Vụ án Vạn Thịnh Phát, “phiên đấu giá” tại tòa đang hồi gay cấn!

 

Ngày 5/3, sau khi ngày xét xử đầu tiên vụ án Vạn Thịnh Phát bắt đầu, báo chí được lệnh tung tin rằng: “Vụ án Vạn Thịnh Phát, trong 86 bị cáo, có 13 người bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình”.

Đây là cách tạo áp lực đối với các bị cáo, rằng, nếu muốn được “khoan hồng” thì phải chạy tiền. Các quan chức làm trong cơ quan tố tụng biết chắc rằng, những bị cáo này có rất nhiều tiền, nên phải “nói thách” mức án như thế.

Vạn Thịnh Phát không phải là trường hợp đầu tiên cơ quan tố tụng làm như thế. Trên thực tế, họ đã làm vậy trong vụ án chuyến bay giải cứu.

Trong vụ “giải cứu”, cơ quan tố tụng đã “nói thách” đến 18 án ở khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Ở thời điểm đó, Thoibao.de cũng đã bình luận rằng, đấy chỉ là cách nói thách để buộc các bị cáo phải chạy chọt. Kết quả, sau khi phiên tòa kết thúc, không có bất kỳ một án tử hình nào, 4 án chung thân và không có án trên 20 năm. Quá trình xét xử tại tòa chỉ là phần nổi, bề mặt mà cơ quan tố tụng muốn cho dân thấy, còn phần chìm là chạy án đằng sau “cánh gà” của sân khấu diễn vở tuồng công lý.

Tại phiên xét xử vụ Vạn Thịnh Phát ngày 19/3 vừa qua, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã công bố đề nghị mức án đối với 86 bị cáo, trong đó có 1 án tử hình và 4 án chung thân. Đây được xem là mức án đã giảm đi nhiều, so với mức báo chí công bố trước khi xét xử. Tuy nhiên, theo nguồn tin nội bộ mà chúng tôi nhận được, các bên vẫn còn tiếp tục thương lượng và mặc cả. Cuối cùng, sẽ chẳng có án tử hình nào hết, tương tự như vụ chuyến bay giải cứu.

Phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát dự kiến kéo dài đến ngày 29/4, sẽ còn nhiều thời gian để các bên mua bán “sau cánh gà”. Khi nào bên cần cán cân công lý nhận đủ tiền thì tất nhiên họ sẽ giảm án.

Có thể hiểu, những phiên xét xử đại án kinh tế thế này là cơ hội để các quan chức thực hiện công tác tố tụng kiếm chác. Bản án được réo trước tòa nhưng tiền mua án thì chung chi dưới gầm bàn. Trong quá trình xét xử, nếu bên mua án mà cò kè bớt một thêm hai, thì quan tòa sẽ hét án nặng, để buộc bên mua phải chi tiền theo ý bên bán. Trong trò chơi đấu giá này, ai trả tiền cao thì án được giảm nhiều. Hiện nay, trò “đấu giá án” của vụ Vạn Thịnh Phát đang đến hồi gay cấn, dự đoán, bà Trương Mỹ Lan sẽ thoát án tử, và tất nhiên, các quan tố tụng sẽ được quả đậm. Bà Lan không có quyền lựa chọn, bên bán ra giá bao nhiêu thì bà cũng phải chấp nhận.

Trước đây, những vụ án kinh tế lớn thường đi kèm những bản án vô cùng nghiêm khắc, vụ án Minh Phụng và vụ án Tân Trường Sanh cách đây hơn 20 năm là ví dụ. Lúc đó, quan chức ngành công an, tòa án và viện kiểm sát còn “ngây thơ” hơn, chưa dám mạnh tay buôn bán công lý như ngày nay. Ngày đó, có thể người Cộng sản không táo tợn và quỷ quyệt như bây giờ.

Khi tam quyền phân lập không tồn tại, thì đất nước không thể có tư pháp độc lập. Do đó, không thể ngăn được tình trạng oan sai do án bỏ túi, cũng như tình trạng mua bán công lý hiện nay.

Nếu tòa án vì công lý, sẽ mang lại bình yên cho xã hội. Còn tòa án vì tiền thì chính nó gây nên bất công, và từ đó tạo ra bất ổn xã hội. Người có tiền mua án thì sẽ thoát, dù họ có phạm tội tày đình. Người không có tiền thì bị án nặng, án oan. Câu chuyện làm thất thoát của nhà nước 15.000 tỷ thì được hưởng án treo, còn ăn cắp con vịt về nhậu thì phải nhận đến 7 năm tù giam, là minh chứng cho thứ công lý vì tiền do Đảng Cộng sản tạo ra.

Vụ Vạn Thịnh Phát, “phiên đấu giá” tại tòa đang hồi gay cấn!

Quang Minh -Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023