Vì sao vấn nạn chạy án ở Việt Nam gia tăng và phát triển không có hồi kết?

Vì sao vấn nạn chạy án ở Việt Nam gia tăng và phát triển không có hồi kết?

Chuyện cựu Giám đốc Công an Hải Phòng – Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nhận 35 tỷ để giúp chủ một doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn trái phép chạy án, ít được dư luận xã hội quan tâm, so với khối tài sản khổng lồ mà ông ta sở hữu.

Nhiều ý kiến cho rằng, đó là bởi, chạy án đã trở thành một tình trạng hết sức phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Khi người dân gặp các rắc rối liên quan đến luật pháp, thì việc đầu tiên họ nghĩ đến, chính là nhờ người chạy án. Bất kể đó là vấn đề liên quan đến dân sự, hành chính, hay hình sự.

Nhiều thẩm phán đã bị bắt quả tang lúc đang trao nhận hối lộ, như truyền thông nhà nước thường xuyên đưa tin, cho thấy, đây là việc hết sức phổ biến. Đó là hệ quả của một xã hội có luật pháp cũng như không, và công lý không được coi trọng. Đây là một thực trạng đã tồn tại từ lâu trong ngành tư pháp Việt Nam nói chung và ngành công an nói riêng.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2013, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đã chất vấn ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lúc đó:

“Có hay không tiêu cực trong chạy án tham nhũng, khi số vụ án đưa ra xét xử thì ít, nhưng số bị cáo được hưởng án treo, phạt tù nhẹ chiếm rất cao, có nơi đến 45%?”

Ông Trương Hòa Bình đã thừa nhận “trên thực tế, có một số không ít cán bộ công chức tòa án bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tiêu cực, nhận tiền của đương sự”.

Vấn đề này được coi là một lỗ hổng trong ngành tư pháp Việt Nam, và nghiêm trọng hơn, công an và luật sư thường đóng vai trò trung gian trong hầu hết các vụ chạy án này. Những nhân vật được nhờ để chạy án, phải là người có vai vế và mối quan hệ.

Việc chạy án cũng tuân theo triết lý của trùm xã hội đen Trương Văn Cam – tức Năm Cam. Đó là, “việc gì không chạy được bằng tiền, thì chạy được bằng rất nhiều tiền”.

Ba vụ chạy án đình đám với số tiền lên đến triệu USD gần đây. Vụ thứ nhất là, 2 cựu cán bộ thuộc Cơ quan Điều tra C03 Bộ Công an, Bùi Trung Kiên nhận 2,2 triệu USD và Lê Thành An nhận 1,5 triệu USD, để chạy án cho cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức Nguyễn Minh Quân. Vụ thứ 2 là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, nhận 2,65 triệu USD trong vụ án chuyến bay giải cứu. Vụ thứ 3 là cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca nhận 35 tỷ đồng.

Xu thế chung của việc chống tham nhũng trên toàn cầu, là phải áp dụng các nguyên tắc “thượng tôn pháp luật, tư pháp độc lập, báo chí tự do và các tổ chức xã hội dân sự tham gia giám sát việc chống tham nhũng”.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra “Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị, về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, sau khi bị kỷ luật”, thì rõ ràng cho thấy, đó là chủ trương cứu lãnh đạo tham nhũng.

Theo đó, nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ… sẽ không bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân.

Tổng Trọng là người điều hành công cuộc chống tham nhũng, nhưng vẫn mang tư duy “cần phải mở đường cho đồng chí của mình rút kinh nghiệm” v.v…

Việc trả lại tiền tham nhũng trước phiên xử, dưới danh nghĩa “khắc phục hậu quả”, để đổi lấy mức án thấp, hay đổi lấy tự do như hiện nay, thực chất là một hình thức chạy án công khai. Công luận cho rằng, nếu quy trình này tiếp tục được thực hiện, thì việc “diệt trừ” nạn chạy án là điều không thể.

Trong lúc đó, các tổ chức, cá nhân của Đảng và nhà nước, đã tự ý can thiệp thô bạo vào hệ thống pháp luật. Cụ thể, Tổng Trọng và Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương đã tùy tiện trong việc chỉ đạo án theo ý của mình.

Theo giới phân tích, nguyên nhân của tình trạng chạy án phổ biến như hiện nay, là do việc vận dụng luật pháp một cách tùy tiện, trong một hệ thống luật pháp thiếu minh bạch và không công minh.

Đạo đức của nhân viên nhà nước trong lĩnh vực tư pháp cũng là vấn đề, khiến đương sự không còn tin cậy vào hệ thống pháp lý và công lý. Điều này đã khiến người dân sẵn sàng bỏ tiền để mua công lý, thông qua việc chạy án.

Để diệt trừ được vấn nạn chạy án, công luận thấy rằng, Việt Nam cần phải có một hệ thống luật pháp minh bạch và rõ ràng. Không thể để cùng một tội danh mà mức án quá rộng, từ tù treo đến vài năm tù giam, như hiện nay.

Đồng thời, phải đảm bảo mức lương đủ sống, cũng như quyền lợi của những người tiến hành tố tụng phải đủ cao, để tránh tình trạng họ bán rẻ lương tâm, danh dự, bằng những đồng tiền chạy án./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023