Tham nhũng từ đâu mà ra? Thực phẩm bẩn từ đâu mà có?

Một số người Việt nhà mình có cái tật do lâu nay thấm vào máu nên khó dứt bỏ đi được. Đó là: Nói thì hay, nhưng làm thì nhiều cái „không ngửi được“. Âu cũng là do tính cách của người nhà mình. 

Vì tham lam vô đỗi nên dẫn đến vô minh mà làm xằng bậy. Ai cũng bảo người Việt sống „rất tình cảm“. Người nước ngoài họ không ăn đời ở kiếp với mình, không hiểu sâu và cụ thể được, chỉ nhìn cái „vỏ“ ngoài họ cũng đánh giá thế. Ngoài ra họ còn khen là người nhà mình niềm nở (sehr freundlich). Vì lúc nào cũng „sẵn sàng cười“- cười một cách rất hào phóng. Họ cười cả những lúc cần phải có sự nghiêm túc. Không ít người Việt sử dụng nụ cười không đúng lúc đã làm cho người Đức hiểu lầm.

Tôi đọc ở đâu đó câu thành ngữ:  „bề ngoài thơn thớt nói cười…“

Cười rất tươi với những người mang lợi đến cho mình, nhưng cũng rất „dẻo mỏ“ trong những lúc nhờ vả. Tùy theo đối tượng giao tiếp,  mà họ tự dựng màn kịch một cách chóng vánh, toát lên tính khiêm nhường, tôn trọng và khúm núm (thật thì ít mà giả thì nhiều) của mình. Từ đó mà tâng bốc, đề cao cái tôi của đối tượng để họ dễ „vào đề“. 

Với người Việt, những từ đại loại như: „trăm sự nhờ bác“, „bác thông cảm“, „Gia đình em đội ơn bác suốt đời“, „bác rón tay làm phúc giúp em, em sẽ không bao giờ quên ơn“, „em cắn cỏ lậy bác, chỉ có bác mới giúp được em“, „Số phận gia đình em là gửi gắm cả vào bác“, „thật phúc cho dòng họ, tổ tiên mình có bác“. „em  được phép gặp bác, quý hóa quá…“  v.v…Rất nhiều những câu nói „xun xoe“ ấy phát ra từ miệng ở bất cứ ai khi họ muốn nhờ vả đến đối tượng mình cần để mang lại lợi ích riêng cho cá nhân. Tùy theo mức độ, tính chất của mối quan hệ và hoàn cảnh mà không cần đưa quà hay có quà hoặc là đưa phong bì „dầy mỏng“ khác nhau kèm theo.

Từ những lời hoa mỹ và nỉ non ấy lại cộng thêm bổng lộc kèm theo sẽ làm cho người được người ta nhờ đến  siêu lòng mà không giải quyết bằng lý mà  „chặc lưỡi“  chuyển sang giải quyết bằng tình, bằng sự thông cảm và bất luật đã định. Từ đó sự nghiêm minh và kỷ cương mất dần. Đến mức nào đó thì thành loạn.

Cũng bởi thế mà thuyết chính ta của Khổng Tử rất quan trọng đối với người lãnh đạo.

Ngày xưa, học xong khi đi xin việc, cái thời chúng tôi  chưa „phát minh“ ra „Văn hóa phong bì“ nên thường mọi người đi bằng vật chất. Có người nghèo xác xơ, đói ăn và thiếu mặc.  Cả nhà nhờ vào sản lượng  sào lúa tẻ của cô vợ quanh năm chân lấm tay bùn ở quê. Gà nuôi thì được hai con mái để nó đẻ trứng, có cái lòng trắng, lòng đỏ nghiền tinh ra mà dầm vào lưng bát nước mắm quấy lên; Một quả trứng cho cả nhà ăn thoải mái. Thế mà đến khi đi xin việc, họ hỏi được địa chỉ nhà riêng của người cần quan hệ, xẩm tối là mang quà đến biếu ông Trưởng phòng tổ chức hẳn một yến gạo nếp và con gà trống thiến. Ngày đó họ nói hay như trong phim Hàn Quốc bây giờ – Đại loại: Chẳng nói dấu gì Thủ trưởng, nhà em ở quê, vợ em nó cấy được sào lúa nếp và nuôi được mấy con gà. Thủ trưởng thì giúp em rất nhiều. Đây cũng là sản phẩm quê hương, của nhà làm ra. Chẳng đáng là bao. Chúng em xin thủ trưởng nhận để khỏi phụ lòng của vợ chồng em ạ…

Thủ trưởng nhìn thấy bao gạo to, con gà lại béo, nhẹ giọng: Chú vẽ vời quá đó nghe, lại còn quà với cáp. Anh giúp được là anh giúp thôi. Vợ chồng chú đặt vấn đề thế thì anh chối sao được. Thôi cho anh chị xin…    

Thấy của là sáng mắt lên, nhưng thực sự là có thể đang mù, cộng với cách nghĩ, lời ăn tiếng nói dẫn đến hành động và hiệu quả của việc làm nhiều lúc rất „lôm côm“. Có những mối quan hệ phức tạp qua nhiều tầng, nhiều lớp, không thành „văn bản“. Khi để lộ ra chuyện không hay là thành mối bòng bong bùng nhùng mà có hệ thống không gỡ ra được.  Ai là người đứng lên gỡ, gỡ từ đâu, gỡ như thế nào?…  

Lòng hám DANH, tham LỢI của số ít người nhà mình từ quan đến dân lại vô đáy. Chỉ nghĩ đến cá nhân mình nên quên đi những cái hại mà mình mang  đến làm người khác  phải gánh chịu, ảnh hưởng xấu tới xã hội và lớn hơn nữa là hại tới cả dân tộc. Con người khác con vật cũng là ở mối tương quan, tương hỗ với toàn xã hội. Người Đức, xã hội Đức khác người Việt, xã hội Việt cũng là từ đó mà ra.

Số ít dân đen thì do phận „con ong, cái kiến“ nên không tham nhũng được thì chuyển sang „chơi“ kiểu khác. Cứ có lãi, có lời là lao vào làm. Miễn là có tiền còn hậu quả thì thiên hạ lãnh không thèm quan tâm. Họ học mót, học lỏm rất nhanh và bắt chước rất khéo về những thủ thuật, mánh khóe để làm ăn bậy bạ cho ra tiền. Đó là nguyên nhân thực phẩm bẩn và đầy hóa chất tràn lan ngoài thị trường.

Cái đó không những hại cho người sống mà ngay hương hồn người chết cũng bị vạ lây. Một mâm ngũ quả, một nậm rượu, con gà… nếu chúng ta không cẩn thận thì dâng lên tiến cúng cũng là „đồ đểu“ luôn. Tôi rất buồn mỗi khi thắp nén hương dâng lên bàn thờ, mùi bốc ra khét lẹt như đốt củi mục. Thật đau lòng biết bao, đến nén hương bây giờ do người sản xuất muốn ăn lời nhiều, cạnh tranh vô học, bất lương và không lành mạnh nên làm cũng không còn được tử tế như xưa. Ai mà biết được trong nén hương thiêng liêng ấy mà ta thắp gửi sang thế giới bên kia, trong đó chứa chấp nguyên liệu gì?

Có lúc tôi tự nghĩ mà trách một số ít người Việt mình. Hình như họ sinh ra chỉ là để bóc lột và làm khổ người khác, làm khổ cả những người quá cố mà thôi…

Nguyễn Doãn Đôn 

Kasse animation 7.8.2023