Trong những ngày gần đây, dư luận trong nước xôn xao về thông tin Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị hội nghị Trung ương 5 xem xét kỷ luật Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Để giúp bà con Việt Kiều sinh sống tại nước ngoài, hiểu rõ hơn về thông tin này. Ngày 2.5.2017 Thoibao.de có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Doãn Đôn, cựu chiến binh, cựu cán bộ, Đảng viên đảng CSVN hiện đang sinh sống tại Đức về đề tài này.
Cuộc trao đổi giữa Lê Trung Khoa của Thoibao.de và ông Nguyễn Doãn Đôn.
Chào ông, rất vui khi ông nhận lời cuộc toạ đàm này. Xin ông giới thiệu cho độc giả của Thoibao.de biết đôi chút về bản thân mình.
Tôi là Nguyễn Doãn Đôn, năm nay tuổi đã ngoài 60. Hiện sinh sống tại Berlin, CHLB Đức. Tôi đi bộ đội từ năm 1973, đến năm 1977 tôi được kết nạp vào đảng CSVN tại sư đoàn 320 B. Sau khi được kết nạp vào Đảng, tôi được cử đi học tại CHDC Đức và tiếp theo đó tôi làm phiên dịch. Tính ra đến nay tôi đã tròn 40 tuổi đảng.
Đảng viên Nguyễn Doãn Đôn 1977 được kết nạp vào đảng CSVN từ năm 1977 tại sư đoàn 320 B
Thưa ông, là một người thường xuyên có bài viết gửi đến Thoibao.de cũng như có nhiều ý kiến phản hồi trong các bài viết có tính thời sự. Điều đó cho thấy ông là một người rất quan tâm đến tình hình đất nước. Chắc hẳn trong mấy ngày gần đây, ông có xem những tin tức xoay quanh Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét Trung ương kỷ luật. Ông có thể chia sẻ với bạn độc những nhận định của mình về việc này không.?
Vâng, đây là vấn đề mà tôi cũng đang theo dõi những ngày qua. Quả thực thời bây giờ khác xa với thời chúng tôi ngày xưa quá. Ngày trước chúng tôi đi lính, hy sinh xương máu, cống hiến tuổi thanh xuân, vì nước vì dân, có nhiều thành tích rồi được xem xét kết nạp, một lòng lý tưởng theo Đảng. Tôi không ngờ đến giờ mà đất nước ta cái nạn tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm hoành hành như vậy. Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giương cao ngọn cờ chống tham nhũng là việc làm đúng đắn và cấp bách. Trước tiên tôi tán thành với chủ trương của Đảng là phải triệt để chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có đối tượng nào ngoại lệ. Tôi xin nhấn mạnh ở đây là
“Triệt để, không có ngoại lệ, không có vùng cấm“
Nhưng tôi cũng phải nói với anh và các bạn đọc thế này. Khi nói thế, có nghĩa người ta hiểu rằng gọi Bộ chính trị là vùng cấm, uỷ viên Bộ chính trị là ngoại lệ. Bây giờ lôi một hay hai uỷ viên BCT xử tội tham nhũng, lãng phí, liệu thế có phải là đáp ứng đầy đủ tiêu chí không có vùng cấm, không có ngoại lệ không? Nhìn thì tưởng là đúng đấy, nhưng chưa đủ, mà cái chuyện chống tham nhũng này chưa đủ thì dễ thành sai, dễ thành bị lợi dụng, từ đó chẳng chống được tham nhũng mà có khi còn diệt một để nuôi ba.
Xin ông nói chậm, và rõ hơn về việc này.
Tôi nói ví dụ, trong bộ chính trị không chỉ có một hay hai ông tham nhũng, mà có đến 5 ông thì sao.? Giờ xử lý một hay hai ông rồi bỏ qua các ông kia, thành ra là giúp các ông ấy tự tin hơn, có khi lại còn đi khoe là mình trong trắng. Vì có tội như hai ông kia thì Đảng đã xử rồi. Khoe bên ngoài là thế, chứ bên trong là đi đe doạ kẻ yếu thế hơn mình mà thôi. Đấy, anh nghĩ xem nếu thế có phải là chống tham nhũng để nuôi tham nhũng không.?
