Cán bộ cấp cao sẽ không bị “tinh giảm”

RFA Tiếng Việt ngày 1/1/2025 cho hay “Tinh gọn bộ máy: cán bộ cấp cao vô sự, cán bộ Đảng được trợ cấp bằng tiền ngân sách”.

Theo đó, Bộ Nội vụ Việt Nam hôm 31/12/2024 đã tổ chức họp báo, nhằm cung cấp thông tin về kế hoạch sắp xếp lại bộ máy chính trị, cụ thể là chính sách đối với những đối tượng bị ảnh hưởng.

RFA cho biết, Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 100 ngàn người bị mất việc, trong đợt cắt giảm nhân sự bộ máy lần này. Và số tiền mà ngân sách nhà nước phải chi trả chế độ cho những người bị ảnh hưởng, lên tới 130 ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo thông tin được Bộ Nội vụ đưa ra, không có cán bộ cấp cao nào bị ảnh hưởng trong đợt sa thải quy mô lớn này.

RFA dẫn lời ông Nguyễn Quang Dũng, Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng của Bộ Nội vụ, cho biết trong cuộc họp báo rằng, lãnh đạo cấp cao đã thống nhất sẽ “bố trí” lại các thứ trưởng, “không đồng chí nào nghỉ cả”.

Đảng Cộng sản trước đó đã công bố kế hoạch hợp nhất 14 bộ và cơ quan ngang bộ.

RFA cũng cho biết, theo Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, mỗi bộ chỉ được có không quá 5 thứ trưởng. Riêng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, và Bộ Ngoại giao thì được phép có không quá 6 thứ trưởng.

Đại diện Bộ Nội vụ không cung cấp thông tin cụ thể về việc các thứ trưởng, và bộ trưởng thuộc các bộ bị hợp nhất sẽ được “bố trí” công việc gì.

Theo RFA, một thông tin đáng chú ý khác liên quan đến chế độ đối với những công, viên chức bị mất việc.

Bộ Nội vụ cho biết, đã điều chỉnh chính sách trợ cấp cho những đối tượng bị ảnh hưởng theo hướng tăng lên.

Cụ thể, trước đó, nhà nước muốn lấy mức lương đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức trợ cấp, thì nay sẽ dùng “tháng lương hiện hưởng”. Điều này có nghĩa, số tiền trợ cấp sẽ được nâng lên, do tháng lương hiện hưởng thường cao hơn mức lương đóng bảo hiểm xã hội, vì còn bao gồm các phụ cấp khác.

Vẫn theo RFA, ngoài những công, viên chức của bộ máy hành chính, ngân sách nhà nước còn phải chi trả trợ cấp cho cán bộ ngạch Đảng bị mất việc trong quá trình cắt giảm nhân sự.

Chuyện ngân sách nhà nước phải gồng gánh 2 bộ máy – Đảng và nhà nước – dẫn đến mức chi thường xuyên trở nên quá lớn, đã được đề cập nhiều lần.

Tuy nhiên, trong chiến dịch tinh gọn bộ máy của do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động, không nhắc gì đến hiện trạng này.

Trước đó, ngày 28/12, RFA đăng bình luận ‘“Liệu pháp sốc” tinh gọn bộ máy của Tô Lâm sẽ định hình tương lai Việt Nam thế nào?”, của tác giả Huỳnh Trần.

Theo tác giả, việc Tổng Bí thư Tô Lâm phát động cuộc cải cách thể chế, trước hết là “tinh gọn bộ máy”, là một trong những điều “bất ngờ” lớn nhất. Tác giả nhận xét, sự thay đổi được chờ đợi nhưng kết quả khó lường.

Qua quan sát, có thể thấy, cấu trúc chính trị về cơ bản không thay đổi, nhưng luật pháp, hành chính và nhân sự đang có những chuyển động. Những “lo ngại” có chiều hướng tăng lên, về thất nghiệp, giảm thu nhập và gia tăng bất bình đẳng, đặc biệt đối với các nhóm dân cư yếu thế, hoàn cảnh khó khăn…

Vẫn theo tác giả, câu hỏi quan trọng nhất vẫn là, động lực tăng trưởng, phát triển trong “kỷ nguyên mới” là gì? Liệu “kỷ nguyên mới” sẽ cân bằng với cuộc “cách mạng” tinh gọn thế nào?

Tác giả cho rằng, bước sang năm 2025, con đường cách mạng tinh gọn bộ máy của Đảng vẫn đầy gian nan, thử thách. Dù các cải cách khởi đầu cho thấy sự quyết tâm và tiềm năng, nhưng chi phí xã hội và kinh tế sẽ tiếp tục định hình tương lai của đất nước. Liệu cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị này sẽ mang lại một “phép màu” thay đổi, hay cái giá nhất định phải trả, khi người dân đứng ngoài cuộc của cuộc cải cách thể chế này? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.

 

Ý Nhi – thoibao.de