động khiêu khích nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh gần đây không đủ lý do để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc.

Ông giải thích: “Nó [Trung Quốc] đem tàu đến đi loanh quanh thôi thì theo nguyên tắc tự do hàng hải, kể cả EEZ (vùng đặc quyền kinh tế ) của Việt Nam, họ vẫn có quyền đi vô. Nhưng chỉ có Việt Nam mới có quyền khai thác tài nguyên trong vùng nước đó mà thôi, chứ không cấm họ được. Chỉ có khi nào đi vô vùng 12 hải lý của Việt Nam thì họ mới phải báo trước. Còn việc họ đi vô lững thững như vậy thì chỉ có thể lên tiếng chứ không kiện được”.

Ngay cả hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc là đặt “tên tiêu chuẩn” cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển trong khu vực Biển Đông, trong đó có nhiều bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thậm chí chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý, thì cũng không thể đủ “cớ” cho Việt Nam kiện Trung Quốc.

Giáo sư Tạ Văn Tài giải thích việc đặt tên này cũng giống như việc các nước đặt tên khác nhau cho một đảo, bãi đá ngầm của nước khác. Chẳng hạn như Việt Nam trước đây gọi hải đảo Aloha hay Hawaii của Mỹ là Hạ Uy Di.

Theo Giáo sư Tài, chỉ khi nào Trung Quốc khai thác tài nguyên trong vùng biển của Việt Nam, thì khi đó mới có đủ “cớ” để kiện Trung Quốc. Ông nói: “Còn nó chỉ đi mà chưa làm gì cả thì chưa có cớ để kiện. Tức là, theo án lệ của nhiều nước, một vụ kiện chỉ có thể có đủ lý do nếu nó ‘chín muồi’. Còn nó chưa đục khoét gì cả thì chưa thể kiện được, nhưng phải chuẩn bị hồ sơ.”

Tuy nhiên, Giáo sư Tài cho rằng việc Việt Nam lên tiếng phản đối cũng là một điều nên làm để có lợi về mặt công luận, ngoại giao.

Theo ông, nếu muốn kiện, Việt Nam nên theo nguyên tắc “Trung Quốc vi phạm gì thì mình kiện cái đó”.

Theo Giáo sư Tạ Văn Tài, nếu Trung Quốc tiếp tục có hành động dẫn tới vụ kiện về vùng nước, thềm lục địa thì Việt Nam sẽ dễ dàng giành phần thắng vì đã có Công ước về Luật biển năm 1982 phân định rất rõ về các quyền lợi, lợi ích của các quốc gia liên quan.

Ông nói thêm: “Kiện về vùng nước, thềm lục địa thì không cần phải chuẩn bị các bằng chứng lịch sử nhiều, bởi vì đó là quyền đương nhiên được hưởng của quốc gia duyên hải theo luật quốc tế”.

Còn về vấn đề chủ quyền trên các đảo, đá, thực thể ở Biển Đông thì cựu giáo sư Luật của Harvard cho rằng Việt Nam có thể chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện Trung Quốc.

Ông nói: “Kiện về vấn đề đảo, đá, chủ quyền đất đai mà họ chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 và đảo Gạc Ma vào năm 1988 thì nếu muốn kiện là phải kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) theo nguyên tắc thiết lập từ năm 1947. Hồi đó có nguyên tắc quốc gia đi kiện thì họ phải công nhận chủ quyền của tòa án thì mới kiện họ được”.

Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng ngay cả khi Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế, thì Trung Quốc vẫn có thể tuyên bố tòa “không có thẩm quyền”. Tuy nhiên, ông vẫn khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện biện pháp này cho dù tòa án chưa có quyền xử một khi Trung Quốc chưa chấp nhận ra tòa trong tư cách bên bị kiện.

Vụ kiện về chủ quyền trên các đảo, đá ở Biển Đông không tuân theo Công ước năm 1982 như vụ kiện về vùng nước, thềm lục địa, mà theo Luật quốc tế cổ truyền đã có từ 400 năm về vấn đề xác lập chủ quyền lãnh thổ, trong đó có yếu tố quan trọng là chủ quyền lãnh thổ của một nước được xác lập qua việc “chiếm ngụ một cách bình thường” (không phải bằng vũ lực) những khu vực vô chủ và “quản lý liên tục” các khu vực đó từ nhiều năm nay.

