Ngày 28/8, Quốc hội họp kỳ bất thường lần thứ 8, trong khi chỉ mới có 9 kỳ họp chính thức.
Ở kỳ họp này, cũng như những kỳ họp bất thường trước đó, chủ yếu là để Quốc hội thông qua những nội dung mà Trung ương Đảng đã quyết trước đó. Mâm quyền lực sau khi Tô Lâm lên ngôi có nhiều xáo trộn, và các kỳ họp bất thường vì thế cũng dày hơn. Từ nay đến Đại hội 14 chỉ còn hơn 1 năm nữa, chắc chắn, sẽ còn thêm nhiều kỳ họp bất thường nữa, vì cuộc đấu cung đình vẫn chưa đến hồi kết.
Ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ chức Tổng Bí thư gần 3 nhiệm kỳ, và cứ nhiệm kỳ sau thì lại đánh nhau dữ dội hơn nhiệm kỳ trước. Ở nhiệm kỳ đầu, ông Trọng chủ yếu là tìm lại sức mạnh cho vị trí Tổng Bí thư, vốn đã bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lấn át trước đó. Sau khi thành công, ông lại “thừa thắng xông lên”, lập nên “cái lò” nổi tiếng, để đánh những cá nhân và các nhóm không chịu thuần phục ông. “Lò” cháy ngày một mạnh, và sang đến nhiệm kỳ thứ 3 của ông thì “lò” đã mất kiểm soát. Lúc này, “lò” của ông đã quay lại đốt cháy cả cột nhà ông, khiến cho Đảng trở nên loạn hơn bao giờ hết.
Lá bài “chống tham nhũng không có vùng cấm” đã được Tô Lâm tiếp bước ông Trọng sử dụng. Khi Tô Lâm chiếm được “lò” của ông Trọng, Tô Lâm cho đốt luôn vùng cấm của ông Trọng, khiến cho Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai ngã ngựa.
Có thể nói, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không khác gì “bãi chiến trường”, liên tục đánh nhau và liên tục tổ chức các cuộc họp bất thường, để chia chác lại thành quả của các trận đánh. Cũng nhờ đánh nhau mà thế lực Hưng Yên, với nòng cốt là Bộ Công an, mới có thể ngoi lên thành thế lực mạnh nhất trong Đảng. Và chắc chắn, điều này sẽ tạo tiền đề cho luật chơi trong Đảng về sau. Bất kỳ thế lực nào muốn trở nên hùng mạnh, thì phải đè bẹp các thế lực có khả năng cạnh tranh. Luật chơi này do nhóm Hưng Yên dẫn dắt và thực hiện, rồi nó sẽ trở thành luật bất thành văn trong Đảng.
Luật “mạnh thắng yếu thua” do Tổng Trọng đặt nền móng, và Tô Lâm kế thừa. Không những thế, Tô Lâm còn phát triển luật này lên “tầm cao mới”, với những quyết định trắng trợn hơn, bất chấp hơn, khi mà ông “đè đầu cưỡi cổ” cả Bộ Chính trị.
Hiện nhóm Hưng Yên đang có sức mạnh vô đối. Nếu có một nhóm nào đó ngoi lên, muốn truất phế nhóm Hưng Yên, thì cuộc chiến quyết liệt mới lại nổ ra, và khi đó, “chiến trường” sẽ càng trở nên loạn hơn. Mặt khác, cho dù nhóm Hưng Yên không bị cạnh tranh, nhưng nếu muốn giữ vị thế độc tôn, thì họ cũng phải thường xuyên “làm cỏ” phần còn lại.
Quốc hội khóa 15 đã họp bất thường đến 8 kỳ, nhưng không có một kỳ họp nào bàn về những vấn nạn quốc gia, về an sinh cho 100 triệu dân. Quốc hội liên tục họp bất thường, nhưng kinh tế đất nước chẳng hề được cải thiện, quan hệ ngoại giao cũng không thay đổi. Tất cả nội lực trong Đảng chỉ để dành cho việc đấu đá, tranh giành quyền lực. Một đảng như thế thì làm sao đủ tư cách lãnh đạo đất nước? Tuy nhiên, vì độc quyền cai trị, nên Đảng vẫn nắm quyền – đây là bất hạnh lớn cho đất nước.
Lá bài “làm trong sạch Đảng” của ông Trọng đã bị biến tướng. Dù hô hào chống tham nhũng từ năm này sang năm khác, dù “lò” cháy phừng phừng từ tháng này sang tháng nọ, nhưng tham nhũng đã không giảm, lại còn tăng lên. Quan sau còn tham kinh khủng hơn quan trước.
Bòn sức dân để làm giàu và mua chức. Mua được vị trí thấp thì lại muốn vị trí cao hơn, nên lại đánh nhau để giành chức giành quyền.
Kết quả, chỉ có dân là luôn phải chịu thiệt, đất nước bị bòn rút kiệt quệ, chứ Đảng chẳng hề sạch hơn. Đấy là cái hại to lớn mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại.
Trần Chương – Thoibao