Bà Bùi Thị Minh Hoài – Bí thư Thành ủy Hà Nội, là phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị hiện nay.
Trước đây, Vương Đình Huệ từng ngồi ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội trước khi vào “Tứ trụ”, tuy nhiên hiện nay, bà Hoài chỉ là đang ngồi tạm ghế này, chờ người khác thay thế. Bà không có ai hậu thuẫn để cơ cấu vào “Tứ trụ”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội là một chiếc ghế đầy triển vọng. Ông Nguyễn Phú Trọng từng ngồi ghế này trước khi vào “Tứ trụ” giữ chức Chủ tịch Quốc hội, sau đó leo lên ghế Tổng Bí thư. Chính vì là ghế “bệ phóng”, nên việc đấu đá, tranh giành khốc liệt đối với chiếc ghế này, đã khiến một số người không trụ nổi, có thể kể đến như ông Hoàng Trung Hải, hay ông Đinh Tiến Dũng.
Bà Hoài được sắp xếp vào ghế này, là giải pháp vá víu tạm thời, trong hoàn cảnh Bộ Chính trị rụng đến 7 người, mà chẳng bên nào chịu nhường ghế bệ phóng cho đối thủ. Vậy nên, chọn một phụ nữ không phe phái là một giải pháp an toàn, để các bên tạm an tâm.
Hồi tháng 7, khi ông Tô Lâm chưa lên ghế Tổng Bí thư, thế và lực của phe Hưng Yên chưa mạnh như bây giờ, việc đồng ý để một phụ nữ ngồi vào ghế bệ phóng, là kế hòa hoãn nhất thời. Có lẽ, ông Tô Lâm cho rằng, để tạm một phụ nữ không có hậu thuẫn ngồi đấy, sau này sẽ dễ hất hơn là một mày râu có vây có cánh.
Cho đến lúc này, bà Hoài mới chỉ ngồi ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội hơn 5 tháng, nhưng xem ra, ghế của bà đang lung lay. Bởi Tô Lâm đang muốn đưa ông Nguyễn Duy Ngọc vào bệ phóng, để vào được Bộ Chính trị trước Đại hội 14.
Từ trước đến nay, phụ nữ tham gia vào giới lãnh đạo khá ít, tham gia Bộ Chính trị còn ít hơn. Trước đây có bà Tòng Thị Phóng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Trương Thị Mai, nay có bà Bùi Thị Minh Hoài. Trong số này, chỉ có bà Trương Thị Mai là bị võ sĩ mày râu nặng ký hạ gục giữa nhiệm kỳ. Có lẽ, bà Tòng Thị Phóng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân may mắn hơn bà Mai, là vì họ là uỷ viên Bộ Chính trị dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng cầm quyền. Ông Trọng đã hạ gục nhiều đấng mày râu, kể cả có “số má” như ông Ba Dũng, thế nhưng, ông không ra tay với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, dù bà nghiêng về phe Ba Dũng.
Có lẽ, ông Tô Lâm khác với ông Trọng, trước phụ nữ hay nam nhi, Tô Lâm đều không chùn tay. Đó là lý do khiến bà Mai phải giã từ sự nghiệp chính trị.
Nhưng đối với một phụ nữ chỉ mới ngồi ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội hơn 5 tháng, chưa dính phốt gì đáng kể, nếu ông Tô Lâm ra tay thì rất khó ăn nói với dư luận, thậm chí với Đảng của ông. Cho nên, có khả năng, bà Hoài sẽ bị luân chuyển một lần nữa, để nhường bệ phóng lại cho đàn em của Tô Lâm.
Nếu ông Tô Lâm giành được ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ tay Trần Cẩm Tú, thì đấy là một giải pháp toàn vẹn cả đôi đường. Ông vừa có thể hoán đổi bà Hoài vào ghế của ông Trần Cẩm Tú, vừa có thể chuyển ông Nguyễn Duy Ngọc sang bệ phóng, để nắm chắc vé Ủy viên Bộ Chính trị.
Tô Lâm đang từng bước thâu tóm toàn bộ quyền lực. Bắt đầu từ Bộ Công an, giờ đến Ban Bí thư, nơi ông cần phải làm chủ hoàn toàn, để hoàn thành thế chân vạc giữa Bộ Công an và Ban Bí thư. Trong đó, ông cần đưa Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị càng sớm càng tốt, vì ông Ngọc được chọn để thay thế ông Trần Cẩm Tú ở ghế Thường trực Ban Bí thư.
Từ thế chân vạc vững chắc, Tô Lâm sẽ tính đến thế kiềng 3 chân, với Bộ Quốc phòng là chân trụ thứ 3. Trên con đường thực hiện tham vọng ấy, không có chỗ cho sự “cao thượng”. Vậy nên, bà Bùi Thị Minh Hoài khó có thể giữ được ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội.