Tin nóng: Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã lan rộng đến Ba Lan

Bộ trưởng Bộ ngoại giao Ba Lan Jacek Czaputowicz đang gặp phải những câu hỏi khó trả lời của báo chí nước này về việc cho chuyên cơ Slovakia chở đoàn Bộ trưởng Tô Lâm bay qua không phận vào hôm 26.7.2017.

Sau CH Séc và Slovakia, Ba Lan là nước EU thứ ba có dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ba Lan đã cấp giấy phép cho chuyên cơ Slovakia chở Trịnh Xuân Thanh được bay ngang lãnh thổ Ba Lan. Để xin giấy phép này, Slovakei thông báo cho Bộ Ngoại giao Ba Lan rằng chuyến bay này chở một phái đoàn Slovakia đến Moscow do ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và là Phó Thủ tướng Slovakia hồi đó, dẫn đầu.

Ảnh chụp bài báo Ba Lan của Tờ Onet ra ngày 31.05.2018

Trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, báo chí Ba Lan đã rầm rộ đưa tin về một phát giác mới gây chấn động dư luận quốc tế: Chính phủ Ba Lan có dính líu đến nghi án Trịnh Xuân Thanh bị đưa lậu ra khỏi EU bằng chuyên cơ của Slovakei.

Tờ báo mạng Onet.pl của Ba Lan đã sưu tra ra vụ việc trên và cũng là tờ báo đầu tiên đăng tải tin tức này vào ngày 31.05.2018. Sau đó các trang báo mạng và tờ báo khác đã đồng loạt đưa tin.

Bài báo gây chấn động của tờ Onet đã mở đầu như sau:

Câu chuyện này giống như một bộ phim giật gân. Có một vụ bắt cóc ngoạn mục, nạn nhân bị đưa lậu qua biên giới của một số quốc gia. Có những dối trá tinh tế và mưu mô. Vấn đề là các cơ quan chức năng của một số nước đã tham gia vào việc vi phạm luật lệ. Có lẽ Ba Lan cũng vậy“.

Phái đoàn Việt Nam từ 4 người đột nhiên tăng lên 12 người

Trước đây 1 tháng, tờ nhật báo Đức TAZ đã đưa tin (xem toàn văn bản dịch ở đây):

Ba ngày sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, lúc 11:26 giờ sáng ngày 26.07.2017 bốn người Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Praha thủ đô CH Séc, với chuyến bay của hãng hàng không Czech Airlines đến từ Paris:

  • Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an,
  • Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh,
  • một quan chức cấp cao của Bộ Công an,
  • và một người hộ tống.

Họ muốn đến Bratislava thủ đô Slovakia để làm việc với Bộ Nội vụ Slovakia, ít nhất đó là nguyên cớ chính thức.

Đúng ra, bốn người này định đến Vienna thủ đô Áo vào buổi sáng và từ đó tới Bratislava. Phía Slovakia đã lo chuẩn bị xe limousine đón họ. Theo trình bày của phía Slovakia: Nhưng một ngày trước cuộc họp, phía Việt Nam đột ngột thay đổi lịch trình, họ nói rằng họ muốn được đón tại Praha và sau đó bay tới Moscow vì có một cuộc hẹn tiếp theo của Bộ trưởng Tô Lâm tại đó.

Vì vậy họ đã được Bộ Nội vụ Slovakia cung cấp một chiếc chuyên cơ Airbus A319 thuộc phi đội thường trực của chính phủ Slovakia.

Ngay sau 12:30 giờ trưa ngày thứ Tư 26.07.2017, bốn người đàn ông nói trên từ Praha đã bay đến Bratislava trên một chiếc chuyên cơ Airbus A 319 của chính phủ Slovakia. Đúng 13:15 giờ chiếc chuyên cơ hạ cánh trên sân bay Bratislava và ở đó 1 tiếng rưỡi đồng hồ.