Xin nhắc lại với ông và cũng như các bạn, ở đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng vì những thiếu sót quản lý, buông lỏng, làm thất thoát…không có từ nào kết tội ông Đinh La Thăng là đối tượng tham nhũng. Chúng ta làm báo ở nước ngoài, cần minh bạch theo văn bản, không kết tội ai theo dư luận đồn thổi. Tội danh tham nhũng là tội danh thuộc phạm trù luật hình sự, với tội danh này dễ gây bức xúc cho dư luận. Một số nhà báo ở Việt Nam dùng Facebook để kết tội ông Đinh La Thăng tham nhũng này nọ. Đó là ở Việt Nam, còn ở đây nếu chúng ta sử dụng không chính xác hoặc kết tội như các nhà báo ở Việt Nam kia thì chúng ta phải hầu toà trước. Về những trường hợp tự do ngôn luận ở Việt Nam và Đức có nhiều cách áp dụng khác nhau. Ví dụ ở Việt Nam một người này lên án một vị uỷ viên BCT kia bị bắt tù vì điều 258 , nhưng một nhà báo hay nhiều nhà báo khác lên án một uỷ viên Bộ Chính Trị khác lại không bị sao. Đây là cái khác nhau về tự do ngôn luận ở Việt Nam và ở đây. Có lẽ về việc này chúng ta sẽ trao đổi ở dịp khác, tôi xin lỗi cắt ngang và đưa câu chuyện xa trọng tâm, nhưng ý tôi muốn nói chúng ta bám sát chủ đề, tránh bị những tai nạn nghề nghiệp, vì ông cũng hiểu luật ở đây, tội vu khống bị xử rất nghiêm khắc.
Vâng, cám ơn anh đã nhắc nhở. Nhưng xin thưa với anh từ đầu đến giờ tôi cũng chưa gắn ông Đinh La Thăng với tội danh tham nhũng. Tôi chỉ nói đến chủ trương chống tham nhũng của Đảng mà thôi. Chính vì những nhà báo như ông nói tố cáo ông Đinh La Thăng tham nhũng, trong khi đó cũng nhiều người khác họ cũng tố cáo các ông khác tham nhũng, sai phạm. Vì thế mà tôi mới đặt vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam có đúng là triệt để, không có vùng cấm, không có sai phạm hay không.? Hay là chỉ diệt một để nuôi ba.? Rồi chẳng những chống tham nhũng không được lòng dân, người ta phát hiện ra lại biết là thanh trừng phe phái, này nọ thì còn mang tiếng hơn.
Vậy ông nghĩ làm thế nào để cuộc chống tham nhũng được triệt để, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.?
Theo tôi muốn thế thì phải công khai, minh bạch, khách quan và công bằng. Để cho toàn dân được tham gia phát hiện và đóng góp ý kiến. Chứ tôi thấy những vụ việc vừa qua toàn thấy ông Tổng bí thư, ông Thủ tướng đọc báo thấy tin rồi chỉ đạo như vụ Trịnh Xuân Thanh, tôi thấy thế thì mông lung lắm, tự nhiên tôi cảm giác thiếu niềm tin. Vụ việc như thế mà chỉ vì lãnh đạo cao cấp đọc báo mới biết và chỉ đạo làm rõ sai phạm. Thử hỏi nếu báo không đưa, lãnh đạo không đọc, đọc nhưng không chỉ đạo vì bận việc khác…vân vân lý do..thế thì bỏ qua sao.? Chống tham nhũng như thế chả khác gì đi câu, may thì trúng được con nào thì trúng, mà đi câu thì anh biết đó là giải trí là chính. Còn người ta muốn triệt để là phải tát ao, phải dùng lưới vét. Tôi thấy kiểu chống tiêu cực mà do lãnh đạo đọc báo biết mà chỉ đạo nó chả khác nào đi câu. Chống tham nhũng, tiêu cực kiểu thế thì hoang mang quá, may rủi quá anh ạ.
TBT Nguyễn Phú Trọng đọc báo
(Còn tiếp…).
Trung Khoa – Thoibao.de