Vì sao kinh tế cuối năm 2024 dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm ảm đạm chưa từng thấy?

Theo truyền thông nhà nước, tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục phát triển, và có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Các dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2025 phần lớn mang tính tích cực. Các chuyên gia dự báo sự tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt bình quân từ 6,1% đến 7,5%.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và đầu năm 2025 sẽ đối mặt với nhiều thách thức, do những biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu.

Điều đó hoàn toàn phù hợp với những thông tin trên mạng xã hội cho rằng, những ngày cuối năm, nhiều cửa hiệu ở Hà Nội và Sài Gòn đã dừng kinh doanh. Nhiều cửa hàng trên mặt phố bị bỏ trống và gắn bảng cho thuê.

Báo VNExpress ngày 23/12 đưa tin, tình trạng khách ngừng thuê cơ sở kinh doanh tại một số quận trung tâm ở Hà Nội có xu hướng gia tăng. Bản tin cho hay, nhiều mặt bằng ở các đường phố sầm uất ở khu trung tâm Hà Nội như Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Phố Huế, Bà Triệu… đã rơi vào tình trạng bỏ trống nhiều tháng chưa có khách thuê.

Trong lúc, chỉ còn khoảng chưa đầy một tháng nữa là Tết Nguyên Đán. Theo đó, thời gian cuối năm Dương Lịch đến Tết Nguyên Đán được xem là mùa mua sắm bậc nhất trong mỗi năm. Nhưng bước sang năm mới 2025, tình hình thực tế báo hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ hết sức ảm đạm.

Những điều vừa kể có liên quan gì đến tình trạng bất ổn chính trị tại Việt Nam, đã và đang diễn ra một cách kéo dài dường như không có hồi kết. Điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân như thế nào?

Trước hết, nó sẽ tác động đến nền kinh tế, kéo theo việc giảm đầu tư nước ngoài, và sự bất ổn chính trị đã làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính và khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp. Cũng như chiến dịch chống tham nhũng dẫn đến tình trạng tê liệt hành chính, khiến nhiều dự án bị đình trệ.

Trong 3 năm từ 2021 đến 2023 vừa qua, Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài do không thể giải ngân kịp thời. Việc này ảnh hưởng đến sự phát triển hạ tầng và các chương trình xã hội, cũng như tác động đến cuộc sống, thu nhập và cơ hội việc làm của người dân.

Theo hãng tin Reuters, chiến dịch chống tham nhũng gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư, và sự ổn định kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khu vực gia tăng đáng kể. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lần lượt rời bỏ Việt Nam, bởi những thay đổi bất thường, liên tục từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao.

Đồng thời, việc tinh gọn bộ máy hành chính tại Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2024 cũng đã khiến nền kinh tế đang phải đối mặt với một số thách thức. Nhất là, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt thời hạn hoàn thành việc tinh gọn bộ máy vào quý 1/2025.

Chủ trương tinh giản bộ máy đã dẫn đến tâm lý lo lắng của các cán bộ, công chức. Nhiều công chức, viên chức lo ngại về nguy cơ mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập thường xuyên. Đây là lý do, một bộ phận “người nhà nước” đã phải thắt lưng, buộc bụng.

Tóm lại, tình trạng bất ổn chính trị tại Việt Nam đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân, đồng thời làm giảm niềm tin của cả người dân và nhà đầu tư vào triển vọng phát triển của đất nước.

Đây cũng chính là lý do, lượng khách mua sắm hiện nay ở các chợ truyền thống đã giảm đáng kể so với mọi năm, hoạt động kinh doanh, buôn bán hết sức ế ẩm như đã thấy.

 

Trà My – Thoibao.de