VinFast liên tiếp bị kiện tại Mỹ

Ngày 24/4, BBC Tiếng Việt cho hay “VinFast bị tập đoàn thép kiện tại Mỹ, khẳng định “luôn tuân thủ luật pháp”’.

BBC cho hay, Tập đoàn ArcelorMittal cáo buộc VinFast đã không mua loại thép mạ nhôm cường lực do Tập đoàn này sản xuất, từ các nhà cung cấp chính hãng.

Đồng thời, BBC cũng dẫn tuyên bố của VinFast, ngày 23/4 khẳng định, “nguyên tắc hàng đầu của công ty là tuân thủ luật pháp” và “bản quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.

Theo BBC, Tập đoàn ArcelorMittal đã đệ kiện lên Tòa án quận trung tâm California vào hôm 16/4, với cáo buộc “VinFast đã chế tạo, sử dụng, chào bán, bán và/hoặc nhập khẩu vào Mỹ” các loại sản phẩm bị cáo buộc vi phạm một hoặc hơn bằng độc quyền sáng chế do Tập đoàn này sở hữu.

Theo đơn kiện, ArcelorMittal cáo buộc VinFast dù đã nhận được thư của họ, liên quan đến bằng độc quyền sáng chế về thép, vào ngày 25/11/2022. Nhưng VinFast đã không mua giấy phép. “Thay vào đó, VinFast đã vi phạm [bản quyền],” đơn kiện nêu rõ.

Vẫn theo BBC, Tập đoàn này cũng đệ trình đơn khiếu nại lên Ủy Ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, yêu cầu điều tra và không cho phép VinFast nhập khẩu xe vào Mỹ, ngày 17/4.

Nội dung đơn khiếu nại này sẽ trải qua các phiên điều trần trong vòng 45 ngày, và sẽ trình Tổng thống xem xét trong 60 ngày.

Nếu lô hàng nhập khẩu bị cáo buộc vi phạm bản quyền tại Mỹ, thì Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ có thể ban hành lệnh cấm nhập khẩu vào Mỹ, và/hoặc yêu cầu bên vi phạm ngừng các hành động nhất định.

BBC cho biết, ArcelorMittal là một trong những Tập đoàn sản xuất thép đa quốc gia lớn nhất trên thế giới. Đây là công ty thép đa quốc gia, có nhà máy sản xuất tại 15 quốc gia, với hơn 126.000 nhân viên, trụ sở chính là ở thành phố Luxembourg, thuộc Đại công quốc Luxembourg.

Ngoài ra, BBC cũng cho hay, VinFast hiện đang phải đối mặt với các vụ kiện tập thể khác tại Mỹ.

Vào ngày 12/4, Công ty Luật Pomerantz thông báo rằng, một đơn kiện tập thể đối với VinFast đã được nộp tại Tòa án quận thuộc khu vực Quận Đông, New York. Theo đó, hồ sơ mà VinFast công bố trong quá trình sáp nhập với một công ty Mỹ để lên sàn chứng khoán Nasdaq, đã được chuẩn bị “cẩu thả”, chứa các thông tin không đúng sự thật, hoặc bỏ qua các thông tin quan trọng. Điều này đã dẫn tới các thông tin được cung cấp là sai hoặc gây hiểu nhầm.

Cùng lúc, Công ty luật Robbins có trụ sở tại thành phố San Diego, bang California của Mỹ – cũng phụ trách một vụ kiện tập thể đối với VinFast. Vụ kiện này đưa ra cáo buộc, VinFast và một số quan chức điều hành, giám đốc cũ hoặc đương nhiệm, đã vi phạm Đạo Luật Chứng khoán năm 1933, và/hoặc Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934 của Mỹ.

Bên cạnh đó, BBC đặt vấn đề, có lẽ, VinFast đã hiểu nhầm về ưu đãi đầu tư của Ấn Độ.

Theo đó, ngày 21/4, một trang tin Ấn Độ nhận xét, đã có sự hiểu nhầm giữa VinFast và Chính phủ Ấn Độ, liên quan đến chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho ngành xe điện tại quốc gia Nam Á này.

Một nguồn tin tham dự cuộc họp giữa Bộ Công nghiệp nặng Ấn Độ và các công ty sản xuất ô tô, vào hôm 18/4, nói rằng, ông Phạm Sanh Châu – Giám đốc điều hành VinFast Ấn Độ, đã “bối rối” khi biết rằng, dự án của công ty có thể không được hưởng ưu đãi theo chính sách mới của Ấn Độ.

“Tôi nghĩ đã có sự hiểu lầm… VinFast đã hiểu sai về việc họ có thể đầu tư 500 triệu USD cho đến năm thứ 5. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi nêu rõ, họ phải hoàn thành số tiền đầu tư đó vào năm thứ 3. Vào năm thứ 3, nhà đầu tư cần hoàn thiện khoản đầu tư 500 triệu USD và xuất xưởng xe với giá trị gia tăng nội địa là 25%”, trang tin Ấn Độ dẫn lời một quan chức Bộ Công nghiệp nặng Ấn Độ cho biết.

Có thể thấy, với thói quan gian dối nhưng vẫn luôn được bao che ở Việt Nam, khi ra “biển lớn”, VinFast đã lãnh nhận hậu quả và khó khăn đang bủa vây.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023