“Miếng phó mát trên bẫy chuột” của Lương Tam Quang sẽ bẫy dân ra sao?

Theo các điều 5, 6 và 7 của Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định, các cá nhân hay tổ chức, khi cung cấp thông tin phản ánh về vi phạm giao thông, có thể được thưởng đến 5 triệu đồng của 1 vụ. Nghị định này được áp dụng từ ngày 1/1/2025.

Tuy là Nghị định của Chính phủ, nhưng từ đề xuất của Bộ Công an. Những quyền lợi của cảnh sát giao thông, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang đều mượn tay Chính phủ ra văn bản, để có giá trị pháp lý cao hơn văn bản do Bộ trưởng ký.

Đáng chú ý, trước đó, từ ngày 15/11/2024, Bộ Công an đã áp dụng Thông tư 46/2024 của Bộ này, để loại bỏ quyền giám sát cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm ghi hình của người dân.

Như vậy, có thể xảy ra tình huống, người vi phạm giao thông lại là cảnh sát. Khi đó, người cung cấp clip về vi phạm giao thông để kiếm 5 triệu đồng tiền thưởng, có thể bị vướng Thông tư 46/2024. Và khi đó, thay vì được thưởng, có thể họ sẽ bị xử phạt.

Rõ ràng, có thể thấy, Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ chẳng khác nào “miếng phó mát trên bẫy chuột”, người dân cần phải tỉnh táo, nếu không sẽ sập bẫy của Lương Tam Quang.

Đây là một biến tướng của loại luật áp dụng cho tất cả, “trừ tao”. Dạng mẫu này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, khi ưu tiên suất đặc biệt cho chính ông. Nay, Bộ Công an nhân rộng lên để bảo đảm cho công an được ăn bẩn một cách hợp pháp.

Dân lỡ vi phạm một lỗi nhẹ, thì chính quyền phạt thật nặng. Nhưng qua phạm tội tày đình, thì vẫn được bảo vệ, thậm chí là bảo vệ bằng luật. Vậy mà, nhà cầm quyền vẫn ra rả rằng, “nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân, và vì dân”.

Sinh thời, thi sĩ Bùi Giáng từng viết rằng:

“Một tay cầm súng AK

Một tay viết luật chết cha đồng bào.”

Sau bao nhiêu năm, cách quản lý và vận hành đất nước của chế độ này vẫn như vậy. Đảng Cộng sản vẫn ỷ vào cây súng AK trên tay, để viết luật rất tùy tiện. Cụ thể là, cùng một vi phạm như nhau, người dân thì bị đấu tố, bị phạt nặng, nhưng quan chức thì không hề hấn gì, vì họ được chế độ bảo vệ.

Quốc hội của chế độ này được xem là “Đảng hội”, bởi gần như 100% là đảng viên Đảng Cộng sản. Trong đó, quan chức từ Trung ương đến địa phương lại làm “đại biểu nhân dân”, ngồi đấy chỉ để gật những chính sách của Đảng. Luật do cơ quan lập pháp ban hành không được xây dựng từ nhu cầu của người dân, mà từ ý muốn của Đảng. Những luật mà dân cần, như luật biểu tình, bị treo suốt bao năm qua, bởi nó được giao cho Bộ Công an soạn thảo.

Đã vậy, hệ thống luật pháp ở đất nước này bị rối loạn, do các văn bản dưới luật được coi trọng hơn bản thân các luật và bộ luật. Chính phủ và các bộ trưởng ký không biết bao nhiêu là văn bản dưới luật, như quyết định, nghị định, thông tư vv.. để điều hành.

Ở các nước dân chủ vẫn tồn tại văn bản dưới luật, thường là các “sắc lệnh hành pháp” của Tổng thống. Tuy nhiên, các văn bản này là sự cụ thể hóa luật, không chồng chéo và không phủ định luật. Nguyên tắc áp dụng vẫn tuân thủ chặt chẽ thứ bậc hiệu lực pháp lý của hệ thống văn bản pháp luật.

Với cách làm luật  ở Việt Nam, người dân sẽ bị thiệt hại đủ đường, bị chính quyền gài bẫy “dài dài”, mà không có cách nào ngăn chặn.

Nếu “miếng phó mát trên bẫy chuột” này đem đến sự an toàn cho ngành công an, thì tại sao những bộ ban ngành khác lại không nhân rộng mô hình này?

Cả bộ máy nhà nước đang thi nhau trục lợi từ người dân, nên họ rất sợ bị dân phát hiện và tố cáo, vì vậy, họ sẽ nghĩ ra thêm nhiều cách, để tạo ra các loại văn bản dưới luật, nhằm bẫy dân và bảo vệ chính họ, như cách ông Lương Tam Quang đã làm.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de