Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý đồ gì khi bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh?

Việc Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh vào chức vụ Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã gây ra nhiều tranh cãi về tính hợp lý, và sự tuân thủ quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Ông Đặng Xuân Thanh được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từ năm 2018. Trong quá trình công tác, ông Thanh đã mắc một số khuyết điểm và bị kỷ luật cảnh cáo về đảng và chính quyền vào năm 2022.

Theo thông báo kết luận của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, ngày 27/9/2022, ông Đặng Xuân Thanh bị kết luận là “không trung thực” do khai gian thâm niên công tác, để tham dự kỳ thi nâng ngạch nghiên cứu viên chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ngày 29/8/2023, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh vào vị trí Phó Chủ tịch. Đến ngày 18/12, Báo Điện tử Chính phủ đăng tải bài viết: “Việc bổ nhiệm lại chức vụ đối với ông Đặng Xuân Thanh là đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Theo đó, Bộ Nội vụ đã thẩm định và trình Ban Cán sự Đảng, Chính phủ, cũng như Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bổ nhiệm lại ông Thanh. Ban Cán sự Đảng, Chính phủ đã họp, thảo luận và đề nghị rà soát kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Sau khi tham khảo ý kiến từ Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc bổ nhiệm lại ông Thanh được các cơ quan Chính phủ xác định là đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, khác với sự giải thích từ phía Chính phủ, việc bổ nhiệm lại các cán bộ đã từng bị kỷ luật, đã khiến dư luận xã hội không đồng tình, và bày tỏ lo ngại về việc liệu các quyết định bổ nhiệm này có thực sự tuân thủ quy trình, và minh bạch hay không, hay chỉ mang tính hình thức.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ về hiện tượng “mua quan bán chức” trong hệ thống chính quyền, khi một số cán bộ bị kỷ luật ở vị trí này lại được bổ nhiệm vào vị trí khác, thậm chí cao hơn.

Theo quy định, ông Đặng Xuân Thanh phải bị thu hồi quyết định bổ nhiệm nghiên cứu viên chính và hủy bỏ các chức vụ trước đó có được do gian lận. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Đặng Xuân Thanh đang trong thời gian bị kỷ luật cảnh cáo, là đối tượng thuộc diện xem xét miễn nhiệm, lại được cho phép bổ nhiệm lại như vậy?

Hơn thế nữa, kể từ ngày 1/12, Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn, để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước. Do đó, Quyết định số 1526/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh là trái với nghị quyết của Bộ Chính trị, cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư?

Trong khi Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đưa ra cảnh báo rằng, việc tinh gọn có thể đụng chạm đến lợi ích của nhiều lãnh đạo cấp cao, sẽ gây ra phản ứng tiêu cực. Từ đó, tình trạng chạy chức, chạy quyền, hay việc mua bán, hối lộ, để đạt được vị trí hoặc quyền lực trong bộ máy nhà nước, đã và đang là một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam.

Theo giới phân tích, trước thềm Đại hội 14, mối quan hệ giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính được đánh giá là rất căng thẳng và nảy sinh cạnh tranh gay gắt, khi cả 2 đều có tham vọng lớn trong việc củng cố quyền lực và ảnh hưởng chính trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm đang triển khai chiến dịch tinh gọn bộ máy chính trị, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, chiến dịch này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều cá nhân và nhóm lợi ích, bao gồm cả Thủ tướng Phạm Minh Chính.

 

Trà My – Thoibao.de