Giáo sư Tài giải thích: “Vì thế cho nên Việt Nam có thể nêu rõ chủ quyền lãnh thổ ở Hoàng Sa và một ít ở Trường Sa là đã có từ thời nhà Lê với các đội hải quân gọi là Bắc Hải, đội Hoàng Sa mà các chúa Nguyễn đã gửi ra các mỏm đá, đất đó để xác lập chủ quyền. Thành ra việc chuẩn bị hồ sơ lịch sử là chuẩn bị về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.”

Về thời điểm tiến hành kiện Trung Quốc, một số ý kiến trong công luận Việt Nam hiện nay bày tỏ lo ngại rằng nếu Hà Nội không kiện Bắc Kinh trong thời gian 50 năm kể từ khi mất Hoàng Sa vào năm 1974, thì Việt Nam sẽ mất quần đảo này vĩnh viễn. Tuy nhiên, giáo sư cho rằng mối lo ngại này là không thỏa đáng. Ông giải thích: “Việt Nam đã liên tục phản đối rồi. Phản đối có nghĩa là không công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Thế thì chủ quyền của Việt Nam không bị thời tiêu sau 50 năm. Đã phản đối thì giống như mình giữ tố quyền của mình thì không mất”.

Chiều 9/4, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao được tổ chức bằng hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của COVID-19, đại diện DPA (hãng thông tấn của Đức) đã gửi câu hỏi về tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Ảnh: Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại họp báo quốc tế trực tuyến ngày 9/4

Cụ thể, đại diện DPA nêu rõ, trước đây, Việt Nam nhiều lần cho biết không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc liên quan đến những đòi hỏi về chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Vậy tiến trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý đã hoàn thành chưa? Liệu Việt Nam có tiến hành các thủ tục khởi kiện Trung Quốc sau khi Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ngày 30/3 đã gửi Công hàm phản đối Công hàm của Trung Quốc?

Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, như đã thể hiện trong Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Việc lưu hành Công hàm tại Liên Hợp Quốc là bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam“, bà Hằng nói, đồng thời nhấn mạnh: “Lập trường nhất quán của Việt Nam cũng đã thể hiện đầy đủ tại Công hàm này. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định theo UNCLOS 1982“.

Chính phủ Việt Nam hiện nay, về mặt phát ngôn chính thức, hầu như không nói về việc sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan với Trung Quốc.

Ảnh: Công hàm Việt Nam gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 30/03/2020

Tuy nhiên, ở góc độ học thuật, không ít hội thảo tổ chức ở Việt Nam đã từng đề cập trước mắt Việt Nam cần nghiên cứu các thủ tục pháp lý về khởi kiện ra Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển, được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước 1982.

Vì vậy, việc Việt Nam vừa gửi công hàm lên Liêp Hiệp Quốc ngày 30/3 để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được giới học thuật đánh giá là bước đầu cho một vụ kiện của Việt Nam ra quốc tế để chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS- Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore giải thích về sự kiện này như sau: “Có thể hiểu được như vậy là bởi vì vào năm 2019, Đảng Cộng sản Việt Nam trong một hội nghị Trung ương đã bàn và quyết định rằng trong trường hợp không thể xử lý được bằng biện pháp đàm phán với Trung Quốc thì sẽ phải tiến hành khởi kiện Trung Quốc”.

Dựa trên nội dung công hàm, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng có thể hướng đi pháp lý sắp tới của Hà Nội sẽ là đệ trình vụ kiện lên một cơ quan tài phán hoặc một tòa án của Liên Hiệp Quốc để chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, tương tự như Philippines đã thực hiện và giành phần thắng vào năm 2016.

Tuy nhiên, trước khi dẫn đến bước đi cuối cùng này, có thể Hà Nội sẽ thực hiện một số bước trước đó. TS. Hà Hoàng Hợp nói: “Tiếp theo đây thì Việt Nam sẽ gặp phía Trung Quốc để bàn xem có thể xử lý trên bàn đàm phán được không. Không phải song phương mà là đa phương”.

Thứ hai là Việt Nam phải tổ chức cho ASEAN đàm phán với Trung Quốc về COC (Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông). Vì năm nay Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN nên việc đó phải tiếp tục cho đến tháng 11”.

