Từ đầu năm đến giờ, theo dõi báo chí trong nước, tôi thấy những tin tức về đầu tư của Trung Quốc tự nhiên tăng vọt ở Việt Nam. Bỗng nhiên tôi có cảm giác lo ngại, đúng ra khi nghe tin người ta đầu tư vào đất nước mình phải lấy làm vui. Có nguồn vốn, có dự án đổ vào người dân có công ăn việc làm, chính phủ có nguồn thu từ thuế. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy lo ngại.
Chắc các bạn nghĩ rằng đó là định kiến cá nhân của tôi với yếu tố Trung Quốc.
Nói đi thì cũng phải nói lại, tại sao có định kiến đấy. Người xưa bảo không có lửa làm sao có khói. Không phải nhắc lại lịch sử mấy ngàn năm chống giặc ngoại xâm mà chủ yếu đến từ phương Bắc làm gì. Chỉ cần nhìn những năm tháng gần đây thái độ của Trung Quốc ở biển Đông đã là cái cần phải nghi ngại.
Nói về kinh tế đầu tư, chúng ta thử nhìn con đường sắt trên cao Cát Linh ở Hà Nội do các nhà thầu Trung Quốc, do các khoản vốn bay từ Trung Quốc đang thế nào.?
Dự án lúc đầu được tính mức vốn tổng đầu tư là 552,86 triệu USD. Trong đó có 419 triệu USD vay từ Trung Quốc với lãi suất ưu đãi 4% một năm. Nhìn thì tưởng đây là mức giá ưu đãi có lợi cho Việt Nam và Trung Quốc đã có lòng tốt, nếu so với mức giá bán trái phiếu quốc tế ở lãi suất mức trung bình 6,5% một năm.
Tuy nhiên không khó khăn gì để thấy rằng trái phiếu quốc tế tuy hơn 2,5% lại được quyền chủ động đầu tư vào đâu, chọn nhà đầu tư nào, chọn công nghệ nào.
Còn ở đường sắt Cát Linh phía Trung Quốc cho ta bay lãi suất thấp hơn, nhưng ta phải chọn công nghệ của họ, nhà thầu của họ và vật liệu cũng từ họ. Đã thế, thời gian lại bị kéo dài hàng năm so với dự tính thiệt hại về lãi suất một ngày là 50 nghìn usd, cứ thế nhân lên với hàng trăm ngày bị chậm con số sẽ là bao nhiêu ?
http://news.zing.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-cham-tien-do-lai-vay-1-2-ty-dongngay-post744800.html
Cuối cùng cú nặng nhất là đội vốn lên đến mấy chục phần trăm, Việt Nam muốn xong dứt điểm phải nằn nì xin bay Trung Quốc thêm 250 triệu USD nữa.
Tính ra có rẻ hơn việc phát hành trái phiếu quốc tế ? Cầm tiền về mở dự án cho đấu thầu, tổng thầu nào làm không đủ, không đúng bị phạt tiền. Như thế có hơn không.?
Đấy là chưa kể đến những dự án khác điển hình như Bô Xít ở Tây Nguyên.
Mới đây thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự diễn đàn hợp tác kinh tế Asean ở Phnom Penh có chào bán những tập đoàn nhà nước, các đối tượng chú ý muốn mua đa phần là những nhà đầu tư Trung Quốc. Cái này tôi nghĩ chúng ta cần đánh giá lại cẩn thận, không thể vì thành tích tăng trưởng mà làm vội. Có thể yêu cầu của các nhà đầu tư Trung Quốc không khắt khe như những nhà đầu tư quốc tế khác, bởi sự nhìn nhận về pháp luật nước ta trong mắt giữa những nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế khác nhau.
Đây là cái chúng ta cần điều chỉnh để có sự công bằng trong đánh giá của những nhà đầu tư, đấy là mấu chốt của sự đổi mới bền vững mang tính chiến lược lâu dài. Không thể trước áp lực tăng trưởng hay trả nợ mà tặc lưỡi bán cho nhà đầu tư nào vì họ ” hiểu và thân ” với chúng ta , nên họ không đòi hỏi ” khắt khe ” như những nhà đầu tư khác.
Trong lúc TPP không thực hiện được, ý tưởng ” Một vành đai, một con đường ” của Trung Quốc có phải là cái phao cứu vớt cho những hoạch định mà chúng ta chờ đón ở TPP hay không.?
Với chúng ta thì hiệp định nào mang lợi cũng tốt, dù cho có TPP rồi càng có thêm nhiều hiêp định kinh tế nữa càng tốt. Tuy nhiên thì việc chủ trương mở rộng kinh tế của quốc gia nào cũng còn có nhiều lợi ích khác, không phải chỉ vì kinh tế mà còn về an ninh quốc gia, chính trị ngoại giao, chủ quyền quốc gia.
một vành đai, một con đường của Trung Quốc
Con đường tơ lụa hay cái gọi là một vành đai, một con đường của Trung Quốc không phải chỉ là con đường trên bộ mà các nhà buôn xưa kia cưỡi lạc đà qua sa mạc buôn bán qua lại giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Đông. Con đường ngày nay mà Trung Quốc đưa ra còn có những tuyến đường trên biển, đi qua khu vực biển Đông.
Tham dự diễn đàn của Trung Quốc về con đường tơ lụa, chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam sẵn sàng tham gia những hiệp ước mang lại lợi ích đôi bên, nhưng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, hiến chương Liên Hợp Quốc.
Chúng ta đều rõ rằng trong tranh chấp ở biển Đông, Việt Nam ta đã kiên trì đòi hỏi Trung Quốc phải chấp hành công ước quốc tế về biển năm 1982, chấp hành điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc về gìn giữ hoà bình, trong khi tranh chấp pháp lý không được gia tăng những động thái quân sự như đưa vũ khí, quân lính, xây dựng công trình phục vụ chiến tranh…
Lời nhắc đanh thép của người đứng đầu nhà nước ta giữa hội nghị Trung Quốc chủ trì, cho thấy sự cảnh giác với mọi động thái của Trung Quốc không phải chỉ có ở những người dân đen Việt Nam. Cho dù là những hiệp định kinh tế như miếng bánh ngọt ngào, nhưng cuộc đời không có cái gì là dễ dàng cả, không có cái gì không phải trả giá. Nếu cảnh giác thì không bị sơ hở phải trả giá quá thiệt thòi.
Cần lắm những người lãnh đạo có sự sáng suốt, trách nhiệm với vận mệnh quốc gia như vậy.
Một vị nguyên thủ quốc gia có lương tâm sẽ phát biểu trên cương vị mình đang lãnh nhận trách nhiệm của đất nước giao phó. Nhưng có những vị nguyên thủ quốc gia phát biểu với quốc gia khác vì bản thân mình, dẫn đến sợ mất đi sự ủng hộ với bản thân mình của nguyên thủ quốc gia đối tác.
Làm người lãnh đạo, đứng đầu một quốc gia phải lấy lợi ích quốc gia làm hàng đầu.
Việt Nam cần lắm những người lãnh đạo như vậy.
Trần Đình Thành – Berlin