Thu xe vi phạm lãng phí nguồn lực xã hội và tiền bạc của dân, cần bãi bỏ?

Thu xe vi phạm lãng phí nguồn lực xã hội và tiền bạc của dân, cần bãi bỏ?

Việc chính quyền Việt Nam đưa ra chính sách cấm tuyệt đối người lái xe có hơi men, được cho là hợp lý, nhất là việc xử lý quyết liệt đối với các lái xe say xỉn. Nhưng vẫn có một số bất cập trong việc này.

Đó là, ngoài việc giới hạn nồng độ cồn bằng 0, gây ra nhiều điều bất hợp lý, thì việc lực lượng công an thu xe “vi phạm” về rồi chất đống, đã gây ra nhiều hậu quả, như: tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội, và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động nghèo. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay chưa tìm ra cách giải quyết thực trạng này.

Báo Lao Động hôm 18/2 đưa tin “Bãi tạm giữ xe vi phạm nồng độ cồn quá tải, có thể được chi tiền mở rộng”. Bản tin cho biết, thời gian qua, nhiều bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông ở các địa phương đã bị quá tải. Theo ghi nhận của báo Lao Động, tại bãi xe ở Hà Đông, Hà Nội, có đến hàng nghìn phương tiện, chủ yếu là xe máy, được tập kết, chất đống.

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, từ ngày 8/2 đến ngày 14/2, các cơ quan chức năng đã xử lý 71.382 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó, vi phạm nồng độ cồn là 29.099 trường hợp. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 35.684 phương tiện giao thông các loại.

Theo quy định mới nhất của Bộ Công an, mức phạt vi phạm nồng độ cồn khá cao so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, cao nhất có thể lên đến 8 triệu đồng. Đôi khi, mức phạt còn cao hơn cả trị giá của phương tiện bị tạm giữ. Do vậy, không ít trường hợp, người vi phạm đã bỏ xe, đành chịu mất phương tiện còn hơn phải nộp phạt.

Điều này dẫn đến tình trạng, số phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi ngày càng nhiều, và đòi hỏi phải mở rộng kho bãi. Ngoài ra, để bảo quản các phương tiện bị tạm giữ, các cơ quan chức năng còn phải lắp đặt và bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy; bổ sung thêm nhân sự quản lý v.v… gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Có ý kiến cho rằng, nếu quá thời hạn tạm giữ đối với các phương tiện vi phạm trong một khoảng thời gian nhất định, thì bán đấu giá phương tiện và nộp ngân sách. Tuy nhiên, giới luật gia khẳng định, phương tiện vi phạm thuộc sở hữu của người dân, nếu không được người dân đồng ý, thì việc bán đấu giá là bất hợp pháp.

Theo đài Á Châu Tự Do (RFA), Luật sư Nguyễn Văn Miếng đã khẳng định, việc công an tự ý bán đấu giá xe của người dân khi chưa có sự đồng ý của họ, là bất hợp pháp:

“Bởi vì những chiếc xe đó không phải là của công an. Xe là sở hữu của người dân, chỉ khi nào người dân nói rằng, tôi đồng ý để cho công an xử lý, thì mới được.”

Công luận đồng tình và ghi nhận những nỗ lực của ngành công an trong việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, cũng có các ý kiến cho rằng, trong nhiều trường hợp, cảnh sát giao thông đã lạm dụng việc kiểm tra, để tìm mọi cách thu giữ xe của người vi phạm.

Theo quy định của Bộ Tài chính, người vi phạm khi đến nhận lại phương tiện bị tạm giữ, thì phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản phương tiện, trong thời gian bị tạm giữ. Với giá giữ xe vi phạm giao thông tại Hà Nội hiện nay, được quy định cho xe máy là 8.000 đồng/xe/ngày đêm; xe ô tô đến 9 chỗ ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống, là 70.000 đồng/xe/ngày đêm.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, phóng viên của thoibao.de được biết, dù người dân đã phải trả tiền giữ xe, nhưng xe của họ không được trông coi cẩn thận. Không chỉ là việc xe máy bị quăng quật, phơi nắng, phơi mưa, mà còn có tình trạng xe bị tháo gỡ, tráo đổi phụ tùng, là hiện tượng hết sức phổ biến.

Một luật sư từ Hà Nội, trao đổi với thoibao.de với điều kiện dấu danh tính, cho rằng:

“Khi tạm giữ xe vi phạm của người dân, cơ quan công an phải có trách nhiệm giữ gìn tài sản của họ. Khi thu phương tiện, yêu cầu người ta tới nộp phạt, thì trong đó có thu cả tiền trông giữ bảo quản xe, tức là, anh phải có trách nhiệm giữ xe cẩn thận. Chứ không thể để tình trạng thu tiền giữ xe, nhưng không bảo quản nguyên trạng phương tiện.”

Đồng thời, vị luật sư này cho biết, thực ra, chỉ cần thu giữ giấy phép lái xe hoặc biển số của phương tiện vi phạm là đủ. Làm như vậy, vừa nhẹ cho người dân, mà không mất tiền bến bãi, trông giữ xe.

Công luận thấy rằng, việc Quốc hội cho phép Bộ Công an được hưởng tới 85% tiền phạt, tức là, nhà nước mặc nhiên cổ vũ và khích lệ việc xử phạt, đó là hành vi “coi dân là con bò sữa”. Và công luận cũng thấy rằng, không nên áp dụng việc xử phạt một cách quá cứng nhắc như hiện nay./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023