Phải chăng, việc “Tuấn Phò Mã” bị bắt là nằm trong kế hoạch nhắm đến giới nổi tiếng của Đảng?

Vì sao TikToker “Tuấn Phò mã” bị hốt?

Ngày 6/3, RFA Tiếng Việt loan tin TikToker “Tuấn Phò Mã” bị bắt.

Theo đó, TikToker “Tuấn Phò Mã”, tên thật Hoàng Đình Tuấn, sinh năm 1984 trú tại Thanh Hóa, bị bắt để điều tra về tội “đánh bạc”.

RFA cho biết, tin này được truyền thông nhà nước đồng loạt đăng tải, dẫn nguồn từ Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Thông tin chi tiết về vụ đánh bạc này chưa được công bố, tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ cho biết, bước đầu xác định, Tuấn bị bắt do có hành vi cá độ trong lúc chơi bida tại địa bàn huyện Yên Phong. Theo Điều 321 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất của tội danh này lên đến 7 năm tù, và còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

RFA dẫn tin từ báo chí nhà nước, cho hay, tin nêu rõ, ông Hoàng Đình Tuấn sở hữu kênh TikTok “Tuấn Phò mã” với hơn 300.000 người theo dõi, và hơn 3,7 triệu lượt thích; cũng như nhiều video triệu view. Tài khoản TikTok “Tuấn Phò mã” nổi tiếng với những clip đối phó với lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Cơ động trong quá trình làm việc.

Cụ thể, tài khoản TikTok “Tuấn Phò mã” đăng tải nhiều clip lưu thông trên đường phố Hà Nội và một số tỉnh, thành khác, như Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… và những clip gọi là “giao lưu” với cán bộ cảnh sát giao thông…

RFA cũng cho biết, nhiều video clip có nội dung hướng dẫn tài xế lái xe an toàn trên các tuyến đường; cũng như chia sẻ các tình huống tranh luận với cán bộ cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, trong quá trình làm nhiệm vụ, xử lý vi phạm.

Một số video clip của TikToker “Tuấn Phò mã” cũng ghi lại các trường hợp xin lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm cho người tham gia giao thông; hoặc clip cảnh sát giao thông đổi địa điểm tuần tra, khi thấy TikToker “Tuấn Phò mã” xuất hiện.

Đáng chú ý, bình luận về vụ việc này, báo Tri thức và Cuộc sống dẫn lời Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng, “Tuấn Phò Mã” là một trong những người nổi tiếng trên không gian mạng. Dù Tuấn bị bắt giữ liên quan đến đánh bạc, nhưng cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ các hành vi của Tuấn trên mạng xã hội, để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

“Những người gây ra tai tiếng trên không gian mạng bị xử lý là điều khó tránh bởi đó là những biểu hiện của những hành vi vi phạm pháp luật”, Luật sư Cường nêu ý kiến.

Như vậy, từ phát ngôn của vị Luật sư này, có thể nhận thấy bóng dáng của việc đàn áp nhắm vào những người nổi tiếng, mà Đảng đã thực hiện thời gian gần đây, từ vụ bà Nguyễn Phương Hằng, bà Đặng Thị Hàn Ni, người mẫu Ngọc Trinh, có khả năng tiếp theo là Hoa khôi Nam Em, và hiện nay là “Tuấn Phò Mã”.

Báo Tri thức và Cuộc sống còn đề cập đến việc nhiều “đối tượng nổi tiếng trên mạng xã hội do “bóc phốt”, tạo ra các hội nhóm đấu tố lẫn nhau, thu thập trái phép thông tin cá nhân, đưa ra những thông tin giả mạo sai sự thật, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân”… hay “những nhóm chuyên đi ghi hình cảnh sát giao thông để tống tiền, hoặc sử dụng các thông tin hình ảnh đó vào mục đích bêu xấu lực lượng chức năng, gây ảnh hưởng đến hoạt động thi hành công vụ, nhiệm vụ, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước”… Tất cả đã bị xử lý bằng các chế tài hành chính và hình sự.

Rõ ràng, vị Luật sư Đặng Văn Cường và báo Tri thức và Cuộc sống trắng trợn cổ suý cho công an, chính quyền chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của người dân, giám sát và khống chế hành vi của người dân, trên danh nghĩa “xử lý vi phạm pháp luật”. Bởi những hành vi như “bóc phốt” là quan hệ dân sự, người bị hại có quyền khởi kiện dân sự, công an không có quyền nhúng tay vào. Còn việc giám sát lực lượng chức năng, như cảnh sát giao thông, là QUYỀN GIÁM SÁT của người dân, không phải hành vi vi phạm pháp luật.

 

Quang Minh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023