So sánh món quà năm mới 2025 của Thái Lan và Nhà nước độc đảng ở Việt Nam

Ngày 28/12, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Tiến sĩ  Nguyễn Sĩ Dũng đã đưa ra đánh giá: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nếu tính về thu nhập, trong thời gian đổi mới, thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên tới 20 lần”.

Tuy nhiên, phát biểu kể trên của ông Dũng chưa kịp làm “ấm lòng” người dân, cùng thời điểm Bộ Công thương lại đưa ra đề xuất làm “tê tái” lòng người tiêu dùng. Theo đó, tới đây, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu sẽ rút ngắn là 2 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, thay vì 3 tháng như hiện nay.

Nghĩa là, việc điều chỉnh giá điện bình quân mỗi năm sẽ tăng từ 4 lên 6 lần, và khả năng cao việc điều chỉnh giá điện ở Việt Nam theo thông lệ chỉ có tăng chứ không giảm. Được biết, trong năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã 2 lần tăng giá điện với tổng mức tăng 7,5%, làm gia tăng gánh nặng chi phí cho xã hội.

Tin tức vừa kể đã khiến cho mạng xã hội của người Việt dậy sóng, nhiều ý kiến đặt câu hỏi, tại sao “nhóm lợi ích” của ngành điện vẫn còn tiếp tục tác oai tác quái cho đến nay mà vẫn chưa bị xử lý?

Trong những năm gần đây, tình trạng hoạt động của các “nhóm lợi ích” trong ngành điện lực và Bộ Công thương đã thu hút sự quan tâm của công luận trong nước và quốc tế. Theo Báo Chính Phủ, việc tăng giá điện được EVN cho là nhằm bù đắp chi phí sản xuất, và đảm bảo cung cấp điện ổn định.

Tuy nhiên, việc tăng giá điện thường xuyên, liên tục cũng đặt ra câu hỏi về tác động đến đời sống người dân và nền kinh tế. Theo đó, ông Trần Tuấn Anh, khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương, đã bị cáo buộc dung túng cho EVN tự quyết định tăng giá điện lên đến 20% mỗi năm, vượt quá thẩm quyền quy định.

Đáng chú ý, về sự độc quyền và thiếu minh bạch của ngành điện lực, mặc dù EVN báo cáo lỗ, nhưng nhiều công ty con của tập đoàn này lại có lãi, và gửi hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân hàng.

Các nhóm “lợi ích” này bị cáo buộc lợi dụng quyền lực để thao túng giá điện và chính sách năng lượng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia và đời sống của người dân. Điều này dẫn đến việc EVN kinh doanh thua lỗ triền miên, nhưng lại chuyển gánh nặng lên người tiêu dùng thông qua việc tăng giá điện năng.

Công luận đã đặt câu hỏi, tại sao Đảng và Nhà nước không từ bỏ độc quyền lĩnh vực kinh doanh điện? Phải chăng, đây một chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, lâu nay luôn muốn duy trì EVN như là một con “ngáo ộp”. Đồng thời, Nhà nước sử dụng EVN như một thứ bung xung, với mục đích để trút hết mọi lỗ lã vào việc tăng giá điện, buộc người dân phải gánh chịu thay cho Nhà nước.

Việc tổng chỉ huy nhóm lợi ích của ngành điện lực, không ai khác là cựu Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương Trần Tuấn Anh, đã tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích trục lợi. Nhưng cuối cùng vẫn không bị xử lý, và vẫn bình an vô sự là một minh chứng.

Theo giới chuyên gia, sự tồn tại của các nhóm lợi ích trong thị trường điện Việt Nam, đã dẫn đến sự thiếu tin tưởng của các nhà đầu tư. Từ đó đã gây cản trở cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống quản lý của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước của họ.

Công luận đã đặt câu hỏi, tại sao Chính phủ Thái Lan công bố một loạt chính sách, nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế vào đầu năm 2025, bao gồm việc giảm giá vé tàu điện ngầm, giảm giá nhà ở, đồng thời cam kết sẽ giảm giá điện và tăng lương tối thiểu nhằm giảm chi phí sinh hoạt, và nâng cao đời sống cho người dân.

Còn nhà nước Việt Nam, dù vui đón năm mới nhưng vẫn không quên việc bòn rút của dân chúng?

 

Trà My – Thoibao.de