Dù tăng hạng, Việt Nam vẫn là quốc gia bóp nghẹt tự do báo chí

Ngày 3/5, VOA Tiếng Việt cho hay “RFS: Việt Nam vẫn là quốc gia “tồi tệ nhất” về tự do báo chí”.

Theo đó, hôm 3/5, tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã xếp Việt Nam thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí, do “cầm tù nhà báo có hệ thống”, khiến Việt Nam nằm trong nhóm nước có nền báo chí “tồi tệ” nhất thế giới.

VOA dẫn lời bà Aleksandra Bielakowska, quan chức truyền thông khu vực châu Á – Thái Bình Dương của RSF, nêu nhận định:

“Mặc dù tăng 4 bậc trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm nay, điểm tổng thể của Việt Nam giảm xuống (-2,27) và quốc gia này vẫn nằm trong số 10 vùng lãnh thổ tồi tệ nhất thế giới về việc bảo vệ quyền thông tin.”

“Với 35 nhà báo hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù, nơi tình trạng ngược đãi lan rộng, Việt Nam là một trong những nơi giam giữ tồi tệ nhất đối với các nhà báo.”

Những người bảo vệ tự do báo chí dám thách thức các bản tin của Chính phủ trên mạng xã hội, đã bị giam cầm một cách có hệ thống, với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, mà điển hình là nhà báo độc lập Lê Minh Thể – một nhà bình luận chính trị, bị kết án hai năm rưỡi tù, vì đăng các bài viết về ô nhiễm môi trường và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, vẫn lời bà Bielakowska.

VOA nhắc lại, vào năm ngoái, sau khi bị RSF xếp hạng gần cuối sổ – 178/180 – về tự do báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ, nói rằng “bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí” năm 2023 của RSF, một lần nữa khẳng định “sự thiếu khách quan, sai thực tế và quy chụp của RSF về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam”.

VOA cho biết, giới hoạt động trong và ngoài nước tranh đấu cho tự do báo chí Việt Nam, bày tỏ sự đồng tình với bảng xếp hạng của RSF.

VOA dẫn chia sẻ của bà Huỳnh Thị Tố Nga ở Sài Gòn, người từng bị kết án 5 năm tù giam về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, nói:

“Tôi không ngạc nhiên hay bất ngờ về bảng xếp hạng này, vì bao nhiêu năm qua, tự do báo chí Việt Nam hầu như đứng cuối bảng.”

“Nhà cầm quyền Việt Nam xem bảng xếp hạng này là không trung thực, nhưng người dân trong nước biết rằng, hầu như, báo chí của Việt Nam đều bị Đảng Cộng sản kiểm duyệt.”

VOA cũng dẫn lời bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam – tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, cho rằng:

“Tự do báo chí được đề cao trong Hiến pháp của Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn, nhưng trong thực tế, những nhà báo, blogger, người sử dụng Internet bày tỏ ý kiến ôn hòa, đã bị bắt liên miên theo những điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự của Việt Nam.”

“Xếp hạng của RSF rất đúng với thực tế tại Việt Nam”.

VOA cho hay, theo bảng xếp hạng của RFS năm nay, trong số 10 quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo, thì có 5 quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là Việt Nam (174/180), Trung Quốc (172/180), Myanmar (thứ 171/180), Triều Tiên (177/180), và Afghanistan (178/180).

Theo RFS, nhiều chính phủ đã tăng cường kiểm soát mạng xã hội và Internet, hạn chế quyền truy cập, chặn tài khoản và chặn các tin nhắn qua mạng.

VOA cho biết thêm, năm nay, Hoa Kỳ bị tụt 10 bậc, đứng thứ 55/180 theo xếp hạng của RSF, khi nước này chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, trong bối cảnh công chúng ngày càng mất lòng tin vào các phương tiện truyền thông – điều này một phần được thúc đẩy bởi sự phản đối công khai từ các nhà chính trị, bao gồm cả việc kêu gọi bỏ tù các nhà báo.

Trong một số trường hợp nổi bật, vẫn theo RSF, cơ quan thực thi pháp luật địa phương ở Mỹ đã thực hiện những hành động “đáng sợ” – bao gồm việc đột kích các tòa soạn và bắt giữ các nhà báo.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023