Xét xử vụ án nhà báo Hàn Ni: Luật rừng lại diễn ra công khai?

Xét nhà báo Hàn Ni: Luật rừng lại diễn ra công khai?

Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/3, đã đưa ra xét xử vụ án nhà báo Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ, liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam.

Kết quả, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni nhận mức án 18 tháng tù, và luật sư Trần Văn Sỹ nhận mức án 2 năm tù, cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền/lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2, Điều  331, Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Hội đồng Xét xử cho rằng, bà Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, thực hiện nhiều buổi livestream trực tuyến trên không gian mạng, với phát ngôn có nội dung bịa đặt, thông tin không đúng hoặc chưa kiểm chứng.

Điều đó đã xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự cá nhân và những bí mật đời tư của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng, trái với quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, vụ án vừa kể không thuyết phục được dư luận xã hội, kể cả các cơ quan trong hệ thống tư pháp nhà nước. Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/3 đã “ẩn ý”, khi đưa tin với tiêu đề, “Viện Kiểm sát nói “rất tiếc” khi phải xét xử bà Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ”.

Bản tin cho biết, tranh luận đối đáp tại toà, đại diện Viện Kiểm sát nói rất đáng tiếc khi phải xét xử hai bị cáo Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ, vì hai người từng là nhà báo, luật sư, có am hiểu về pháp luật.

Trên mạng xã hội Facebook và các Diễn đàn Chính trị, có nhiều ý kiến không đồng tình về vụ án, cũng như bản án của Hội đồng Xét xử. Facebook Nguyen Nga từ Hà Nội cho rằng:

“Đấu khẩu trên mạng hai phe thua tất, 1 bên là CEO, 3 năm tù, bên còn lại là luật sư, hôm nay tòa xử. Lằn ranh giữa tự do dân chủ với vi phạm pháp luật theo Điều khoản tội 331, nó mong manh, từ nhà báo đến luật sư là những người hiểu biết pháp luật mà vẫn bị bắt như thường .

Thôi thì trong chế độ Cộng sản, chịu nhịn chút, tránh đối đầu là cách giải quyết tốt nhất.”

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, trong status “Luật rừng trong vụ xử bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ”, đã nhận xét rằng: “Điều nghiêm trọng là tại phiên tòa này, Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015 đã bị Hội đồng Xét xử xâm phạm thô bạo. Điều này chí ít ở hai sự việc.

Cụ thể:

  1. Căn cứ Khoản 1, Điều 62, Bộ Luật tố tụng Hình sự, bà Hằng và ông Dũng phải được xác định là bị hại, thế nhưng, Hội đồng Xét xử lại xác định 2 người này là “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” đến vụ án.
  2. Ngay cả với tư cách “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” đến vụ án, bà Hằng và ông Dũng cũng đã không có mặt tại phiên tòa, vì được Hội đồng Xét xử cho phép vắng mặt. Điều này vi phạm nghiêm trọng Điểm a, Khoản 3, Điều 65, quy định: Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ kết luận:

“Đúng là LUẬT RỪNG!

Điều cần lưu ý là bị hại của LUẬT RỪNG này, không chỉ là bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Đặng Văn Sỹ, mà còn là và trước hết Hiến pháp và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Dư luận còn thắc mắc, đây chỉ là một vụ việc “cãi nhau” trên mạng xã hội, vì sao không xử về tội làm nhục người khác, hay tội vu khống theo Bộ luật Dân sự, mà lại xử theo Điều 331?

Rồi việc tòa không công nhận tư cách của bà Hằng và ông Dũng là bị hại, mà lại xác định 2 người này là “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Giới luật sư cho rằng, đó là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Dư luận xã hội cho rằng, việc bà Nguyễn Phương Hằng bị đi tù, không phải do bà livestream chửi nhau. Vì rõ ràng, trong suốt thời gian bà Hằng livestream trên mạng xã hội, nhưng không ai cấm.

Bà Hằng tố cả cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan biển thủ 10 tỉ đồng chi phí mổ tim của Trung ương cấp, đem xài vào việc khác.

Chưa hết, bà Hằng còn kể ơn huệ với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. Trong livestream, bà Hằng kể công giúp đỡ ông Mãi, thời còn làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, trách mắng ông Mãi là người “vô ơn, thiếu đạo đức” v.v…

Điều đó cho thấy, bà Nguyễn Phương Hằng cậy là một doanh nhân thành đạt, giàu có tới mức “kim cương đong bằng ống bơ”. Một người có sức mạnh đồng tiền và những mối quan hệ với giới chức lãnh đạo quyền lực, vẫn còn khả năng lấy “tiền đè chết người”.

Phải chăng, việc bà Nguyễn Phương Hằng phải nhận bản án 3 năm tù, là một sự “quá đà” của giới chức thành phố Hồ Chí Minh, nên họ đã phạt vạ nhà báo Hàn Ni và luật sư Sỹ để làm vừa lòng kẻ có tiền?./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023