Lúc 14:52 giờ từ sân bay Bratislava chiếc chuyên cơ lại cất cánh bay đến Moscow thủ đô Nga, chuyến bay này chở một phái đoàn Việt Nam, không phải chỉ có 4 người nêu trên mà từ 4 người đã đột nhiên tăng lên 12 người. Người ta nghi ngờ rằng Trịnh Xuân Thanh đã được đưa “chui” lên chuyên cơ này để ra khỏi EU.

Ảnh lưu trữ của không lưu về lộ trình chuyến chuyên cơ của chính phủ Slovakia ngày 26/07/2017
Chuyên cơ của Chính phủ Slovakia cho Bộ trưởng Tô Lâm mượn hôm 26.7.2017 bị nghi ngờ dùng để chở Trịnh Xuân Thanh với hộ chiếu có tên giả

Thời hạn nộp hồ sơ xin cấp giấy phép cho bay ngang lãnh thổ Ba Lan

Về chuyến bay từ Bratislava đến Moscow, các nhà báo Ba Lan của tờ Onet.pl đã bỏ công điều tra và phát hiện ra Chính phủ Ba Lan có dính líu đến chuyến bay này, sau đây là bản dịch phần quan trọng nhất của bài báo của tờ Onet.pl:

Tuy nhiên, để bay đến Moscow, chuyên cơ của Slovakia phải được phép bay qua lãnh thổ Ba Lan. Để Ba Lan có thể chuẩn thuận, Slovakia phải gửi các hồ sơ giấy tờ cần thiết cho Bộ Ngoại giao Ba Lan trong thời hạnkhông muộn hơn 10 ngày trước khi bắt đầu chuyến bay“, mà được quy định theo Điều 148 của Đạo luật Hàng không.

Trên thực tế, về việc nộp đơn xin, Slovakia chỉ có thể thực hiện sớm nhất một vài ngày trước ngày trước chuyến bay. Tờ Onet đã hỏi Bộ Ngoại giao Ba Lan rằng Slovakia đã tuân thủ đúng thời hạn nộp hồ sơ hay không? Bộ Ngoại giao Ba Lan đã không trả lời. Chúng tôi lại hỏi một lần nữa để làm sáng tỏ vấn đề, nhưng cho đến nay chúng tôi đã không nhận được câu trả lời. Do đó chúng tôi không rõ, liệu rằng Bộ Ngoại giao Ba Lan đã vi phạm luật lệ hay không, khi đệ đơn xin Chủ tịch Cơ quan Hàng không Dân dụng cấp giấy phép bay qua lãnh thổ Ba Lan.

Slovakia để tên ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia, vào chuyến bay đến Moscow

Bộ Ngoại giao Ba Lan đã trả lời câu hỏi khác của chúng tôi về hành khách được vận chuyển trên chuyên cơ của Slovakia. Theo những gì phía Slovakia đã trình bày cho Bộ Ngoại giao Ba Lan, thì chuyến chuyên cơ này đã vận chuyển một phái đoàn đến Moscow do ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và là Phó Thủ tướng Slovakia hồi đó, dẫn đầu.

Đây là một thông tin rất đáng ngạc nhiên bởi vì trước đây đã có nhiều nguồn tin cho thấy ông Kalinak ở lại Bratislava (thủ đô Slovakia) ngày hôm đó và không có một hành khách nào trên máy bay là người Slovakia (tức là không thể có một Phái đoàn Slovakia trên chuyên cơ). Trong những ngày gần đây danh sách hành khách trên chuyến chuyên cơ này đã bị rò rỉ đến tay các nhà báo Slovakia của tờ Aktuality.sk. Đây là danh sách chính thức, dĩ nhiên nó không có tên của Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, nhưng tất cả là tên người Việt Nam.

