Hai định đề kìm hãm sự phát triển của đất nước

Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’, cỗ xe vừa đạp thắng vừa đạp ga (phần 2)

Ngày 22/2, blog Tùng Phong trên VOA có bài bình luận ‘“Kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa”, cỗ xe vừa đạp thắng và đạp ga”.

Tác giả cho rằng, dưới góc độ Hiến Pháp và Thể chế, tồn tại những mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tiễn, đối lập với các tiêu chí để xem xét Việt Nam có phải một nền kinh tế thực sự tự do hay không.

Tác giả đặt câu hỏi mang tính kỹ thuật là: Đâu là khác biệt giữa “nền kinh tế thị trường” và “nền kinh tế phi thị trường”? Các căn cứ pháp lý và tiêu chí xem xét hai mô hình này là gì?

Tác giả tập trung đề cập đến sự khác biệt căn bản giữa nền “kinh tế thị trường” và “phi thị trường”, dưới góc độ của Hiến pháp, những mâu thuẫn giữa lý thuyết duy khoa học với thực tiễn, ngay trong cơ cấu nền tảng của thể chế chính trị Việt Nam. Đó là vấn đề về quyền sở hữu Đất đai và vai trò của thành phần Kinh tế Nhà nước trong Hiến Pháp 2013, tương ứng với tiêu chí 4 và tiêu chí 5 trong Đạo luật Omnibus 1988 của Hoa Kỳ.

Tiêu chí số 4: Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất. 

Theo tác giả, các doanh nghiệp nhà nước “đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, nên Việt Nam chưa đáp ứng tiêu chí này.

Tiêu chí số 5: Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng của doanh nghiệp. 

Vẫn theo tác giả, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các biện pháp kiểm soát giá, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chủ chốt như “xăng dầu, thép, bê tông, vận tải, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và thiết bị y tế”.

Tác giả cho hay, theo Khoản 1, Điều 51, Hiến pháp 2013, thì “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Trong thực tế, tác giả phân tích, doanh nghiệp nhà nước là khối doanh nghiệp nắm giữ nhiều tài sản, tài nguyên, vốn và ưu đãi chính sách nhất, nhưng đóng góp cho nền kinh tế rất hạn chế. Những hạn chế cố hữu này hơn 3 thập kỷ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa vẫn không có gì tiến bộ hơn.

Tác giả nêu dẫn chứng từ những tập đoàn như: Điện lực Việt Nam (EVN), Than khoáng sản (TKV), Dầu khí quốc gia (PVN), Vietnam Airlines, SBIC, Vinalines, gang thép Thái Nguyên… đều luôn làm ăn thua lỗ, nhập khẩu những công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và tham nhũng.

Về quyền sở hữu đất đai, tác giả cũng cho hay, theo Điều 4 Luật Đất đai năm 2013, thì “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Tác giả nhận xét, đây là tính kế thừa quan điểm công hữu về tư liệu sản xuất của hệ thống Soviet cũ, cụ thể ở đây là đất đai. Di sản tai hại này ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành và hoàn thiện thực chất hệ thống quyền tài sản và quyền tự chủ kinh tế tư nhân. trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường.

Giới chức cầm quyền đưa ra lập luận rằng, chế độ công hữu “toàn dân” để ngăn chặn những hành vi đầu cơ, tránh việc một nhóm nhỏ có thể nắm giữ quá nhiều đất đai, tài nguyên, dẫn đến tình trạng phân chia giàu nghèo ngày một lớn. Đây là một lập luận ngụy biện và thực tế đã cho thấy tác hại của tư duy này khi tạo ra quá nhiều lỗ hổng trong quản lý, dẫn đến việc xuất hiện một tầng lớn dân oan trong xã hội, cũng như hình thành hàng loạt đô thị ma.

Tác giả đánh giá, dưới góc độ của kinh tế thị trường, khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống kinh tế hiện nay của Việt Nam là cơ sở của hệ thống quyền tài sản không rõ ràng. Đặc biệt trong vấn đề quyền tư hữu đất đai và quyền sở hữu trí tuệ. Thiếu vắng hệ thống quyền tài sản (bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình) và quyền tự chủ tư nhân, là một tổn thương nghiêm trọng, khiến cho mọi nỗ lực xây dựng một nền “kinh tế thị trường” trở thành vô nghĩa.

Tác giả nhận định, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang vừa đạp chân phanh, vừa nhấn chân ga cỗ xe kinh tế già nua – với thiết kế khung gầm từ thời Soviet và động cơ công nông của Trung Quốc – leo lên con dốc khó khăn, trong bối cảnh địa chính trị và toàn cầu hóa đầy thách thức. Một hình ảnh vừa châm biếm, vừa đáng buồn.

Tác giả kết luận, chừng nào hai định đề “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” và “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không bị gỡ bỏ, thì con đường phát triển của đất nước sẽ mãi mãi chỉ là “con kiến mà leo cành đa”.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023