Chính quyền buộc Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà phải chấm dứt hoạt động

Ngày 18/4, RFA Tiếng Việt cho hay “Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà chấm dứt sau 12 năm”.

Theo đó, Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa kéo dài 12 năm qua ở Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đã tuyên bố dừng hoạt động. Một số người từng tham gia tổ chức cho rằng, đây là hậu quả của sức ép liên tục từ chính quyền.

RFA dẫn thông báo của Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ – tu sĩ thuộc giáo xứ Cần Giờ (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh), người phụ trách chương trình từ năm 2019 tới nay, ngày 7/4 cho biết, “tạm ngưng công việc này để tập trung cho sứ vụ mới”, không tiếp nhận hồ sơ mới và đề nghị các nhà hảo tâm không gửi tiền về cho ban tổ chức.

RFA nhắc lại, Chương trình tri ân các thương phế binh của chế độ cũ bắt đầu từ năm 2008, với quy mô nhỏ và chỉ đơn giản là mời cơm, tặng quà cho các ông thương phế binh sinh sống ở Sài Gòn.

RFA dẫn lời Hoà thượng Thích Không Tánh – cựu Tổng vụ trưởng Tổng vụ xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hồi tưởng lại, ban đầu, chùa Liên Trì do ông trụ trì chỉ trợ giúp được vài chục thương phế binh, không theo lịch trình cụ thể, mà chỉ thực hiện mỗi khi nhận được đóng góp.

Khi chương trình được nhiều người Việt ở hải ngoại biết đến, số người gửi tiền đóng góp nhiều hơn và số thương phế binh đến với chương trình cũng tăng dần.

Do nhà chùa không đủ sức tổ chức, năm 2012, Hoà thượng Thích Không Tánh đã mượn khuôn viên Nhà thờ Kỳ Đồng của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn để tổ chức.

Sau khi nhận thấy các linh mục và thiện nguyện viên làm tốt công việc này, vị Hoà thượng đã chuyển giao lại quỹ và danh sách thương phế binh cho nhà thờ tiếp tục thực hiện.

Theo RFA, từ đó, Chương trình được các linh mục thuộc Phòng Công lý và Hòa Bình – Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tổ chức một cách bài bản hơn, mang tên “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà – Bên nhau đi nốt cuộc đời.” Số thương phế binh đăng ký tham gia có lúc vượt quá 6.000 người.

Ban tổ chức quy tụ hàng ngàn ông mỗi dịp tết Nguyên Đán ở Nhà thờ Kỳ Đồng, chia ra trong nhiều ngày và trao quà là tiền mặt, có khi lên đến 3 triệu đồng. Các ông được tầm soát sức khỏe, được tặng xe lăn, chân giả,… được tôn vinh về sự đóng góp của họ trong chế độ cũ, và được thưởng thức chương trình ca hát với những nhạc phẩm được sáng tác ở miền Nam trước năm 1975, cũng như chia sẻ kỷ niệm thời quân ngũ và hoàn cảnh bị thương tật.

Đối với các thương phế binh ở xa, chương trình gửi quà đến tận nhà cho họ.

Vẫn theo RFA, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn từng mua đất xây nhà trọ ở Vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, cho một số ông thương phế binh cơ nhỡ tạm trú. Tuy nhiên, sau đó, nhà trọ này bị đập cùng với vụ cưỡng chế khu đất này vào năm 2019.

RFA cho biết, sau khi linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành – cựu Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, rời chức vụ năm 2015, nhiều linh mục là nhân tố chủ chốt của Chương trình, như Lê Ngọc Thanh, Đinh Hữu Thoại, Lê Xuân Lộc, Hồ Đắc Tâm, và Trương Hoàng Vũ lần lượt bị thuyên chuyển đi xa, khiến Chương trình bị gián đoạn.

Các linh mục như Lê Ngọc Thanh, Đinh Hữu Thoại, và Trương Hoàng Vũ bị cấm xuất cảnh, vì các hành động cổ suý cho dân chủ và nhân quyền, bên cạnh việc tham gia vào chương trình tri ân thương phế binh.

RFA cũng cho hay, kể từ năm 2019, sau khi linh mục Hồ Đắc Tâm tuyên bố phục hoạt chương trình, và linh mục Trương Hoàng Vũ phụ trách đến nay, chương trình không thể tổ chức kiểu quy tụ quy mô lớn như ở Sài Gòn trước đây. Chương trình đã chọn cách đi đến tận nơi thăm viếng các ông thương phế binh.

RFA dẫn lời một linh mục từng tham gia Chương trình, cho hay, Chương trình luôn bị cơ quan an ninh đánh phá, sách nhiễu, đến nỗi phải chấm dứt vào đầu tháng 4 này.

Những người từng hứa với các ông thương phế binh “Bên nhau đi nốt cuộc đời” cảm thấy có lỗi, vì lực bất tòng tâm, muốn đồng hành với các mảnh đời đau khổ, nhưng không đành lòng nhìn các thiện nguyện viên và gia đình họ bị sách nhiễu khốc liệt và không thể có cuộc sống bình yên.”

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023