Chi hơn 200 tỷ kỷ niệm ngày sinh Trần Phú: Phe Nghệ Tĩnh đã hết cửa kiếm ăn?

Trong tình trạng thiếu bệnh viện, thiếu trường học, phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân trên cả nước, không được chính quyền quan tâm. Nhưng mới đây, huyện nghèo Đức Thọ, Hà Tĩnh, đã chi hơn 200 tỷ tiền thuế của dân để mua cờ, làm khẩu hiệu, xây cổng chào, kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông dương – ông Trần Phú.

Cổng Thông tin Điện tử của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, ngày 10/4 đưa tin, “Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú”. Bản tin cho biết, để chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 – 1/5/2024), Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị tại huyện Đức Thọ.

Theo đó, việc chỉnh trang, tu sửa, vệ sinh môi trường… tại Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú đã được huyện Đức Thọ và các đơn vị liên quan triển khai, với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng.

Cho đến thời điểm này, huyện Đức Thọ đã treo 332 băng rôn, khẩu hiệu, 48.913 cờ Đảng và cờ Tổ quốc, 16.530 hồng kỳ, 218 phướn, 19 bảng pano khổ lớn, 852 bảng áp phích; làm 26 cổng chào trên các tuyến đường trục chính và thêm 122 phần việc khác.

Công luận cho rằng, trong lúc, đa phần người dân Việt Nam còn chật vật lo cuộc sống, thì đây là những việc làm vô bổ, lãng phí, không thiết thực, và không có ý nghĩa với người dân.

Qua tìm hiểu, được biết, ông Trần Phú (1904 –1931) là một nhà Cách mạng, là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 27 tuổi, và là một “học trò xuất sắc” của ông Hồ Chí Minh. Ông Trần Phú từng được ông Hồ đưa sang học tập, huấn luyện về chính trị ở Trung Quốc và Liên Xô. Sau khi về nước, đã hoạt động bí mật, rồi bị chính quyền Thực dân Pháp bắt giữ và tử hình.

Mạng xã hội đã dậy sóng bởi các ý kiến không đồng tình, thậm chí là chỉ trích chính quyền và Đảng bộ Hà Tĩnh. Vì Hà Tĩnh, Nghệ An đến nay vẫn là các tỉnh nghèo, năm nào cũng nằm trong danh sách “xin gạo cứu đói” từ Trung ương. Vậy mà lãnh đạo tỉnh vẫn sẵn sàng bỏ ra từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng vào những việc vô bổ, phô trương, như xây tượng đài, làm cổng chào… nay còn thêm kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo!

Có ý kiến cho rằng, ông Trần Phú là một người nổi tiếng với với tư tưởng phản động – “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Lẽ ra, lãnh đạo Hà Tĩnh phải coi đó là nỗi nhục, phải quên cái tên đó đi. Đằng này, họ lại tỏ vẻ tự hào, thì không còn gì để nói.

Facebooker Nguyễn Tiến Dũng trong status với tựa đề “Kinh Hoàng” đã viết:

“Huyện nghèo Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã chi hơn  200 tỷ mua cờ, phướn, khẩu hiệu, làm cổng chào kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú. Không thể nào hiểu được não trạng của những người lãnh đạo nơi này.”

Còn Tiến sĩ Chu Hồng Quý cảm thán:

“Thấy Nghệ An nhặt tượng secondhand về, tổ chức lễ lạt hoành tráng, Hà Tĩnh cũng kém miếng khó chịu.”

“Cũng hôm nay, những người Nghệ tha hương lao động khổ sai ở Đài Loan đang quyên góp bạc lẻ để đưa 2 nạn nhân đồng hương xứ Nghệ về quê chôn cất, sau hai cái chết tang thương, liên tiếp trong mấy ngày liền. Một người chết do bị ngã khi chạy trốn truy đuổi của cảnh sát, anh Nguyễn Quang Hùng sinh 1986. Một người đột tử do làm việc quá sức, anh Hoàng Ngọc Hải sinh năm 1992.”

“Vong hồn ông Trần Phú có được yên ả khi khát vọng giải phóng cần lao chưa thành, dù đã ngót trăm năm.”

Có nhiều ý kiến khẳng định, 48 năm qua, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã không xây thêm được một trường học công lập nào. Đến nay, trong kỳ thi vào hệ Phổ thông Trung học tỉnh Nghệ An, năm 2024, số trường Trung học Phổ thông của tỉnh mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở, do thiếu trường, thiếu lớp. Nếu không xây quảng trường, hay dựng tượng Lenin, thì kinh phí này có thể xây được bao nhiêu trường học?

Nhà báo Dũng Nguyễn cho rằng:

“Ở Hà Tĩnh cũng tương tự, 200 tỷ tiền cờ phướn thì xây được 4 trường học khang trang… Nhưng tụi nó thì rất rõ, trong túi chúng sẽ có được bao nhiêu? Đức Thọ là một huyện nghèo, hàng năm phải vác rổ đi xin, ai cũng biết.”

Công luận thấy rằng, chủ trương xây dựng tượng đài chỉ có ý nghĩa thuần túy phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng. Nhưng các quan chức lãnh đạo cũng được “xơ múi” rất nhiều, và nó chính động lực, để họ tìm mọi cách đục khoét ngân sách, bằng các dự án mang tính phô trương.

Vậy, tại sao, lãnh đạo Đảng luôn nói rằng, “ngoài lợi ích của nhân dân thì Đảng không có lợi ích gì?”./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023