Cần bãi bỏ độc quyền vàng để chấm dứt buôn lậu và chênh lệch giá so với thế giới

Ngày 7/4, tác giả Nguyen Dieu Tu Uyen có bài bình luận về tình trạng giá vàng ở Việt Nam đăng trên trang Bloomberg. Bài viết được dịch giả Cù Tuấn biên dịch và đăng trên báo Tiếng Dân ngày 9/4, với tựa đề “Giá vàng tăng vọt ở Việt Nam gây lo ngại về việc buôn lậu”.

Bài báo tóm tắt trong 2 ý chính:

– Nhu cầu về vàng gây thêm áp lực lên các quan chức nhằm chấm dứt độc quyền vàng của nhà nước

– Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng.

Theo tác giả, ổn định thị trường vàng đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với Việt Nam, khi những kẻ buôn lậu lợi dụng giá vàng nội địa cao hơn để buôn lậu kim loại quý này vào Việt Nam, dẫn đến biến dạng tỷ giá hối đoái và làm cho tiền VND yếu đi, gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam.

Tác giả cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra lệnh cho Ngân hàng Nhà nước tăng cường các biện pháp nhằm xoa dịu thị trường.

Theo số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới, nhập khẩu vàng của Việt Nam là 55,5 tấn vào năm 2023, so với 39,8 tấn vào năm 2020. Nhiều người nhận định rằng, sự gia tăng nhập khẩu vàng chủ yếu thông qua các kênh bất hợp pháp, vì Việt Nam có các quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu kim loại này.

Vẫn theo tác giả, sự gia tăng buôn lậu vàng được thúc đẩy bởi sự kết hợp của việc thiếu nguồn cung chính thức và nhu cầu dịch chuyển vốn đến nơi an toàn, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn. Dòng chảy này đang gây áp lực lên tiền VND, vì những kẻ buôn lậu cần mua đô la Mỹ ở chợ đen để thanh toán tiền mua vàng.

Tác giả dẫn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu – Tổng Giám đốc Toàn Cầu – một Công ty nghiên cứu tài chính và bất động sản, cho biết, nhu cầu USD để thanh toán nhập khẩu vàng “đã gây sức ép cho tiền đồng giảm sâu hơn, khiến Ngân hàng Nhà nước khó kiềm chế lạm phát và tác động tiêu cực đến nền kinh tế”.

Tác giả cho hay, sự điên cuồng tương tự cũng được quan sát thấy ở Trung Quốc. Nhu cầu từ người mua nội địa Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ năm ngoái, do lo ngại về sự phục hồi kinh tế không đồng đều của quốc gia này. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chuyển sang hạn chế nhập khẩu vàng vào năm ngoái, để bảo vệ đồng nhân dân tệ khi đồng tiền này suy yếu xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Giá vàng tại Việt Nam là 3.263,26 USD/lượng vào chiều 5/4, tương đương khoảng 2.719 USD/ounce.

Tác giả bình luận, nhiều thập kỷ chiến tranh, cách mạng và bất ổn kinh tế, đã nuôi dưỡng lòng tin vào vàng ở Việt Nam.

Tác giả dẫn ý kiến của ông Huỳnh Trùng Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, sự chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng quốc tế lên tới 15 triệu đồng (600 USD) mỗi lượng, trong những tháng gần đây, so với 2 đến 3 triệu đồng khoảng một thập kỷ trước, sau khi nhà nước độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng.

Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính và Tiền tệ quốc gia tháng trước đã đề xuất chấm dứt sự độc quyền của nhà nước về nhập khẩu vàng và sản xuất vàng miếng.

Tác giả nhận xét, những người mua vàng Việt Nam như các nhà sản xuất đồ trang sức, từ lâu đã biết cách mua vàng từ các nguồn bất hợp pháp, do không có giấy phép nhập khẩu.

Theo ông Khánh: “Nếu tình trạng độc quyền không được chấm dứt, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế chắc chắn sẽ tiếp tục tăng và nó sẽ có tác động rất tiêu cực đến tiền đồng và nền kinh tế”.

Ông Khánh dự báo, khoảng cách giá vàng có thể nới rộng lên 25 đến 30 triệu đồng vào cuối năm nay nếu duy trì thế độc quyền của nhà nước.

Việc chấm dứt độc quyền chắc chắn sẽ giảm buôn lậu và có thể giúp Chính phủ tăng nguồn thu thuế từ nhập khẩu vàng chính ngạch”, ông Khánh nói.

 

Quang Minh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023