Vì sao Tổng Trọng phải “truy cùng diệt tận” Bảy Phúc và phe cánh?

Chỉ riêng trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội 13 (2021 – 2026), đã có 4/18 uỷ viên Bộ Chính trị, 21/200 uỷ viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, phải thôi chức để “chịu trách nhiệm chính trị” trước Đảng, là những bằng chứng về cuộc đấu đá quyết liệt trong Đảng.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Tổng Bí thư Trọng đang nỗ lực diệt trừ “hậu họa”. Trong đó, hệ thống chính trị ở Quảng Nam của ông Nguyễn Xuân Phúc bị xem một mối đe dọa tiềm ẩn.

VnExpress ngày 8/4 đưa tin, “Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam bị miễn nhiệm”. Bản tin cho biết, tại kỳ họp bất thường sáng 8/4, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã biểu quyết miễn nhiệm ông Lê Trí Thanh và Nguyễn Hồng Quang, ra khỏi chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, nhiệm kỳ 2021 – 2026. 100% các đại biểu có mặt đã đồng ý.

Theo giới quan sát, thông tin này cho thấy, việc “truy cùng, diệt tận” đối với thế lực chính trị của ông “trùm” xứ Quảng Nam nói riêng và phe cánh miền Trung, là điều có thật.

Nhà phân tích chính trị Việt Nam Zachary Abuza mới có bài bình luận, “Điều gì sẽ đến sau những xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng”. Theo tác giả, “Có những dấu hiệu cho thấy, ông Trọng – người đã thâu tóm một quyền lực chưa từng có, và đã khiến những đối thủ của mình, như ông nguyễn Xuân Phúc, phải ra đi, với mục đích đưa những người thân cận vào các vị trí quyền lực”.

Một trong những lý do ông Trọng loạt bỏ không thương tiếc ông Phúc, rồi đưa ông Thưởng ngồi thế chỗ, bởi trước đây, ông Phúc và phe cánh đã cản phá quyết liệt ý đồ của ông Trọng, muốn đưa ông Trần Quốc Vượng kế nhiệm tại Đại hội 13. Lúc đó, ông Vượng là Thường trực Ban Bí thư. Kết quả, ông Vượng đã phải nghỉ hưu, và đó cũng là lý do, ông Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ thứ 3.

Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, giới phân tích quốc tế đánh giá, Tổng Bí thư Trọng là người đứng đầu Đảng chuyên quyền nhất, độc đoán nhất, và cũng là người nắm quyền lực thực chất cao nhất, thậm chí còn hơn cả ông Hồ Chí Minh và ông Lê Duẩn.

Ông Nguyễn Phú Trọng lâu nay vẫn được đánh giá là người nhiều “quỷ kế”. Để loại bỏ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, từ giữa năm 2022, phe cánh của ông Trọng đã thông qua Bộ Công an, tung tin rằng, bà Trần Thị Nguyệt Thu – vợ ông Phúc, là tổng đạo diễn – “trùm cuối” của đại án kit test Việt Á.

Tuy nhiên, trong lễ bàn giao chức Chủ tịch nước cho Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Ánh Xuân, vào ngày 4/2/2023, trước ống kính của các hãng truyền thông trong, ngoài nước, ông Phúc đã tuyên bố:

“Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, tôi chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, khi có một số cán bộ vi phạm khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, tôi đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu.”

Đáng chú ý, ông Bảy Phúc khẳng định, việc vợ con ông không liên quan Việt Á “đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.

Tổng Trọng là người nắm quyền lực tuyệt đối trong Đảng, ngoài sự ủng hộ triệt để của Bắc Kinh, ông còn nhận được sự ủng hộ không giới hạn của nhóm Nghệ Tĩnh. Trong đó, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương là ông Trần Cẩm Tú – một đồng minh thân cận của ông Trọng. Chắc chắn, ông Trần Cẩm Tú sẽ không im lặng, nếu điều ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định là sai sự thật.

BBC Tiếng Việt nhận định, “Câu nói trên của ông [Phúc] dường như muốn trả lời, để dập tắt những đồn đoán trước đó.”

Chiều ngày 4/2/2023, hầu hết các cơ quan báo chí báo Việt Nam đã đồng loạt đăng tải phát ngôn trên của cựu Chủ tịch nước, về gia đình và vợ con ông. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, phần phát ngôn quan trọng đó của ông Phúc đã “không cánh mà bay”.

Truyền thông quốc tế thời điểm đó đã đưa ra bình luận: “điều đó cho thấy, cuộc đấu tranh giữa các phe phái trong Đảng đã bộc lộ công khai và quyết liệt; Ban Tuyên giáo Trung ương đã hành động không quang minh chính đại, che dấu sự thật, càng khiến dư luận hoang mang và nghi ngờ hơn”.

Theo giới phân tích, ít ai biết về lý do thực sự khiến ông Trọng không chịu rời bỏ quyền lực, bởi đây là điều không hề dễ dàng. Hơn 10 năm  trên cương vị Tổng Bí thư, ông Trọng đã gây lắm thù và chuốc nhiều ân oán, với các lãnh đạo cấp cao trong Đảng.

Cứ nhìn cách mà Tổng Trọng đối xử với cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng trước đây, cũng như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây thì rõ. Hơn ai hết, ông Trọng hiểu rất rõ luật nhân quả, “cá ăn kiến rồi có ngày kiến ăn cá”. Để thấy, trong những ngày tháng cuối đời, ông Trọng khó có thể được yên ổn.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023