Tương lai Tô Đại sẽ ra sao khi ăn đòn “liên hoàn cước”?

Tương lai Tô Đại sẽ ra sao khi ăn đòn “liên hoàn cước”?

Cuối năm 2023, hãng tin quốc tế Bloomberg đã phân tích về tình hình chính trị Việt Nam, đề cập tới những dấu hiệu đấu đá nội bộ trong thượng tầng lãnh đạo, cho rằng:

“Sinh mệnh chính trị của Thủ Tướng Phạm Minh Chính chênh vênh theo sự trồi sụt của nền kinh tế và những bất ổn nội bộ đang có vẻ không tốt đẹp.”

Theo Bloomberg, những bất đồng về quan điểm trong Ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay, giữa các phe cánh trong nội bộ Đảng, không có dấu hiệu thuyên giảm.

Đặc biệt, cộng đồng mạng chú ý đến mối quan hệ giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và một nhân vật có quyền lực bao trùm hiện nay, là Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an.

Báo Dân Việt ngày 27/2 đưa tin, “Thanh tra Chính phủ yêu cầu Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên kiểm điểm liên quan vi phạm tại 19 dự án”. Bản tin cho biết, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số thiếu sót, vi phạm, tại 19 dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, và yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xử lý.

Điều vừa kể có liên quan gì đến cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay? Bởi ông Tô Lâm quê Hưng Yên, và theo giới phân tích, ông đang cố gắng tỏ ra là một ứng viên sáng giá đối với chiếc ghế quan trọng bậc nhất này. Trong lúc, các ứng viên như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính, được cho là có nhiều khả năng hơn, bởi họ nằm trong “tứ trụ” – nhóm quyền lực nhất trong Bộ Chính trị.

Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm có một số lượng lớn lãnh đạo là người đồng hương Hưng Yên với ông. Nhiều tới mức, có những dèm pha cho rằng, “muốn làm lãnh đạo Bộ Công an lúc này, thì phải có… bằng C tiếng Hưng Yên.”

Một người đồng hương và cũng là đồng minh thân cận của Tô Lâm, đó là, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay, ông Đỗ Tiến Sỹ. Ông Sỹ là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, và là cựu Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên. Trước Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10/2023), ông Sỹ đã cho đăng bài “Chúng ta đã để lọt cán bộ không đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII”, trên website của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây được coi là một thông điệp mà Tô Lâm gửi tới Tổng Trọng.

Hãng tin quốc tế nói trên từng đánh giá về việc 2 ông Phó Thủ tướng bị đánh văng ra ngoài, từ cuối năm 2022. Đến đầu năm 2023 thì đến lượt ông Phúc – Chủ tịch nước, cũng bị cho “thôi chức”, vì ông này là một trong những người nhòm ngó cái ghế Tổng Bí thư mà ông Trọng đang ngồi.

Theo giới quan sát, điều đó cho thấy, đã trở thành một thông lệ, bất kỳ “đồng chí” nào rắp tâm “dòm” ghế Tổng Bí thư của ông Trọng, thì rồi sẽ bị loại bỏ không thương tiếc. Các nhân vật như Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, là những minh chứng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), được cho là em gái “mưa” của Thủ tướng Chính, đã trở thành yếu huyệt của ông.

Phạm Minh Chính đã trở thành cái gai trong mắt ông Trọng. Kể từ Hội nghị Trung ương 5 đến Trung ương 7 khóa 13, ông Chính đã phải liêu xiêu, bất an, bởi Tổng Trọng không dấu diếm mục tiêu hất Thủ Chính, để củng cố vị thế cho Vương Đình Huệ.

Ông Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu ISEAS ở Singapore, từng nhận định: “một số đảng viên cấp cao muốn ông Chính bị hất cẳng, vì nếu ông Chính còn ngồi đó, ông ta có thể là chướng ngại cho người khác”.

Tổng Trọng đã nỗ lực thúc đẩy truy bắt bằng được bà Nhàn, kể từ giữa năm 2022. Trước Hội nghị Trung ương 7 khóa 13 (tháng 5/2023), Tổng Trọng hề không dấu diếm điều vừa kể, khi công khai khẳng định với cử tri Hà Nội, rằng “trốn cũng không thể trốn được”.

Giới thạo tin tiết lộ, trước sự lộng hành của ông Tô Lâm, Tổng Trọng muốn đưa Phan Đình Trạc vào ghế Bộ trưởng Công an, thay cho Tô Lâm. Do vậy, cú đánh bồi của Thủ tướng Phạm Minh Chính“yêu cầu tỉnh Hưng Yên kiểm điểm liên quan vi phạm tại 19 dự án”, cũng là động thái nhắm đến Tô Lâm.

Từ cuối năm 2023 cho đến nay, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã có những động thái bất thường. Ông liên tiếp bắt giữ và mở rộng điều tra đối với các quan chức cấp tỉnh, có liên hệ với quan chức cấp cao. Vụ bắt giữ ở Lâm đồng, địa bàn của bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, là một ví dụ.

Đó là lý do vì sao, khả năng Tô Lâm sẽ rất chật vật để trụ lại trong danh sách nhân sự “chủ chốt” của Đại hội 14, là điều dễ hiểu. Và rất có thể, tới đây, Tổng Trọng sẽ tiếp tục tạo thêm áp lực để loại Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc đua giành ghế Tổng Bí thư.

Ông Phạm Minh Chính, cựu Trưởng ban Tổ chức Trung ương, là lãnh đạo cũ của bên Đảng. Hơn nữa, ông Chính là Phó trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII, cánh tay phải trong công tác nhân sự của Tổng Trọng, mà đến nay, ông Chính cũng liêu xiêu, là điều không thể coi nhẹ./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023