Khi nhà báo Jan Petrovic hỏi về sự khởi hành của phái đoàn Việt Nam, ông Kalinak trả lời, “Tôi không có mặt ở sân bay, tôi không thấy họ đi, tôi đã tiển đưa họ bên ngoài khách sạn Bôrik và đó là tất cả“. Một vài giờ trước khi công bố bài báo này, Bộ Nội vụ Slovakia thừa nhận rằng ông cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Robert Kalinak không ở trên máy bay.

Như vậy, rõ ràng Bộ Ngoại giao Ba Lan không hề biết những hành khách nào thực sự đã bay trên lãnh thổ của Ba Lan. Chính phủ Slovakia đã gửi hồ sơ giấy tờ giả cho phía Ba Lan.

Bài báo Ba Lan trên tờ Wp.pl ra ngày 01.06.2018 với ảnh chụp Robert Kalinak, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và là cựu Phó Thủ tướng Slovakia

Tờ Onet hỏi Bộ Ngoại giao Nga, có phải và vì mục đích gì mà ông Robert Kalinak đã dẫn đầu một phái đoàn Slovakia bay tới Moscow vào ngày 26 tháng 7 năm 2017 ? Nhưng chúng tôi không nhận được câu trả lời.

Tại sao Slovakia lại để tên ông Kalinak vào chuyến bay này của chuyên cơ và thậm chí còn cho biết rằng ông Kalinak là người dẫn đầu phái đoàn Slovakia đến Moscow? Theo thông tin của tờ Aktuality.sk, một tờ báo mạng tại Slovakia, thì “tên của ông Robert Kalinak có trong trong danh sách hành khách của chuyến chuyên cơ chỉ nhằm mục đích để dể dàng được cấp giấy phép bay qua lãnh thổ Ba Lan“. Bộ Ngoại giao Ba Lan đã không trả lời câu hỏi, có phải phía Slovakia đã gửi một danh sách hành khách đến Bộ Ngoại giao Ba Lan hay không?

Những tuyên bố mâu thuẩn, trái với sự thật của Slovakia và Việt Nam

Bài báo của tờ Onet.pl đã kết thúc bằng việc nêu ra những dối trá tinh tế và mưu mô của Slovakia:

Vào tháng 5 năm 2018, bà Denisa Sakova, tân Bộ trưởng Nội vụ của Slovakia, giải thích rằng vào tháng giêng năm nay nhà chức trách Slovakia mới nghe biết được về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Bà Sakova quên mất sự thật. Theo tờ nhật báo Đức TAZ (“Die Tageszeitung”), ngày 28 tháng 9 năm 2017 Công tố viên Liên bang Đức đã gửi văn bản nhờ Slovakia hỗ trợ trong việc điều tra vụ bắt cóc này. Đến ngày 04 tháng 10 năm 2017 đơn hỗ trợ pháp lý đã được bổ sung bằng một lệnh bắt giam Trung tướng Đường Minh Hưng, người mà đã có mặt trong cuộc họp với chính phủ Slovakia tại khách sạn Borik ở Bratislava – thủ đô Slovakia hồi 26.07.2017. Tướng Hưng bị Đức cáo buộc là người chỉ huy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Ông Peter Pellegrini, Tân thủ tướng Slovakia, phủ nhận việc Slovakia có thể tham gia vào đưa lậu Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU. Ông Minh Trọng Dương, Đại sứ Việt Nam tại Bratislava, tuyên bố rằng ông Thanh chưa bao giờ có mặt trên lãnh thổ Slovakia.

Dưới áp lực của dư luận quốc tế, Bộ Nội vụ Bộ Slovakia đưa ra một tuyên bố: “Nếu những thông tin của nhà chức trách Đức được xác nhận là đúng, thì tình mến khách của chúng tôi đã bị lợi dụng và đó là một sự vi phạm nghiêm trọng của phía Việt Nam, nó sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ song phương đang tốt đẹp giữa hai nước“.

Ảnh chụp bài báo Ba Lan trên tờ Rp.pl ra ngày 01.06.2018
Ông Robert Kalinak, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia gặp Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm hôm 26.7.2017, ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)


Kasse animation 7.8.2023