“Người đốt lò vĩ đại” nuôi mầm loạn và cái kết!

Sau khi loại được Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị, thừa thắng xông lên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lập luôn một cái “lò”, nhân danh việc làm trong sạch Đảng để trừng trị những phe cánh không thuộc hệ sinh thái quyền lực của ông.

Ngay khi đang còn quyết đấu “sống chết” với ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng đã âm thầm gầy dựng một bộ khung hậu Nguyễn Tấn Dũng, để đưa ông lên làm bá chủ. Bộ khung ban đầu với vai trò nòng cốt là Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ. Ông Nguyễn Bá Thanh với tính cách dám nói dám làm, giữ vai trò tiên phong, được giao chức Trưởng ban Nội chính chuyên đi soi Chính phủ.

Tuy nhiên, chỉ vừa hô “xung phong”, còn chưa kịp tiến lên thì ông Thanh đã nhận ngay một cú “hồi mã thương”, khiến ông mất mạng. Còn Vương Đình Huệ thì ẩn nấp ở Ban Kinh tế Trung ương, không dám hé răng một lời.

Ngoài Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh, ông Trọng còn nuôi Tô Lâm làm tay chân, khi Tô Lâm mới chỉ là cấp phó cho Trần Đại Quang. Khi đó, Tô Lâm đang dính líu với thương vụ Mobifone mua AVG, và có nguy cơ bị lộ. Tổng Trọng đã can thiệp và cứu Tô Lâm. Do đó, cơ quan điều tra không được phép đụng vào phần hồ sơ có liên quan đến Tô Lâm. Ông Trọng dùng ơn nghĩa này để thu phục Tô Lâm về dưới trướng.

Quả thật, sau vụ Mobifone mua AVG, ông Tô Lâm đã phục vụ hết mình cho Nguyễn Phú Trọng. Ngay cả việc rất khó như sang tận châu Âu để chỉ đạo bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, rồi sau đó mang vết nhơ suốt đời, Tô Lâm cũng không ngại.

Điều đáng nói là, dưới sự dung dưỡng của Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm đã ngày một tỏ ra nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, lúc đầu, sự nguy hiểm của Tô Lâm chủ yếu là trong cách đối xử với dân. Chưa bao giờ có chuyện công an dám ngang nhiên đột nhập vào nhà dân, bắn chết cụ già trên 80 tuổi không có sức phản kháng, khi cụ còn đang trên giường. Vụ án Đồng Tâm hồi đầu năm 2020 là một tội ác man rợ không thể gột rửa trước lịch sử.

Để chống lạm quyền, ông Trọng đã từng nói về một cái lồng nhốt quyền lực. Tuy nhiên, với một kẻ nguy hiểm như Tô Lâm, thì ông Trọng lại không hề nhốt quyền lực của ông này vào trong lồng, mà thả cho ông tự tung tự tát bao năm qua. Vì quá coi thường dân, nên những gì Tô Lâm gây ra với nhân dân, ông Trọng không thèm quan tâm. Trước mặt ông Trọng, Tô Lâm tỏ ra là người được việc, chỉ cần thế là ông hài lòng.

Danh hiệu “người đốt lò vĩ đại” mà ông Trọng có được, cũng nhờ vào phần lớn công sức của ông Tô Lâm. Ông Trọng chỉ nhìn thấy ông Tô Lâm ở khía cạnh hữu ích cho ông, chứ ông Trọng không nhận thấy sự nguy hiểm của Tô Lâm, mặc dù sự nguy hiểm ấy, Tô Lâm đã thể hiện rất nhiều lần và rất rõ ràng với nhân dân.

Dung dưỡng cho mãnh thú làm càn, miễn sao được việc, thì trước sau gì ông Tổng cũng phải trả giá. Và đến giờ phút này, ông Nguyễn Phú Trọng đã thật sự phải trả giá. Vì tranh đoạt quyền lực, ông Tô Lâm đã “tạo phản”, và chỉ trong 36 ngày, đã đốn ngã 2 đệ tử ruột mà ông Nguyễn Phú Trọng dày công bồi dưỡng. Sau khi đốn xong 2 đệ tử này của ông Trọng, Tô Lâm sẽ làm gì tiếp theo, thì dường như khó có thể đoán định. Không loại trừ khả năng, ông Tô Lâm cho lật luôn ghế mà ông Trọng đang ngồi để chiếm ngôi, trước kỳ ăn chia Đại hội 14.

Suốt từ năm 2016 đến 2023, ông Trọng dung dưỡng cho mầm loạn mà ông không biết. Từ trước đến nay, trong Đảng luôn có sự đấu đá để tranh quyền đoạt lợi, nhưng chưa bao giờ sự đấu đá trở nên khốc liệt như lúc này. Nguyên nhân trực tiếp là do Tô Lâm, còn nguyên nhân sâu xa hơn, chính là do ông Nguyễn Phú Trọng. Chính ông đã nuôi mầm loạn để giờ đây, Đảng trở nên hỗn loạn hơn.

Việc Tô Lâm làm loạn sẽ là một tiền lệ cho cung đình Cộng sản. Từ nay về sau, các đối thủ trong Bộ Chính trị phải manh động hơn, phải ra đòn thật nhanh, bất ngờ hơn, thì mới hy vọng thắng. Mà Đảng càng loạn thì dân càng lầm than, đất nước càng khốn đốn.

Hơn nữa, sự hỗn loạn trong nội bộ, đến một mức độ nào có thể dẫn đến sự sụp đổ từ bên trong, như đã xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây.

Tất cả là lỗi của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Trần Chương – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023