Tô Tổng chém gió như Bác, Trịnh Văn Quyết “thở ô xy” và căn bệnh chế độ!

Ngày 25/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tô Lâm cho họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV. Ông Tổng bí thư Đảng Cộng Sản phát biểu rằng: 

“Đại hội Đảng lần thứ XIV có ý nghĩa quan trọng mang tính bước ngoặt, là mốc son đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”; là thời điểm tiến hành mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đồng thời đặt ra yêu cầu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự chuyển biến, đột phá mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Nói thật dài dòng nhưng về tham vọng thì Tô Lâm giống với Bác Hồ của ông ở chỗ, muốn “Việt Nam sánh vai cùng cường quốc năm châu”. Tuy nhiên, đã qua gần 80 năm, Việt Nam có sánh vai được với cường quốc nào hay không thì lịch sử đã chứng minh. Với thể chế này, với nền giáo dục này Việt Nam đã mất rất nhiều cơ hội để vươn mình. Hiện nay Việt Nam vẫn đang lẹt đẹt với nhóm nước thu nhập trung bình thấp và tình trạng dân số đang già đi trong khi đất nước chưa đạt ngưỡng phát triển.

Cùng ngày với ông Tô Lâm chém gió là phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết-một doanh nhân được cho là “thành đạt” một thời. Hiện sức khỏe của ông Quyết được cho là rất yếu, đang “thở oxy”. Điều đáng nói là sự suy sụp của ông Quyết cũng đúng với sự suy sụp của tập đoàn FLC-sản phẩm do ông Quyết dựng lên.

Loại hình doanh nghiệp kiểu FLC là loại doanh nghiệp điển hình trong thể chế chính trị này. Từ chỗ chính trị thối nát, một loại doanh nghiệp dựa hơi chính trị mọc lên để hưởng lợi chính sách. Đặc điểm của loại doanh nghiệp này “lớn nhanh như thổi” tựa như “Thánh Gióng” trông rất hoành tráng. Tuy nhiên, đằng sau nó là hình thức kinh doanh đầy thủ đoạn và phi pháp. Loại kinh doanh này có dựa trên sự bảo kê chính trị. Khi sự bảo kê chính trị không còn, doanh nghiệp sụp đổ như loại lâu đài trên cát. FLC của Trịnh Văn Quyết, Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan, Tân Hoàng Minh của Đỗ Anh Dũng, Phúc Sơn của Hậu Pháo và Thuận An của Nguyễn Duy Hưng vv…

Cái gọi là “kỷ nguyên vươn mình” của ông Tô Lâm sẽ vẫn giữ nguyên những yếu tố làm nên nền kinh tế mục rỗng. Đấy là hình thức doanh nghiệp dựa hơi quyền lực chính trị vẫn được đảm bảo. Việc triệt hạ những Phúc Sơn, Thuận An vv… không có nghĩa là Tô Lâm dẹp bỏ loại hình doanh nghiệp tư nhân trá hình này mà ngược lại, ông ta dẹp nó để Xuân Cầu của Tô Dũng có không gian rộng để phát triển. Rồi những nhân vật như Lương Tam Quang hay Nguyễn Duy Ngọc cũng không bỏ lỡ cơ hội, các ông này ắt cũng đã dựng lên doanh nghiệp sân sau để khai thác lợi thế chính trị hiện có. 

Ở Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp đều có tuổi đời rất trẻ. Rất hiếm doanh nghiệp tư nhân lớn nào có tuổi đời đến 50 năm. FLC của Trịnh Văn Quyết là doanh nghiệp rất trẻ mà đã đến “ngày tàn” phải chống chọi từng ngày để tồn tại. Nó yếu vì nó không có nội lực. Nội lực ở đây được hiểu là sự làm ăn chân chính không dựa vào thủ đoạn không dựa hơi quyền lực chính trị bảo kê. Khi loại doanh nghiệp này mất quyền lực chính trị, nó như con nghiện thiếu thuốc phải sống vật vã.

Tô Lâm vẫn chưa thể hiện được tầm. Có lẽ khả năng của ông chỉ đến thế. Cũng chỉ “chém gió” như Bác Hồ của ông từng “chém” trong lá thư gởi học sinh ngày khai trường năm 1946, và cũng như Bác ông chém trong các khẩu hiệu như “vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người” ấy thôi. Sẽ chẳng có sự “vươn mình” nào khi mà ông vẫn giữ thể chế đó, vẫn nuôi loại doanh nghiệp thân hữu như thế.

Thái Hà -Thoibao.de