Đức tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam: Vậy đối tác chiến lược là gì?

Ngày 22/9/2017 có một sự kiện ngoại giao quan trọng và chưa từng có tiền lệ đối với Việt Nam: CHLB Đức tuyên bố tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Và như định mệnh, ngày 23/9 cũng là ngày kỉ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Đức.

Ngày hôm qua, 22/9, có một sự kiện ngoại giao quan trọng và chưa từng có tiền lệ đối với Vietnam mà không thấy báo chí trong nước Việt Nam hồ hởi đưa tin như mọi khi. Thế giới biết, khu vực biết, chỉ mỗi VTV cố tình không biết, làm cho số đông nhân dân hầu như không biết: CHLB Đức tuyên bố tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, vì nguyên nhân gì thì chắc không khó đoán. Và như định mệnh, ngày 23/9 cũng là ngày kỉ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Đức.

Trước khi bàn đến những tác động của sự kiện này, cần phải nói đôi chút về bốn chữ “đối tác chiến lược”. Đối tác chiến lược là gì?

Trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, người ta thường phân định ra thành bốn cấp độ từ thấp đến cao lần lượt là: Đối tác (partnership) – đối tác toàn diện (comprehensive partnership) – đối tác chiến lược (strategic partnership) và mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện (comprehensively strategic partnership)

Đối tác (ngành ngoại giao Việt Nam gọi bằng một từ hay hơn “đối tác chiến lược lĩnh vực”) thường dùng để chỉ quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong một lĩnh vực nào đó cụ thể mà hai nước cùng có sự tin cậy lẫn nhau và không lan sang ngành hay một lĩnh vực khác: ví dụ công ty của nước A hợp tác với công ty của nước B cùng khai thác mỏ, và chỉ thế thôi.

Đối tác toàn diện là quan hệ thông thường giữa các quốc gia đã có thể hợp tác trên mọi lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, kinh tế, môi trường, quân sự … đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa thích hợp, nên các quốc gia chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai. Tới 2017, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với 11 quốc gia: Nam Phi (2004), Chile, Brazil và Venezuela (2007), Australia và New Zealand (2009), Argentina (2010), Ukraine (2011), Hoa Kỳ và Đan Mạch (2013), Myannar (2017).

Đối tác chiến lược là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi có thể bao gồm cả lĩnh vực an ninh quân sự. Mối quan hệ này cần phải có cơ chế và chính sách để thực hiện, các hoạt động hợp tác không nhất thiết phải ở cấp cao, mà có thể diễn ra ở từng ngành hoặc địa phương chỉ cần thông qua hệ thống chính quyền hoặc sở-ban-ngành, ví dụ như một trường đại học của Đức kết hợp với Bộ Giáo dục của Vietnam để cùng tạo ra một trường đại học Đức – Việt chẳng hạn. Hiện nay, Vietnam có 15 mối quan hệ đối tác chiến lược, trong đó có Đức (2011).

Đối tác chiến lược toàn diện

Ở cấp cao nhất, đối tác chiến lược toàn diện thể hiện mối quan hệ hợp tác chặt chẽ ở cấp cao mang tính chất gắn bó lâu dài giữa hai nước, thường đòi hỏi 3 yếu tố:

–          tương đồng cao về quyền lợi và hệ thống tổ chức xã hội;

–          sự tin tưởng cao độ lẫn nhau giữa chính phủ và nhân dân hai nước;

–          sự độc lập tối thiểu phải duy trì để giữ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Mối quan hệ đối tác này cần phải có phần cứng về thể chế (institution) ví dụ: Uỷ bản hợp tác song phương Việt-Trung … và phần mềm về chính sách (policy) để vận hành.

Để dễ hình dung, một mối quan hệ lâu đời và tin tưởng nhau như đồng minh Anh- Mỹ là một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (một số nước gọi là quan hệ đồng minh).

Việt Nam hiện nay có quan hệ đối tác ở cấp này với ba nước: Nga (2012) – trung quốc (2008) và gần đây nhất là Ấn Độ (2016).

