Tô Lâm là con người đầy tham vọng, khi mới lên Chủ tịch nước, Tô Lâm tham vọng kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an. Thế rồi Phạm Minh Chính kết thúc tham vọng của Tô Lâm bằng cách đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng khiến cho Tô Lâm phải vất vả chiến đấu mới trám Lương Tam Quang vào. Và hiện nay Tô Lâm vẫn muốn kiêm nhiệm Tổng bí thư và Chủ tịch nước nhưng nhưng liệu ông có hoàn thành tham vọng hay không?
Nếu kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước và Tổng bí thư thì phải chấp nhận sống chung với Lương Cường – một sản phẩm của Nguyễn Phú Trọng trong Ban bí thư. Còn nếu muốn đẩy Lương Cường khỏi ban bí thư, Tô Lâm phải hy sinh chức Chủ tịch nước.
Rõ ràng trong 2 trường hợp trên, Tô Lâm phải đánh đổi. Không thể muốn cả 2 mà phải chọn, được A thì buông B và ngược lại. Khi Tô Lâm bị đẩy vào tình huống như thế, điều đó có nghĩa là sức mạnh của ông vẫn chưa tuyệt đối. Cho Lương Cường về vườn để vừa kiêm nhiệm 2 chức vừa làm trống Ban bí thư thì khi đó Tô Lâm mới chứng tỏ sức mạnh vô đối của mình. Cho nên, Tô Lâm cần củng cố sức mạnh thật vững chắc rồi mới áp đặt mọi yêu cầu lên phần còn lại và buộc họ phải gật đầu vô điều kiện.
Tuy Tô Lâm giành được nhiều thắng lợi quan trọng như đưa Lương Tam Quang vào ghế Bộ trưởng, đưa Lương Tam Quang vào Bộ chính trị vv… nhưng đấy là những lần đấu tranh, ngã giá rất căng thẳng chứ không phải dễ dàng đạt được. Nếu muốn an toàn trên chiếc ghế Tổng bí thư, Tô Lâm cần phải củng cố rất nhiều mới dễ dàng áp luật chơi. Một khi còn vất vả giành giật thì lúc đó Tô Lâm vẫn còn nguy hiểm, thế lực Hưng Yên vẫn chưa phải là vô đối.
Tô Lâm hiện nay đang chứng tỏ là con người toan tính. Ông ta không còn cho mọi người thấy ông chỉ là “tướng võ biền” như dưới thời Nguyễn Phú Trọng, mà giờ đây ông biết cân nhắc từng nước đi trên bàn cờ chính trị.
Việc kéo Trần Lưu Quang về Ban kinh tế Trung ương là nước cờ có tính toán. Củng cố Ban Bí thư thực sự mạnh là ưu tiên hàng đầu. Một khi trong Ban bí thư mà có kẻ không nghe lời hoặc có kẻ âm thầm phá hoại kế hoạch của Tổng bí thư thì lúc đó Tô Lâm làm sao đủ quyền lực để mà áp đặt ý muốn lên trên Bộ Chính trị và Trung ương Đảng?
Hiện nay thế lực Hưng Yên là mạnh nhất nhưng vẫn chưa tuyệt đối. Từ chỗ mạnh nhất đến khi thành thế lực vô đối là cả một quá trình đầy chông gai chứ không dễ dàng. Tô Lâm đang sắp xếp lại Ban bí thư và Tiểu ban Nhân sự Đại hội, nếu làm tốt, thì Đại hội 14 sắp tới sẽ là bước ngoặt để Tô Lâm đẩy nhóm Hưng Yên lên thành nhóm có sức mạnh vô đối. Bằng không thì Hưng Yên sẽ chững lại và các nhóm khác sẽ có cơ hội trỗi dậy.
Công thức thành công của ông Nguyễn Phú Trọng đã rõ ràng. Có thể nói, sức mạnh chính trị của ông Tô Lâm trở thành vô đối đã có bản thiết kế. Việc của Tô Lâm là thực hiện bản thiết kế sao cho hoàn hảo nhất. Nếu đi nước cờ chính trị nào thiếu cân nhắc thì rất có thể về sau Tô Lâm sẽ nhận hậu quả khôn lường, bởi Tô Lâm có nhiều kẻ thù hơn Nguyễn Phú Trọng.
Tô Lâm có cái lợi là có công thức sẵn để chế biến “món” chứ không như ông Trọng phải mất 5 năm đầu đi tìm công thức. Tuy nhiên, thời ông Trọng đối thủ ít hơn bây giờ. Với ông Trọng, quật ngã Nguyễn Tấn Dũng sẽ thành thế lực vô đối. Nhưng với Tô Lâm, giờ đây phải đối phó nhiều thế lực, trong đó có thể kể ra như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Thanh Hóa vv…
Một đối thủ bao giờ cũng dễ đối phó, nhiều đối thủ thì mức độ khó hơn gấp bội. Đấy là chưa nói đến khả năng nhiều đối thủ có thể liên minh để chống lại Hưng Yên.
Bài toán của Tô Lâm có phần dễ hơn ông Nguyễn Phú Trọng và cũng có phần khó hơn. Hãy đợi xem, Tô Lâm thực hiện những nước cờ tiếp theo như thế nào?!
Trần Chương-Thoibao.de