Apple muốn xây nhà máy ở Indonesia

Ngày 17/4, RFA Tiếng Việt loan tin “Vừa rời Việt Nam, CEO Apple nói muốn xây nhà máy ở Indonesia”.

RFA dẫn lời Giám đốc điều hành của Công ty Apple, hôm thứ Tư 17/4, cho biết, Công ty này sẽ xem xét xây dựng một cơ sở sản xuất ở Indonesia, sau khi gặp Tổng thống Joko Widodo – người hy vọng gã khổng lồ công nghệ sẽ tăng hàm lượng nội địa bằng cách hợp tác với các công ty trong nước.

Theo RFA, một hãng tin quốc tế nổi tiếng dẫn lời ông Tim Cook, đã đến Jakarta vào thứ Ba (16/4), sau khi có chuyến thăm 2 ngày ở Việt Nam. Ông đã gặp Jokowi, vị Tổng thống được nhiều người biết đến, và sẽ khánh thành học viện phát triển thứ 4 trên đảo Bali.

“Chúng tôi đã nói về mong muốn của Tổng thống là muốn thấy hoạt động sản xuất trong nước và đó là điều chúng tôi sẽ xem xét”, ông Cook nói với các phóng viên sau cuộc họp.

RFA cho biết, Apple không có cơ sở sản xuất ở Indonesia, nhưng kể từ năm 2018, hãng này đã thành lập các học viện phát triển ứng dụng, bao gồm cả học viện mới, có tổng chi phí là 1,6 nghìn tỷ rupiah (99 triệu USD).

RFA dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia – Agus Gumiwang Kartasasmita – người cũng tham dự cuộc họp, nói rằng, nếu Apple quyết định xây dựng cơ sở sản xuất ở Indonesia, họ sẽ có đủ năng lực sản xuất để xuất khẩu.

Vẫn theo RFA, Apple đặt phần lớn hoạt động sản xuất iPad, AirPods và Apple Watch chính tại Việt Nam. Các nhà cung cấp linh kiện cho MacBook cũng đang đầu tư vào Việt Nam.

RFA cũng cho biết, trong cuộc gặp với Tim Cook hôm 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Apple tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, phát triển xanh, sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối.

Ông cũng mong Công ty này sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và coi Việt Nam là “cứ điểm”, để tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, đa dạng hóa thị trường.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, sẽ thành lập tổ công tác để hỗ trợ Apple ngày càng phát triển hiệu quả tại Việt Nam.
Đáp lại, RFA cho biết thêm, CEO của Apple nói, ông mong muốn thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác, đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam.

Nói về chuyển đổi năng lượng xanh, chính quyền Việt Nam thực hiện cực kỳ chậm trễ. Có thể nói, các khung pháp lý, các quy định để hỗ trợ cho các công ty năng lượng xanh phát triển là hoàn toàn không có, nếu không nói là tạo rào cản quá lớn. Trên thực tế, các công ty điện mặt trời, điện gió không được hỗ trợ để bán điện, hoặc bị ép bán với giá rẻ mạt, không đủ bù chi phí, khiến họ chán nản.

Điển hình là vụ Tập đoàn năng lượng tái tạo Orsted của Đan Mạch đã dừng toàn bộ kế hoạch điện gió ngoài khơi Việt Nam, vào tháng 11/2023.

Theo bản tin do RFA loan vào ngày 21/11/2023, dẫn nguồn từ Orsted Việt Nam, về kế hoạch không nộp lại hồ sơ xin chấp thuận các công tác khảo sát đánh giá tài nguyên biển cho Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam; cũng như sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động phát triển nào cho các dự án điện gió ngoài khơi chung của 2 bên.

RFA cho hay, vào giữa tháng 10/2023, liên danh Orsted và T&T Group tại Việt Nam cũng có thông báo đến uỷ ban nhân dân 2 địa phương là Hải Phòng và Thái Bình của Việt Nam, về quyết định chiến lược dừng các dự án tại Việt Nam; không tiếp tục đầu tư, phát triển 2 dự án siêu điện gió ngoài khơi mà liên danh thực hiện trong thời gian qua.

RFA cũng cho hay, Orsted đến Việt Nam vào năm 2021, và ngày 1/11/2022 liên danh T&T Group và Orsted ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, trong việc phát triển điện gió ngoài khơi. Biên bản này đã không được gia hạn.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023