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ký kết thỏa thuận tại Hà Nội 10/2011 nâng cấp quan hệ hai nước thành quan hđối tác chiến lược 

Quay lại dòng thời gian, mặc dù thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất lâu, hơn 40 năm, ngày 23/9/1975, nhưng phải đến tận tháng 10/2011, trong chuyến thăm của thủ tướng Đức Angela Merken, lần đầu tiên cụm từ “đối tác chiến lược” mới được nhắc tới trong Tuyên bố chung Hà Nội giữa bà thủ tướng và thủ tướng Vietnam bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng. Và để có được kết quả này không phải tự nhiên mà có, mà cần tới hơn 1 năm với 8 vòng đàm phán song phương. Trong “Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Đức – mối quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai” có nhắc tới 5 lĩnh vực hợp tác then chốt gồm có:

–          hợp tác chính trị chiến lược;

–          thương mại và đầu tư;

–          tư pháp và pháp luật;

–          phát triển và bảo vệ môi trường;

–          giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.

 

Kế hoạch hành động chiến lược cụ thể của 5 lĩnh vực hợp tác nói trên gồm có một số điểm đáng chú ý như:

–          dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh (Deutsches Haus mới khánh thành ở 33 Lê Duẩn),

–          xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh,

–          dự án Ngôi nhà Việt tại Berlin,

–          tiếp tục đối thoại Việt – Đức về nhà nước pháp quyền,

–          các chương trình xử lý nước thải và kinh tế chất thải tại Việt Nam,

–          phát triển đại học Việt – Đức thành một cơ sở nghiên cứu hàng đầu,

–          mở trường dạy nghề bậc cao tại Việt Nam.

Mặc dù ở Saigon, Hanoi và các thành phố lớn, xe Mercedes và BMW cũng như các dòng xe Đức chạy đầy đường nhưng thực ra về kinh tế Vietnam mới là nước được hưởng lợi nhiều hơn trong mối quan hệ đối tác chiến lược với Đức.

Là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Châu Âu, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt giá trị gần 6 tỷ USD gồm các mặt hàng như dệt may, giày dép, cà phê, hàng nông thủy sản. Trong khi đó Đức xuất khẩu vào Việt Nam trên 2,8 tỷ USD gồm máy móc, thiết bị, ô tô, hóa chất, dược phẩm.

Về mặt ngoại giao, Đức đóng vai trò quan trọng trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EFTA) – thứ Vietnam đang rất muốn đạt được sau khi TPP đổ vỡ.

Các nhà đầu tư Đức coi Việt Nam là thị trường đầu tư tiềm năng ở Châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tính đến hết tháng 4/2017, có 285 dự án của Đức tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD, đứng thứ 5 EU và thứ 20/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khoảng 300 doanh nghiệp Đức đầu tư tại Việt Nam có các tên tuổi lớn như Siemens, Mercedes-Benz, Bosch, Deutsche Bank.

Đức còn là nhà viện trợ ODA lớn và thường xuyên cho Việt Nam với 2 tỷ USD từ năm 1990 đến nay. Chính phủ Đức đã cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA 600 triệu Euro trong giai đoạn 2015-2017. Một số dự án lớn sử dụng ODA của Chính phủ Đức như xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn. Đức cũng là đối tác quan trọng của Việt Nam trong hợp tác dạy nghề, giáo dục, văn hóa, du lịch, tư pháp-pháp luật, khoa học công nghệ…

Nhìn chung, dù là mối quan hệ đối tác gì thì cũng dựa trên một cột trụ quan trọng đó là: niềm tin lẫn nhau.

Thôi thì mình “tốt” quá, mà bạn đã không nhìn ra lại còn đòi nghỉ chơi với mình thì đành trách bạn “dốt” thôi, chẳng lẽ lại tự trách mình, ai lại thế!

Với những người có quyền quyết định và vẫn đang im lặng, Đức-Việt giờ đây chỉ còn là tên của một loại xúc xích.

Hoàng Huy

Nguồn: https://www.facebook.com/hoanghuyuk/posts/10210437827198382

Đức đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam và trục xuất tiếp cán bộ ngoại giao Việt Nam trong vòng 4 tuần.

http://thoibao.de/tin-nuoc-duc/11421/vu-trinh-xuan-thanh%3A-duc-dinh-chi-doi-tac-chien-luoc-voi-viet-nam-va-truc-xuat-tiep-can-bo-ngoai-giao-viet-nam-trong-vong-4-tuan..htm

Tựa đề do Thoibao.de đặt.

Kasse animation 7.8.2023