Nước Đức đang đứng trước một vấn đề nan giải là xã hội lão hóa, trong khi giờ đây đã thiếu lực lượng điều dưỡng viên có chuyên môn. Vì vậy, bang Sachsen-Anhalt đang muốn đào tạo nhiều điều dưỡng viên Việt Nam để lấp chỗ trống. Trong một dự án thí điểm, 22 người Việt đang được đào tạo thành điều dưỡng viên và trong tương lai sẽ còn nhiều khóa học nữa.
Trong thời khóa biểu của trường đào tạo điều dưỡng viên Innova ở Hettstedt có môn lịch sử. Trong lớp có 11 học viên Việt Nam và 5 học viên Đức. Tại sao phải học môn lịch sử trong trường đào tạo điều dưỡng viên? Thầy giáo Olaf Pienkny cho rằng điều này chẳng có gì bất thường. Bởi vì những người già cả hiện nay đã sống phần lớn cuộc đời trong thế kỷ 20. Những điều dưỡng viên chăm sóc người già cũng cần có kiến thức để có thể tiếp xúc, chuyện trò với những người cao tuổi. Việc giao tiếp rất quan trọng trong công việc điều dưỡng, chăm sóc người già.
Phạm Hiệp ngồi ở hàng ghế thứ hai. Chàng trai 26 tuổi này sang Đức cách đây 5 tháng, chạy trốn nạn thất nghiệp ở thành phố cảng Hải Phòng, Việt Nam. Anh cho biết: „Tôi đã học đại học, trở thành kỹ sư ngành đóng tàu, nhưng sau khi học xong thì không có cơ hội kiếm được việc làm. Tôi muốn học ở nước ngoài và việc học nghề điều dưỡng, chăm sóc người già là một cơ hội mới đối với tôi“. Mỗi tháng anh phải trả 120 Euro cho khóa học đào tạo thành điều dưỡng viên, bang Sachsen-Anhalt trả phần còn lại.
Hiệu trưởng Mathias Bardl hy vọng rằng có càng nhiều học viên Việt Nam tốt nghiệp được càng tốt. Bởi vì nhu cầu hiện nay đã không thể đáp ứng được. Ông Bardl cho biết: „Số học sinh học hệ Realschule (học xong chương trình sau 11 năm) ngày càng giảm. Cũng rất ít người thất nghiệp có thể chuyển sang làm điều dưỡng viên, nên chúng tôi không thể giải quyết được vấn đề trầm trọng trong tương lai này“.
Nhằm khép kín lỗ hổng này, ở Đức người ta đã thử nhiều cách như tuyển điều dưỡng viên từ Tây Ban Nha, Ba Lan, Hungari. Nhưng tuyển điều dưỡng viên từ Việt Nam, cách xa 10.000 km là một sự táo bạo đối với cả hai bên. Nhằm trả tiền vé máy bay và tiền đào tạo, các gia đình Việt Nam thường phải dồn tất cả tiền để dành được. Giáo viên Pienkny nhận xét: „Trước tiên người ta phải làm quen với tính cách người Việt, vì người ta không nói „Không“. Họ chỉ cúi đầu vì lịch sự, đúng là họ rất lễ phép. Điều này rất phù hợp trong nghề điều dưỡng“. Nhưng nhiều người Việt Nam lại gặp khó khăn khi học tiếng Đức.
Việc đào tạo điều dưỡng viên cũng khác lạ với họ. Dĩ nhiên là ở Việt Nam cũng có điều dưỡng viên chăm sóc người ốm. Nhưng nhà dưỡng lão? Phạm Hiệp lắc đầu: „Ở Việt Nam người già sống trong gia đình với con cái, không ở trong nhà dưỡng lão như ở Đức“. Sau khi học xong, Hiệp muốn ở lại Đức làm việc và gửi một phần thu nhập về nhà“.
Hiệu trưởng Bardl đã lên kế hoạch cho những học kỳ sau. Ông cho biết: „Với những kinh nghiệm tốt mà chúng tôi thu được, chúng tôi có ý định vào mùa hè tới sẽ nhận thêm 30 học viên Việt Nam nữa và cuối mùa thu cũng nhận thêm 30 người“. Bardl không biết cuối cùng họ có ở lại vùng Mansfelder Land không, nhưng ông hy vọng vào điều đó. Bởi vì ở những thị trấn nhỏ của bang Sachsen-Anhalt rất thiếu điều dưỡng viên. Người Việt Nam có lẽ không chỉ lễ phép, mà cũng chung thủy và họ sẽ ở lại.
Văn Long – Thoibao.de (Theo báo chí Đức)