Loại Thưởng, Huệ, để Tổng Trọng ngồi tiếp ghế Tổng lần thứ 4: Sự thật hay tin đồn?

Trong cuộc đua giành ghế Tổng Bí thư tại Đại hội lần thứ 14 sắp tới, có nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Tô Lâm đang nỗ lực cản đường và triệt hạ các ứng viên tiềm năng khác trong Đảng, để bảo đảm cho việc ông giành ghế Tổng Bí thư từ ông Trọng.

Tuy nhiên, một số ý kiến trái chiều cho rằng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm vẫn chỉ đang tiếp tục hỗ trợ cho Tổng Trọng trong công cuộc “đốt lò”.

Trong bài bình luận mới nhất của BBC Việt ngữ, liên quan tới việc bắt cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đã đưa ra một thông tin:

“Trung tướng Xô cho biết thêm, khi lãnh đạo Ban chuyên án báo cáo Tổng Bí thư về một số vụ án trọng điểm, Tổng Bí thư đã khen ngợi Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.”

Bên cạnh đó, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn bình luận “Vương Đình Huệ bị loại, mở đường cho nhiệm kỳ thứ tư của Nguyễn Phú Trọng”. Theo tác giả, chỉ trong vòng 16 tháng đã có 3 uỷ viên Bộ Chính trị hàng “Tứ trụ” phải khăn gói ra đi, theo một thủ tục đặc biệt gọi là “xin thôi”. Trong 3 trường hợp này, trường hợp ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ là khó hiểu đối với người dân.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề, “cứ cho là ông Thưởng mất chức vì để người thân nhận tiền của Công ty Phúc Sơn cách đây 13 năm, còn ông Huệ phải ra đi vì để cho Trợ lý Phạm Thái Hà mượn danh trục lợi từ doanh nghiệp”. Và đây chính là điều vô lý, bởi việc kiểm soát nội bộ Đảng luôn được ưu tiên hàng đầu, và do nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhằm kiểm chứng chéo lẫn nhau…

Tác giả thắc mắc, với những sai phạm cũ và kéo dài, vì sao ông Thưởng và ông Huệ có thể vượt qua những tiêu chí khắt khe đối với sự lựa chọn nhân sự cấp cao, qua những kỳ Đại hội Đảng gần đây, để tiến lên những vị trí cao nhất – hàng “Tứ trụ”? Và vì sao, những sai phạm này không được phát hiện từ sớm?

Câu trả lời của nhà báo Nguyễn Anh Tuấn rất đơn giản: “vì người nắm quyền tối cao – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – muốn như vậy”.

Giả thuyết này cho thấy, kịch bản nhân sự Tổng Bí thư của Đại hội 13, dường như sẽ được tái lập trong kỳ Đại hội sắp tới.

Còn nhớ, tại Hội nghị Trung ương cuối cùng trước Đại hội 13, đa số các ý kiến không đồng thuận với việc để ông Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban Bí thư, kế nhiệm chức vụ Tổng Bí thư. Và chỉ chờ có thế, Tổng Trọng đã tuyên bố, “nếu Trung ương không đồng ý, thì tôi sẽ tiếp tục gồi lại”, kèm theo lời hứa chỉ ngồi nửa nhiệm kỳ, như đã từng hứa ở Đại hội khóa 12.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng:

“Vào lúc Trung ương phải quyết định phương án nhân sự chủ chốt, sẽ không còn một lựa chọn khả dĩ nào khác ngoài ông Trọng cho vị trí Tổng Bí thư. Ông Trọng sẽ điềm nhiên tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4, với lời biện bạch quen thuộc rằng, dù tuổi cao, sức yếu, năng lực có hạn, song không thể thoái thác nhiệm vụ Đảng và Nhân dân giao phó.”

Theo giới quan sát, Tổng Trọng luôn viện cớ là chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy, để ông phải tiếp tục làm thêm một nhiệm kỳ. Đáng chú ý, tất cả các nhân vật từng được cho là “kế cận” ghế Tổng Bí thư, đều bị bất ngờ loại bỏ, như Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng… hay mới đây là Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, và sắp tới, có thể là Trương Thị Mai.

Theo giới phân tích, có rất nhiều vấn đề đằng sau cho thấy, ông Trọng sẽ không chấp nhận rời bỏ quyền lực. Bởi ông đã và đang nghĩ tới quy luật, “Cá ăn kiến rồi có ngày kiến ăn cá”.

Nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng sẽ được hợp thức hóa bằng việc sửa đổi Điều lệ Đảng – ở kỳ Đại hội 14 tới đây. Việc sửa đổi này từng được chính ông Trọng công bố lần đầu tiên vào tháng 2/2024, và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên, nếu điều khoản giới hạn 2 nhiệm kỳ với chức danh Tổng Bí thư sẽ được gỡ bỏ.

Với quyền lực hiện tại, nếu muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4, ông Trọng có thể cứ thế mà ngồi lại, vì rất ít người dám thách thức vị trí của ông. Tuy nhiên, ông Trọng đã từng bị điều tiếng tại Đại hội 13, khi ông tiếp tục nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ 3, bất chấp Điều lệ Đảng.

Bởi vậy, có thể khẳng định, Tổng Trọng đang nỗ lực mở đường cho nhiệm kỳ thứ 4 của ông. Điều này dường như vô lý trước cách hành xử lạm quyền của ông Tô Lâm, nhưng cũng rất đáng quan tâm./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023