Liệu Huệ Vương có lật được thế cờ?

Ngày 22/4, báo Tiếng Dân có bài “Cái kết nào cho Vương Đình Huệ?”’  của tác giả Nông Văn Tiềm .

Tác giả nhắc lại, khi Bộ Công an bắt Trợ lý Nguyễn Quang Linh của Phạm Bình Minh; bắt Trợ lý Nguyễn Văn Trịnh của Vũ Đức Đam; bắt Nguyễn Thị Thanh Thuỷ em họ ông Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Bạch Thuỳ Linh, người cùng kinh doanh với con gái ông Phúc; bắt Đặng Trung Hoành em họ Võ Văn Thưởng, thì tất cả các vị này đều buông súng đầu hàng, rút lui để bảo toàn danh dự.

Tác giả nhận xét, Bộ Công an bắt Phạm Thái Hà – Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhằm mục đích duy nhất là gây sức ép, buộc ông Huệ phải viết đơn từ giã chính trường. Tuy nhiên, trái với toan tính của Bộ Công an cùng phe nhóm tấn công, họ Vương không dễ bị bắt nạt và chịu thua, như các vị Minh, Đam, Phúc, Thưởng.

Tất cả đang nín thở trước trận thư hùng có một không hai này.

Tác giả dẫn thông tin nội bộ cho biết, đến thời điểm này, Phạm Thái Hà vẫn chưa nhận tội, bác bỏ mọi cáo buộc về “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và “nhận hối lộ”, mà cơ quan điều tra Bộ Công an đang áp đặt.

Ngày 19/4, Bộ Chính trị nhóm họp khẩn cấp. Ông Huệ kiên quyết phản bác mọi quy chụp trách nhiệm và các đòn tấn công nhắm vào ông. Ông cho rằng, ai sai nấy chịu, luật pháp và điều lệ Đảng đã quy định rõ ràng.

Tác giả cho biết, ông Huệ mong muốn Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhanh chóng vào cuộc, điều tra, xác minh, để trả lại sự trong sạch cho ông. Đồng thời, ông yêu cầu làm rõ, có hay không một thế lực lộng quyền, tiếm quyền trong Đảng, âm mưu hạ bệ ông, thao túng chính trường.

Tác giả cũng cho hay, Tổng Trọng và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đồng ý, đề nghị theo quy trình, để Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cùng với Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương khẩn trương điều tra mở rộng, báo cáo kết quả cho Tổng Bí thư và Bộ Chính trị, sau đó Ban Bí thư triệu tập Hội nghị, xin ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương.

Thời gian thẩm tra của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Huệ là 60 ngày.

Theo tác giả, diễn biến phức tạp, khó phân định, nhưng với cách phối hợp ra đòn của Bộ Công an và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, xem ra Vương Đình Huệ khó có thể lật ngược tình thế. Dù hơi sớm, nhưng có thể nhận định, ông Huệ gần như chắc chắn sẽ bị truất phế.

Tác giả nhận định, ông Trọng đã sai lầm khi dùng “tấm gương đạo đức” và “danh dự”, để kêu gào, mong đảng viên các cấp thôi không tham nhũng nữa.

Do không răn đe, nghiêm trị bằng luật hình sự, mà lại xử lý theo quy định, quy chế nửa vời của Đảng, cộng với “nộp tiền khắc phục” để giảm án, làm cho tham nhũng không hề giảm, ngược lại, còn lộng hành hơn, quy mô hơn, thách thức hơn, vơ vét từ địa phương đến trung ương và lan vào đến “tứ trụ” triều đình.

Tác giả cũng nhắc lại, sau khi loại được Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội 12, Nguyễn Phú Trọng phát thông điệp “nhốt quyền lực vào lồng luật pháp”. Ông ném hàng loạt tướng tá công an vào tù, làm Bộ Công an biến mất 6 tổng cục, tinh giảm hơn 60 đơn vị cấp cục. Vô hình chung, quyền lực của cả Bộ Công an chỉ nằm trong tay Tô Lâm, chứ không phân quyền như trước năm 2018.

Bộ máy an ninh dày đặc của Tô Lâm đã nắm thóp tất cả, muốn bắt ai, vào thời điểm nào, đều do Bộ Công an quyết định.

Hiện nay, với sự “phơi lưng, lấm bụng” của Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, ông Trọng được cho là thất bại cay đắng!

Sự khủng hoảng nhân sự cấp cao đang là đề tài bàn tán sôi nổi trong đảng bộ các cấp. Phe nào thắng trong các trận thư hùng, thì dân chúng cần lao cũng mãi mãi bị đè đầu, cưỡi cổ.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023