Huệ Vương sắp “gãy ghế”, tương lai Tổng Trọng sẽ ra sao?

Trận thư hùng giữa phe Tô Lâm và phe Nghệ Tĩnh của Vương Đình Huệ, với mục tiêu tranh đoạt ghế Tổng Bí thư quyền lực bậc nhất, đang đầy kịch tính.

Ông Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục vắng mặt trong thời gian tương đối dài, nhưng đã không còn ý nghĩa đối với những biến động của chính trường. Theo giới thạo tin, Tô Đại tướng giờ đây đã coi Tổng Trọng như “chết rồi”, và không thèm quan tâm.

Báo VnExpress online ngày 22/4 đưa tin rõ ràng, rành mạch: “Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà bị bắt”. Bản tin cho biết, ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, đã bị bắt với cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, theo Khoản 4, Điều 358, Bộ luật Hình sự.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, ông Hà bị bắt trong quá trình Cơ quan Điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An. Các quyết định về việc khởi tố, tạm giam ông Phạm Thái Hà, đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn.

Đây là diễn biến mới nhất, khi Cơ quan Điều tra của Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Trong bối cảnh, 11 địa phương, tỉnh, thành, trên cả nước, nhận được yêu cầu của Bộ Công an về việc rà soát lại những hợp đồng thầu liên quan đến Tập đoàn Thuận An – một sân sau của phe Nghệ An và ông Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An – ông Nguyễn Duy Hưng, bị bắt ngày 15/4, kéo theo hàng loạt dự án của Tập đoàn này bị rà soát. Một số quan chức tỉnh Bắc Giang cũng vướng vòng lao lý, với cáo buộc liên quan đến Tập đoàn Thuận An.

Đáng chú ý, trước đó, truyền thông nhà nước cho biết, việc Ủy ban Kiểm tra một số tỉnh, thành phố, cũng nhận chỉ đạo theo ngành dọc, yêu cầu uỷ ban nhân dân các tỉnh rà soát các dự án của Tập đoàn Thuận An. Nghĩa là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra chỉ đạo về việc rà soát các dự án có liên quan đến Tập đoàn Thuận An.

Điều này cho thấy, vụ án Tập đoàn Thuận An là nghiêm trọng, khả năng cao có liên quan đến cán bộ đảng viên cấp cao, “thuộc diện Trung ương quản lý”. Đó cũng là lý do, vì sao, mạng xã hội lại rộ tin đồn về việc ghế Chủ tịch Quốc hội đang rung lắc mạnh, sau khi ông Nguyễn Duy Hưng bị bắt giữ.

Theo giới quan sát, vụ án Tập đoàn Thuận An có nhiều điểm giống với vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, đã khiến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải xin từ chức. Nhưng nếu so sánh, số tiền 64 tỷ đồng mà Võ Văn Thưởng nhận của Tập đoàn Phúc Sơn 12 năm trước, chỉ là “tiền lẻ” so với con số hơn 2.000 tỷ mà Phạm Thái Hà đã nhận từ Thuận An.

Giới thạo tin cho biết, Phạm Thái Hà là đệ tử ruột của Vương Đình Huệ, thậm chí, ở mức độ “tay hòm chìa khóa”. Ông Hà theo hầu Huệ Vương như hình với bóng trong suốt 20 năm qua, kể từ khi Vương Đình Huệ mới chỉ là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Quá trình công tác và thăng tiến của Phạm Thái Hà luôn song hành với hoạn lộ của Huệ Vương, trên cương vị Trợ lý. Đó là lý do tại sao, những sai phạm có hệ thống của Phạm Thái Hà, chắc chắn Huệ Vương có liên quan, ít nhất là về trách nhiệm, tương tự như các ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam trước đây.

Được biết, khi bị Bộ Công an câu lưu làm việc, Phạm Thái Hà đã kiên quyết không khai ra những người đã được chia phần, trong số tiền 2.2 ngàn tỷ, do ông Hà nhận hối lộ từ các sân sau của phe Nghệ An và Vương Đình Huệ.

Nhưng theo lẽ thường, Trợ lý Hà không thể tự ý làm sai, nếu không được cấp trên là Huệ Vương bật đèn xanh. Và khi Bộ Công an đã bắt Trợ lý, thì cấp trên trực tiếp khó có thể vô can, tối thiểu cũng phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Do đó, chắc chắn, Huệ Vương không thể thoát.

Kể từ cuối năm 2022 đến nay, công cuộc “đốt lò” của Đảng Cộng sản Việt Nam đã loại bỏ 2 phó thủ tướng, 2 chủ tịch nước, và một Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Việc này khiến cho số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18, xuống còn 14, trong vòng 2 năm qua. Đồng thời, hàng loạt bí thư, chủ tịch tỉnh, đã bị bắt giữ trong thời gian gần đây.

Giới quan sát nhận định rằng, trong bối cảnh cuộc chạy đua nhân sự “chủ chốt”, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 14, đang được tiến hành, các phe nhóm trong nội bộ Đảng đã lợi dụng chiến dịch “đốt lò” để triệt hạ đối thủ và giành lợi thế về mình. Mà nạn nhân tiếp theo, khả năng rất cao sẽ là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Vậy, tương lai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới đây sẽ ra sao?./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023