Nếu cuộc họp của ASEAN về COC không thể thực hiện được vào tháng 7 vì lý do dịch COVID-19, thì theo TS. Hà Hoàng Hợp, có thể khối các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiến hành họp trực tuyến hoặc hoãn lại. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có quyết định về việc này.

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng công hàm ngày 30/3 đánh dấu ý định Việt Nam sẽ có những bước đấu tranh pháp lý cao hơn.

Ảnh: Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam

Ông nói: “Đánh giá về công hàm Việt Nam vừa gửi Liên Hiệp Quốc ngày 30/3, tôi xin lưu ý rằng trong công hàm này có một nội dung rất là mới, quan trọng mà nếu lưu ý, cần phải biết rằng là đặc biệt phần thứ hai, nội dung thứ hai nói về Công ước Luật biển năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất để xác định phạm vi các vùng biển thuộc các quyền một quốc gia ven biển.”

Trong đó có nhấn mạnh đến các thực thể đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thì phải được xác định hiệu lực của nó theo Điều 121, Khoản 3, tức là những đảo nào không thích hợp cho con người ở và không có đời sống kinh tế riêng, như các thực thể trong hai quần đào này, thì không có vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa 200 hải lý như Công ước Luật biển quy định, mà chỉ có tối đa 12 hải lý thôi.”

Còn một điều nữa nói rằng là những bãi cạn lúc chìm, lúc nổi hoặc hoàn toàn chìm, thì không phải là đối tượng của quyền thủ đắc lãnh thổ. Tôi nghĩ đấy là nội dung rất là cốt lõi, nó liên quan đến việc mà chúng ta (Việt Nam) có thể khởi kiện Trung Quốc về việc gọi là cố tình giải thích, áp dụng sai Công ước bằng việc họ áp dụng những điều khoản mà sai, không đúng là như chúng ta đã biết, như là họ đã vạch đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa, vào năm 1996, rồi họ tiếp tục làm điều đó đối với ‘Nam Sa’ (tức Trường Sa) hay đang chuẩn bị làm, thì đó là hoàn toàn sai.”

Thêm nữa họ nói những bãi cạn nằm trên thực địa của Việt Nam, cũng như của Philippines, cũng như của Malaysia là phần lãnh thổ của Trung Quốc, đấy hoàn toàn là việc giải thích, áp dụng sai, nữa là cái chuyện họ nói chủ quyền lịch sử của Trung Quốc nằm trong trong đường Lưỡi bò (hay bản đồ đường 9 đoạn) cũng là hoàn toàn sai, đấy là những nội dung mà chúng ta nêu rõ quan điểm và chính nội dung này mới là nội dung chuẩn bị cho quá trình mà chúng ta có thể đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế.”

Và nếu chỉ đơn phương, thì các cơ quan này có thẩm quyền để mà xem xét và ra phán quyết. Đấy là nội dung trước nhất chúng tôi nghĩ phải làm rõ. Và như vậy nên nhớ rằng việc mà Việt Nam tại sao không kiện, lâu nay không kiện để đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa v.v…, thì có thể nói đây là một tính toán của phía Việt Nam, nghĩa là về nguyên tắc Việt Nam sẵn sàng chuẩn bị cho quá trình đó, nhưng vào lúc nào, làm vào thời điểm nào, phải tính hết tất cả các yếu tố để có lợi nhất, có hiệu quả nhất, chính là một trong những nội dung tôi muốn trình bày.”

Cho nên chúng tôi nghĩ rằng sau công hàm này, như mọi người đã nghiên cứu, Việt Nam sẽ có những bước tiến mới để mà đấu tranh pháp lý cao hơn.”

Nhiều lần, các chỉ dấu cho thấy Việt Nam đã tính toán đến việc kiện Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, tuy nhiên có lẽ vì phụ thuộc vào Bắc Kinh từ quá lâu, nên Đảng Cộng sản và nhà cầm quyền tại Hà Nội vẫn còn lưỡng lự, chưa dám đưa vấn đề ra tòa án Liên hiệp quốc.

Và chúng ta hãy tiếp tục theo dõi để biết được quyết định cuối cùng của nhóm người tại Ba Đình, họ sẽ làm được gì cho nhân dân, cho đất nước.

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

Đảng theo Tàu – Quốc Phòng cần Mỹ
Kasse animation 7.8.2023