Nguyễn Phú Trọng và sự trở lại của phái Đức trị

“Tổng Bạc” và sự nguy hiểm của trường phái ‘Đức Trị’

Ngày 17/2, blog Lê Quốc Quân trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Nguyễn Phú Trọng và sự nguy hiểm của trường phái “Đức Trị”’.

Đây là bài viết bình luận về xu hướng quản trị của Tổng Trọng, mà theo quan điểm của tác giả, là quay về một chủ thuyết chính trị lạc hậu, đã bị loài người và xã hội văn minh vứt bỏ, đó là chủ thuyết Đức trị.

Chủ thuyết này, trong quá khứ đã từng gây ra biết bao đau thương cho nhân loại, khi đặt vai trò và quyền lực của các vị vua – quan lên trên những quy định của pháp luật. Nó chính là tiền đề tạo ra kiểu hành xử “luật là tao”. Tuy nhiên, nó lại được che đậy bằng chiếc áo khoác mĩ miều – “đạo đức”.

Tác giả xác quyết rằng, loài người đã bước qua thời kỳ Đức trị với sự sụp đổ của chế độ phong kiến. Việc nó đang loay hoay quay trở ở những nước như Trung Quốc và Việt Nam, thể hiện một sự bế tắc chiến lược giữa Chủ nghĩa Cộng sản và nền kinh tế thị trường.

Tác giả nhận định, mặc dù lớn tuổi và sức khoẻ suy sụp, ông Trọng vẫn là nhân vật quyền lực nhất Việt Nam, hình ảnh của ông gợi nhớ về những ông vua trong chế độ phong kiến, theo mô hình Đức trị để điều hành quốc gia.

Vậy Đức trị là gì?

Tác giả cho biết, Đức trị là một học thuyết chính trị, chủ trương “Điều hành chính sự bằng đạo đức”, xuất hiện từ thời Tây Chu, được Khổng Tử đúc kết và nâng lên thành học thuyết. Theo đó, việc trị quốc căn bản phải dựa vào nhân đức của người cầm quyền, mà không cần phải dùng đến pháp luật.

Cùng với sự tan rã của chế độ phong kiến và sự tiến bộ xã hội, Nho giáo đã dần dần được xếp vào một góc trong bảo tàng lịch sử về các học thuyết quản trị nhà nước. Trào lưu Khai sáng và văn minh nhân loại trong mấy trăm năm qua, đã nhấn chìm dần tư tưởng Đức trị trong việc quản trị quốc gia.

Nhưng, tác giả đánh giá, phương thức quản trị này dường như đang quay trở lại, với một vị “vua già” hơn 80 tuổi, lòng đau đáu với sự tồn vong của vương triều, mà cụ thể là Đảng của mình. Ông đã bị “ngộ độc” về tư tưởng Cộng sản, và bây giờ đang loay hoay tìm con đường chỉnh đốn nhân cách của các đảng viên, trong một nền kinh tế thị trường đầy thế tục.

Tác giả nhận xét, người ta bắt đầu sử dụng các văn bản nội bộ của Đảng Cộng sản, để đề cao đạo đức và trách nhiệm nêu gương, trước khi nói đến pháp luật, pháp lý hay toà án.

Tác giả cho rằng, các Nhà Nho luôn muốn thần thánh hoá các bậc lãnh đạo, nhưng Hàn Phi – triết gia đại diện phái Pháp trị của Trung Quốc, từ thời nhà Tần – đã tước bỏ ý nghĩa thần thánh của họ, và coi vua cũng chỉ là một người bình thường như những người khác. Ông nêu rõ “pháp luật đúng đắn, bày ra hình phạt nghiêm khắc để chữa cái loạn của dân chúng, khiến cho kẻ mạnh không lấn át người yếu, kẻ đông không xúc phạm số ít, người già cả được thoả lòng, người trẻ và cô độc được trưởng thành…”

Tiếc thay, tác giả bình luận, ông Trọng lại quan tâm đến trách nhiệm chính trị và nghĩa vụ nêu gương, chứ không phải là hành vi vi phạm.

Ông còn dùng 4 cữ Nhân (nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình) để nói về chiến dịch đốt lò và phòng chống tham nhũng, mà quên mất một chữ nhân quan trọng là NHÂN PHẨM. Đó là phẩm giá bình đẳng của một con người, được Thượng đế trao tặng, bất kể sang hèn.

Tác giả bình phẩm, chống tham nhũng chính là trò tiêu khiển mới mà Đảng bắt đầu dành cho dân chúng, để cùng tạo cảm hứng vui vầy. Nó tạo nên công việc của Đảng và đảm bảo sự xúc động chân thành vừa phải của người dân. Nó có thể trở thành một phần tất yếu, với liều lượng ngày càng cao, thì độ ép phê càng lớn.

Tác giả cho rằng, trước đây, chúng ta từng thấy khẩu hiệu “Sống và Làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”. Đây chính là cách đề cao sự thượng tôn pháp luật, biểu hiện rất rõ trường phái pháp trị, nhưng giờ đây thì chỉ còn “trách nhiệm chính trị” và nghĩa vụ nêu gương.

Tác giả nhấn mạnh, lò chống tham nhũng trở thành một người bạn đồng hành chung thuỷ cùng trường phái Đức trị, và sự trở lại của Nho giáo. Nó được sử dụng để loại bỏ bất kỳ ai đi chệch khỏi quỹ đạo đạo đức của mình, mà đôi khi không vì một mục đích chính đáng nào cả.

Nó đang làm phai nhạt Nhà nước pháp quyền và những giá trị như nhân phẩm, tự do và dân chủ. Điều này là vô cùng nguy hiểm cho tương lai Việt Nam.

Tác giả sợ rằng, ông Trọng sẽ mãi không tìm được người kế vị và “Sau ông là hồng thuỷ”.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023