Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin tìm đủ mọi cách để ăn tiền lệ phí 2 lần?

Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin

Vụ việc mới vừa xảy ra trong tuần này (cuối tháng 9/2019), bạn gái Đức của một chàng trai Việt đã phải gửi tiền 2 lần cho Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQ) ở Berlin để làm Visa du lịch 3 tuần tới Việt Nam.

Khi gọi điện đến Phòng Lãnh sự ĐSQ Việt Nam ở Berlin, chàng trai Việt nói tiếng Đức khiến nhân viên lãnh sự do “giỏi” tiếng Đức quá không hiểu:

– Nếu anh biết tiếng Việt thì ta nói chuyện bằng tiếng Việt đi cho tiện, nhân viên ĐSQ khẩn khoản đề nghị!

– Vâng, các ngài cho biết chi phí để làm Visa cho bạn gái người Đức của tôi đi du lịch Việt Nam 3 tuần thì thủ tục như thế nào ạ? Chàng trai hỏi bằng tiếng Việt.

– Anh đưa chị tới ĐSQ vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Năm trong giờ làm việc. Trường hợp ở xa, anh chị không tới trực tiếp được thì có thể gửi Hộ chiếu qua đường bưu điện kèm theo 65€, chúng tôi sẽ làm nhanh trong vòng 1 tuần là xong.  

– Xin các ngài cho tôi xin số tài khoản của ĐSQ để chúng tôi chuyển tiền?

– Chuyển tiền qua tài khoản phiền toái lắm. Tiền vào chậm sợ nhỡ việc của anh chị.

– Vậy tôi trả tiền bằng cách nào để trong 1 tuần là có Visa?

– Cứ bảo bạn gái anh kẹp tiền vào trong quyển Hộ chiếu là thuận tiện nhất, nhiều người đã làm như vậy …

Thật thà cả tin 2 bạn trẻ đã kẹp 65€ trong quyển Hộ chiếu Đức cho vào phong bì đem ra bưu điện gửi đi. Nhưng 2 ngày sau chàng trai Việt nhận được cú điện thoại từ Phòng LS của ĐSQ báo Hộ chiếu đã tới nơi nhưng không có tiền bên trong nên muốn sớm nhận được Visa thì phải gửi ngay 65€ về ĐSQ.

Cô bạn gái người Đức biết tin, ngỡ ngàng gọi điện thoại xin nói chuyện với nhân viên ĐSQ thì đầu dây bên kia cúp máy cái rụp. Bấm máy gọi lại vài lần cũng chỉ nghe những tiếng tút tút máy bận dài dài …

Ảnh chụp những tin nhắn với nhau trong gia đình

Tất nhiên là quá nhục, quá xấu hổ, nhưng sự vô liêm sỉ đã ăn mòn mất thể diện rồi. Vậy bộ ngoại giao và chính phủ Việt nam chả lẽ cứ để vậy sao? Dù gì thì đó cũng là bộ mặt của đất nước. Hơn nữa với cách làm như thế thì làm sao ngành du lịch phát triển được?

Không riêng gì ĐSQ ở Berlin, hầu như tất cả các khoản thu cho dịch vụ lãnh sự của các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài thực tế đều từ chối chuyển khoản, ưu tiên thu bằng tiền mặt và cheque. Vẫn theo các nạn nhân, trong rất nhiều trường hợp, không có chứng từ có giá trị pháp lý nào được đưa trả lại cho người nộp tiền. Đa số chỉ là những giấy biên nhận viết tay, ghi không cụ thể.

Cách đây 2 năm, cũng có trường hợp như chị Nguyễn Thị Cẩm Liên bức xúc đối chất trực tiếp với đại diện Tổng lãnh sự quán ở Frankfurt am Main, nhưng vẫn không được câu trả lời thỏa đáng, ngoài những giải thích vòng vo bằng miệng. Chị Liên muốn xin thôi quốc tịch Việt Nam, theo hướng dẫn của một nhân viên sứ quán Việt Nam tại Đức, chị đã đóng 200 Euro ngay từ khi nộp đơn. Đến ngày hẹn, chị trở lại thì được một người khác thông báo phải nộp thêm 200 Euro nữa với lý do 200 Euro trước đây chỉ là chi phí dịch thuật và các dịch vụ liên quan chứ chưa phải là lệ phí thôi quốc tịch. Khi bị hỏi về những quy định thu phí cụ thể đối với mỗi dịch vụ, nhân viên lãnh sự quán đã không trưng ra được những chứng cứ xác thực.

Đúng là cái cách làm của các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước từ bao lâu nay. Nhiều người cũng đã kiến nghị hoặc đề xuất nhưng nhân viên sứ quán vẫn làm ăn như cũ hòng đút cho đầy túi tham.

Facebooker Đỗ Cao Sang thạo tin trong nghành ngoại giao cho biết, phần đa số để kiếm được chân tùy viên, thám tán hoặc đại sứ, cán bộ ngoại giao của ta phải bỏ ra một lượng tiền chạy chọt tầm dăm tỷ. Khi sang đến nơi, nhiệm vụ đầu tiên của họ là thu hồi vốn và mong có lãi. Cuộc chơi đại sứ là cuộc chơi cả đời nên chi phí cơ hội cao lắm. Họ có những trò kiếm tiền rất cò con và bẩn thỉu mà mấy người bạn tôi ở châu Phi nói, ngoài sức tưởng tượng. Bẩn đến mức không dám kể ra đây.

Gia hạn visa, cấp hộ chiếu là một trò làm tiền điển hình. Cái này cũng giống như cò công chứng, cò giấy tờ, sổ đỏ ở trong nước vậy.

Trở lại vụ ĐSQ tại Berlin thu 2 lần lệ phí 65 Euro, người cha của chàng trai Việt tâm sự rằng, con mình cũng có thể gọi là trí thức so với trên 90 triệu người Đức (không so với Việt nam vì nhà mình nhiều tiến sĩ). Nó cùng 3 bạn Đức nữa đợt này theo ước nguyện của bố mẹ nó đặc biệt là ông nó năm nay nhận 60 năm tuổi Đảng. Nó sau 7 năm học ở giảng đường nay có việc làm, mua vé cho bố mẹ về thăm quê hương. Vận động được thêm 3 bạn Đức nữa. Mà các cán bộ sứ quán đại diện cho ta vậy. Nó nói người ta cúp máy không tiếp chuyện. Mình nói có thể họ không biết tiếng Đức, nó nói: ” Bố đấy là Đại Sứ Quán CHXHCNVN của mình, … à của bố đấy. Nếu con không nhầm thì trước đó vẫn là người đấy mà”. Những lời này mong sao đến cụ Tổng – Chủ nhà mình nhưng đừng đến tai ông nó.

Facebooker Cuong Pham bình luận: Ừ, nếu ông nó biết vụ bạn gái người Đức (vừa nhận bằng thạc sỹ loại giỏi) bị ngược đãi làm cụ mất hứng mà từ chối nhận bằng 60 năm tuổi đảng thì gay. Nhưng chú cũng nên rỉ tai ông đừng phát biểu ca ngợi biết ơn ông cụ 89 thái quá kẻo làm trò cười cho mấy cháu trí thức trẻ người Đức thì cũng chả hay ho gì …

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)

Nguồn:

Kasse animation 7.8.2023